Một bức tranh về Facebook |
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ bức tranh vẽ cảnh một nhà máy đang thải khói ngùn ngụt đen sì lên bầu trời, và có những công nhân treo thang lên đó để sơn cho nó màu mây trắng. Hình như bức tranh đó có tên là Làm sạch không khí, làm sạch môi trường bằng trò tô vẽ.
Vẽ với một bút pháp phi lý, nhưng luôn chạm tới những hiện thực nghiệt ngã. Với loạt tranh Facebook, Pawel Kuczynski cũng dùng sự phi lý để chạm tới sự “nghiệt ngã” như vậy. Và, lần này, nó làm cho tôi giật mình. Vì sao? Vì tôi cũng chính là một người chơi Facebook.
Đầu tiên, mắt tôi nhìn vào bức tranh những người đàn ông đang ngồi trên sông băng thả cần câu chờ đợi, chỉ một người không cần câu đứng bên cái ô nước (cách điệu bằng logo Facebook) và chỉ với một cái khoát tay, những con cá từ cái ô nước đó tự động phóng lên cái xô trên bờ. Tôi đặt tên cho bức tranh này là Nghệ thuật câu cá mới.
Tiếp theo, mắt tôi dừng lại rất lâu ở bức tranh hai người đàn ông được trang bị để giao chiến với nhau, một người mang mặt nạ phòng độc, tay gậy, tay khiên; còn người kia bên túi kè một... khẩu súng Facebook. Tôi đặt tên cho bức tranh này là Súng bao (la) đạn.
Và một bức tranh hết sức ấn tượng, đó là bức hai con chó đang “kênh xì po” với nhau, mà hai cái đuôi (chữ F) vểnh lên... xanh lè. Bức tranh này được chú giải là: “Ngày xưa có câu con gà tức nhau tiếng gáy, còn ngày nay con cẩu tức nhau cái Facebook”. Và tôi đặt tên cho bức tranh này là Cẩu phây.
Không chỉ riêng tôi mà nhiều người cảm thấy bị “tức thở” với loạt tranh Facebook này. Không lạm bàn về việc hữu dụng hay tác hại của Facebook vì nhiều người đã nói rồi, nhưng xem tranh, tôi chợt nghĩ thế này: “Hiện nay cả thế giới đang dùng Facebook như một phương tiện dẫn tới sự hạnh phúc, thì liệu chúng ta có thật sự hạnh phúc?”.
Đây đương nhiên là câu hỏi không dễ dàng trả lời, nhưng chúng ta có thể nghĩ một chút về nó. Chúng ta nghĩ về việc con người ngày càng khuôn mình trong bốn bức tường với những chuyến phượt tưởng tượng và “chém gió” vũ bão (tôi thật sự biết có những người ngồi một chỗ mà bịa ra những chuyến viễn du sông hồ, vượt biên giới).
Chúng ta cũng nghĩ về mức độ “sát thương tâm lý” mà Súng bao (la) đạn gây ra (sự chỉ trích, phê phán, chửi bới trên mạng Facebook hiện nay là dày đặc, và Facebook nào càng “chuyên nghiệp” về chửi bới thì càng được đông đảo người hưởng ứng).
Chúng ta cũng nghĩ về sự thay đổi những giá trị cuộc sống mà Internet hay Facebook mang lại (chẳng hạn, khi một người mẹ trẻ dọn cơm ra bàn rồi nói với đứa con của mình rằng: “Bây giờ, trước khi ăn chúng ta phải làm gì nào?” (ý nói là phải rửa tay) thì đứa bé trả lời: “Dạ, chúng ta phải chụp hình, úp lên phây ạ!”).
Và, biết bao “ca” hài hước đen nhưng lại vô cùng hiện thực: “đại bàng” khoe tiệc trong nhà tù, sư thầy khoe được đại gia biếu điện thoại Vờ-tu (Vertu). Vân vân và vân vân.
Chọn lọc tự nhiên là điều hiển nhiên xưa cũ mà Charles Darwin đã từng nói. Hạnh phúc, chẳng phải là mẩu chọn lọc cuối cùng của con người hay sao? Có những người sau một thời gian chơi Facebook đã “khóa vĩnh viễn”.
Có những người biết cách sử dụng Facebook một cách hiệu quả trong chia sẻ thông tin, bán hàng và quảng bá thương hiệu. Có những người bị Facebook “hành” đến mất kiểm soát hành vi, nhân cách. Có những người sử dụng Facebook như một “trang cá nhân” độc đáo, bổ ích.
Xem tranh của Pawel Kuczynski, tôi nghĩ ông không vẽ hình chữ F xanh, mà vẽ thế giới con người trong chữ F xanh đó. Rốt cuộc thì chúng ta sống trong cuộc đời thực hay là chung thân với thế giới ảo?
Không biết bạn nghĩ sao, còn tôi, mỗi khi mở Facebook ra, thấy câu Bạn đang nghĩ gì? Thì lại nghĩ tới câu nói của nhà văn Sam Anderson: “Đã quá muộn để lui về một khoảng thời gian yên tĩnh hơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận