22/10/2015 12:53 GMT+7

Xem Phật hoàng Trần Nhân Tông: chuyện "lòng người tự noi gương"

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Đêm 25-10, Nhà hát Tuồng Việt Nam mới ra mắt khán giả vở tuồng lịch sử Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhưng khán giả Hà Nội đã đến xem kín rạp Hồng Hà trong đêm tổng duyệt vở diễn 19-10.

Vua Trần Nhân Tông và cuộc đối thoại chiến - hòa với chú ruột Trần Ích Tắc là lớp diễn đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả - Ảnh: Đức Triết
Vua Trần Nhân Tông và cuộc đối thoại chiến - hòa với chú ruột Trần Ích Tắc là lớp diễn đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả - Ảnh: Đức Triết

Không quá ôm đồm vào nhân vật lịch sử hay sự kiện lịch sử, vở tuồng Phật hoàng Trần Nhân Tông chỉ là một lát cắt về cuộc đời vua Trần Nhân Tông với những minh chứng đầy thuyết phục về tư tưởng giác ngộ “chính đạo phải nhập thế” còn mang đầy tính thời sự về một đấng minh quân mang tâm Phật luôn lấy dân làm gốc, không chỉ biết khoan sức dân mà còn tự mình đau đáu tầm đạo.

Giữa lúc ông trị vì, giặc Nguyên Mông hai lần sang xâm chiếm, vị vua, người cầm chính sự nơi ông đã ngộ ra con đường cần đi trước sự tồn vong của dân tộc...

Đấy chính là mắt xích để vở diễn mở ra và có cách lý giải riêng về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Khi đó, không chỉ lấy chính pháp của nhà Phật “dân dạy không bằng lòng người tự giác ngộ”, “pháp trị không bằng lòng người tự noi gương” để răn mình, vị vua nhân từ còn luôn ứng xử nghiêm minh, nhân ái: “Người cầm chính sự coi dân là trời” nên đã nhập thế quyết liệt, anh minh.

Mỗi lớp lang của vở diễn là một chuyện sử được xoáy sâu: chuyện vua phân xử tội của tướng Trần Khánh Dư để vừa công minh vừa giữ lại được người tài; vua mở hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng để hỏi ý quân, ý dân nên hòa hay đánh khi giặc Nguyên Mông xâm lấn; vua đối thoại và xử trí với chú ruột Trần Ích Tắc; vua tiễn biệt An Tư công chúa sang cống nạp cho Thoát Hoan để thực hiện kế hoãn binh...

Tất cả đã phần nào làm sáng tỏ về tâm Phật của vua Trần Nhân Tông - một vị vua toàn đức, toàn tài đã vượt lên trên tâm thế chân tu khi hòa điệu tài tình giữa đạo và đời, đời và đạo.

Vở tuồng không dễ xem, không có phá cách và nhiều vai được trao cho nghệ sĩ trẻ (Đức Anh, Thùy Dung, Việt Nam, Xuân Vũ, Diễm Hương...) nên đôi chỗ chưa được mạch lạc, truyền cảm, thế nhưng khán giả vẫn chăm chú đến tận phút cuối. Khá hài lòng về “đứa con tinh thần” của mình, tác giả Phạm Văn Quý cho biết đây là kịch bản ông dành nhiều tâm sức nhất trong nghiệp viết của mình - mất hơn hai năm.

Nguồn tư liệu lịch sử phần lớn được ông căn cứ từ cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, lần đầu tiên ra Bắc cộng tác với sân khấu tuồng, được trực tiếp chứng kiến không khí của đêm diễn, đã chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy khán giả ngồi cả hai bên cánh gà để xem vở diễn. Tới đây, để các buổi ra mắt được tốt hơn, vở diễn sẽ tiếp tục được chúng tôi gọt giũa, chỉnh sửa và hoàn thiện”.

Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết khán giả quan tâm có thể liên hệ với nhà hát để nhận giấy mời xem vở diễn.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên