13/02/2009 05:00 GMT+7

Xem The Curious Case Of Benjamin Button: Thấy lòng như giấy mới

NGUYỄN TRỰC
NGUYỄN TRỰC

TT - Một chút buồn, một chút vấn vương và nhiều suy tư trăn trở. Lâu lắm rồi, dễ chừng năm năm qua, mới lại có một bộ phim làm tôi ngẩn ngơ đến vậy. Quá nhiều cái chết trong một bộ phim, quá nhiều người già và nhiều lắm những cuộc chia xa vĩnh viễn…

Phim của Brad Pitt tranh giải kỹ xảo Oscar 2009"The Curious Case of Benjamin Button" dẫn đầu đề cử Oscar 2009

Thế nhưng, The curious case of Benjamin Button cũng có những nụ cười hồn nhiên, những câu thoại hóm hỉnh và nhiều khoảnh khắc hạnh phúc. Để rồi, khi những thước phim khép lại, người xem hiểu rằng: “Vâng, được sống đã là một ân huệ”.

ARnNHwUS.jpgPhóng to
Cảnh trong phim The curious case of Benjamin Button - Ảnh: IMDB

Thấy lòng như giấy mới: thanh sạch, mới mẻ khi xem xong phim. Con người vốn dĩ khác biệt nhau: người hay bị sét đánh, người có khả năng âm nhạc, người sinh ra chỉ để làm mẹ, người chỉ biết tới những chiếc cúc áo, người lại khác thường từ khi mới ra đời... Nhưng, cả loài người đều có một điểm chung: con người rồi cũng sẽ trở về là hạt bụi. Cái cần thiết nhất mà mỗi người cần để lại cho đời là gì? Cái để nối kết những cái tôi khác biệt?

Đó là tình người. Thánh thiện và sinh ra để làm mẹ như Queenie (Taraji P. Henson) hay suốt đời chỉ biết có những chiếc cúc áo và đã bỏ đứa con dị thường của mình vào nhà dưỡng lão như bố của Benjamin (Jason Flemyng) thì cuối cùng cũng chỉ an nghỉ trong một chiếc quan tài mà thôi. Duy nhất một sự khác biệt: xung quanh chiếc quan tài của Queenie là tiếng khóc thương của mọi người.

Bản thân câu chuyện dị thường của Benjamin Button - một đứa trẻ sinh ra dưới hình dạng của một ông lão, cứ trẻ dần đi cho đến khi trở lại thành em bé sơ sinh - đã là một ý tưởng lạ để khán giả phải dõi theo. Benjamin sẽ ra sao, việc anh ta cứ trẻ lại trong lúc mọi người xung quanh già đi ảnh hưởng đến anh ta như thế nào, còn tình yêu của anh?…

Thế nhưng, The curious case of Benjamin Button không chỉ có vậy mà còn có vô số điều để xem, để chiêm nghiệm về hành trình cuộc sống, về tình yêu, tình đời, tình người, về những lựa chọn mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời mình: bước tới hay lùi lại, yêu hay không yêu, vị tha hay ích kỷ, cho và nhận… Và cả sự lựa chọn thái độ trước định mệnh và cái chết nữa.

Xem phim, thấy lòng như giấy mới bởi vì rất có thể những người thân yêu của ta không còn ở cạnh ta nữa và không ai biết định mệnh sẽ đưa mình về đâu. Có thể, chỉ trong khoảnh khắc thôi, ta sẽ không còn được gặp những người thân thương nhất trên đời của mình, sẽ bỏ lại tất cả… Thế nên, từ hôm nay đừng bao giờ làm tổn thương những người ta yêu thương, từ hôm nay hãy sống thật an nhiên và tận hưởng niềm vui được làm người trên cõi đời này. Dẫu rằng...

Phim “bom tấn”

Benjamin Button được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên do nhà văn Mỹ F.Scott Fitzgerald sáng tác năm 1921. Câu chuyện kể về nhân vật Benjamin Button, người sinh ra với cơ thể của một ông lão 80 tuổi và trẻ dần theo thời gian. Tuy nhiên, ngoại trừ nhan đề và ý tưởng “lão hóa ngược chiều”, bộ phim có rất ít điểm chung với nguyên tác. Nhà phê bình điện ảnh A.O. Scott của báo New York Times nhận định tác phẩm điện ảnh Benjamin Button “đặt ra nhiều câu hỏi triết học và miêu tả những nghịch lý nội tâm mang tinh thần của các tác phẩm văn học của nhà văn Argentina vĩ đại Jorge Luis Borges hơn là tác giả Fitzgerald”.

Tháng 11-2006, Benjamin Button chính thức được quay tại New Orleans, bang Louisiana với kinh phí thuộc vào hàng “bom tấn”: 160 triệu USD. Thời điểm này, bang Louisiana đang phục hồi sau cơn bão Katrina và trên thực tế bão Katrina cũng trở thành một phần trong nội dung bộ phim.

Khi ra mắt, Benjamin Button nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Nhà phê bình Kirk Honeycutt của tờ Hollywood Reporter ca ngợi Benjamin Button là “một thiên sử thi về tình yêu và sự mất mát, mang tính điện ảnh thuần khiết”. Theo nhà phê bình Honeycutt, đây cũng là bộ phim mà nam diễn viên Brad Pitt có diễn xuất ấn tượng nhất từ trước đến nay.

Kỹ xảo đỉnh cao

Thành tựu lớn nhất của Benjamin Button, theo nhà phân tích A.O. Scott, chính là thành tựu về kỹ thuật. Đột phá công nghệ ở đây chính là kỹ xảo hóa trang và vi tính đỉnh cao giúp các diễn viên biến đổi diện mạo từ trẻ đến già một cách đầy thuyết phục.

Để có được thành công đó, trang web điện ảnh IMDB cho biết khi quay phim, hằng ngày Brad Pitt phải ngồi bất động suốt năm giờ để được hóa trang. Việc hóa trang và quay phim căng thẳng đến nỗi sau khi quay xong mỗi ngày, Brad Pitt mệt lả và chỉ làm một việc duy nhất là lê bước về giường ngủ. Dù vậy, suốt nhiều tháng làm phim anh không hề than thở một lời nào. Vị “phù thủy” biến hình Brad Pitt và Cate Blanchett trong phim là nghệ sĩ hóa trang nổi tiếng Greg Cannom, người từng nhận tám đề cử Oscar và hai lần chiến thắng với Bram Stoker’s Dracula (1992) và Mrs. Doubtfire (1993), cộng với một giải Oscar thành tựu kỹ thuật năm 2005.

“Phù thủy” Cannom hóa trang xuất sắc đến mức một lần cha Brad Pitt là ông William Pitt đến thăm anh tại phim trường đã bị sốc khi nhìn thấy con trai mình mang bộ mặt của một ông lão 80 tuổi.

Ứng cử viên Oscar

Trắng tay tại lễ trao giải Quả cầu vàng, nhưng The curious case of Benjamin Button đã đoạt ba giải kỹ thuật của Viện hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Anh (BAFTA) - được mệnh danh là giải Oscar của Anh. Bộ phim cũng nhận được tới 13 đề cử cho Oscar sắp tới, trong đó có những giải quan trọng như phim xuất sắc nhất, đạo diễn, nam diễn viên chính, nữ diễn viên phụ và kịch bản chuyển thể. Phim khởi chiếu tại VN từ ngày 13-2-2009.

Hiếu Trung

NGUYỄN TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên