29/10/2018 19:31 GMT+7

Xem Gạo nếp, gạo tẻ để biết trọng tiền hay trọng tình?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Đi hết gần 80 tập phim, Gạo nếp gạo tẻ vẫn chưa nguôi cơn sốt và là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng sau những tập phim mới lên sóng...

Xem Gạo nếp, gạo tẻ để biết trọng tiền hay trọng tình? - Ảnh 1.

Bà Mai (NSND Hồng Vân) yêu cầu con gái chở mình đi diễu qua các bà bạn để khoe ô tô.

Diễn ngôn phổ biến nhất trong các tập phim đầu của Gạo nếp, Gạo tẻ chính là tiền. Tiền đã làm thay đổi suy nghĩ của các nhân vật, làm biến đổi các mối quan hệ, nhiều lần đưa gia đình mấp mé bờ vực bi kịch.

Gạo nếp, Gạo tẻ là câu chuyện về gia đình ông Vương, bà Mai với bốn thế hệ chung sống với nhau. Bộ phim khai thác một cách tự nhiên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, những thăng trầm mà bất cứ gia đình bình thường nào cũng có thể trải qua.

Áp lực đồng tiền

Biến cố lớn nhất xảy đến với gia đình ông Vương là khi Kiệt, chàng rể đại gia bị phá sản. Từ vị trí là chàng rể được mẹ vợ cưng chiều nhất, Kiệt trở thành chàng rể bị mẹ vợ chán ghét nhất. Điều đáng buồn là Hân (vợ Kiệt) thay vì động viên, sát cánh bên chồng lại suốt ngày dằn hắt, trách móc và gây ra không biết bao rắc rối cho anh. Kiệt đã từng rơi nước mắt vì nhận ra vợ chỉ yêu tiền chứ không yêu anh.

Bà Mai và cô con gái cưng là Hân cùng chia sẻ chung một niềm tin: thiếu tiền cuộc sống không thể hạnh phúc. Tiền là sức mạnh, là danh dự, lòng tự trọng của gia đình. Quan điểm về đồng tiền chi phối đến toàn bộ cuộc sống của bà Mai. Bà ép cô con gái thứ ba theo nghề bác sĩ, vì cho rằng nghề này kiếm nhiều tiền. Tình cảm của bà với các chàng rể thay đổi như chong chóng dựa trên mức thu nhập của họ.

Xem Gạo nếp, gạo tẻ để biết trọng tiền hay trọng tình? - Ảnh 2.

Hân (Thúy Ngân đóng), đứa con thứ hai của ông Vương, bà Mai là một người phụ nữ ích kỉ, luôn coi tiền là trên hết.

Trong phim còn rất nhiều người chia sẻ niềm tin với mẹ con bà Mai, đó là gia đình chàng rể Công. Gia đình Công là những người lao động bình thường, phần nhiều là lười biếng, nhưng luôn muốn một ngày nào đó có một cục tiền rơi vào nhà. Công là một kẻ vô công rỗi nghề. Đến khi đi làm, thay vì chăm chỉ làm ăn, Công đã chọn con đường kiếm tiền ngắn nhất là trở thành tình nhân của con gái chủ khách sạn.

Công sẵn sàng hét vào mặt vợ: Tôi chán cuộc sống nghèo khổ này lắm rồi, giờ tôi muốn có nhà lầu, xe hơi, không phải ngửa tay xin cô 30.000 đồng mỗi ngày. Trong một xã hội "nghèo là một cái tội" thì một người nghèo như Hương (vợ Công) không có cách nào phải cố gắng gấp ba, gấp bốn lần người thường.

Xem Gạo nếp, gạo tẻ để biết trọng tiền hay trọng tình? - Ảnh 3.

Công (Hoàng Anh đóng) bỏ vợ con chạy theo người phụ nữ nhiều tiền (Băng Di đóng).

Vì quá vất vả chắt bóp tiền mua nhà cho chồng con đỡ khổ, nên trong mắt chồng, Hương trở thành người phụ nữ mở miệng ra là nói đến tiền. Còn Kiệt, một người đàn ông mạnh mẽ, giỏi giang khi rơi vào tình cảnh phá sản, trước áp lực quá lớn đã từng muốn tự tử. Khi anh quyết làm lại từ đầu, nhiều lần anh suýt rơi nước mắt vì bị chính vợ và mẹ vợ coi thường.

Gạo nếp, Gạo tẻ đã phản ánh rất đúng thực trạng đô thị hiện đại, khi phân hóa giàu nghèo đã ở mức cao. Sống ở thành phố, để đảm bảo nhu cầu vật chất tối thiểu, ai cũng phải quần quật kiếm sống. Tiền gần như là thứ duy nhất giúp người đô thị cải thiện cuộc sống. Dần dà, tiền trở thành một giá trị vật chất áp đảo cả các giá trị tinh thần.

Tiền không phải là tất cả

Tuy nhiên, càng về nửa cuối bộ phim, khán giả sẽ nhận thấy các nhân vật phải trả giá thế nào khi coi tiền là tất cả.

Bà Mai, một người phụ nữ nội trợ đơn thuần đã từng tưởng tiền sẽ mang lại hạnh phúc cho các con, nhưng dần dần cũng nhận ra tiền không phải là tất cả. Tiền của chàng rể Kiệt không hề giúp cô con gái cưng của bà là Hân bớt nông cạn hơn. Tiền không giúp được các con của bà hạnh phúc hơn.

Xem Gạo nếp, gạo tẻ để biết trọng tiền hay trọng tình? - Ảnh 4.

Về sau bà Mai bắt đầu hiểu ra, và thương con rể Kiệt (Trung Dũng) hơn bao giờ hết.

Chồng bà là ông Vương rất nhiều lần kiên nhẫn giảng giải. Sau bao năm chung sống ông đã bực mình mắng bà là một "người phụ nữ thực dụng". Câu nói này đã khiến bà Mai thức tỉnh, tự nhìn nhận bản thân.

Chàng rể Công sau một thời gian chạy đuổi theo người đàn bà giàu có mới nhận ra cô ta chỉ coi anh là một thú vui tiêu khiển. Anh đã nhận ra mình ngu ngốc thế nào khi ruồng rẫy vợ con. Xuyên suốt bộ phim diễn ngôn về tiền phản ánh thực trạng xã hội, nhưng diễn ngôn về tình người mới là phần chìm, giữ cho bộ phim có được sức nặng.

Xem Gạo nếp, gạo tẻ để biết trọng tiền hay trọng tình? - Ảnh 5.

Những người tốt trong Gạo nếp, Gạo tẻ.

Trong gian khó, hoạn nạn các nhân vật mới biết ai là người tốt với mình, yêu thương với mình thật lòng. Gia đình Công dù đã từng muốn Công bỏ Hương, cưới người đàn bà giàu có để được "đổi đời". Nhưng chính Hương sau này đã giang tay giúp đỡ cả gia đình Công khi gặp hoạn nạn.

Bản thân Hương cũng nhận được sự trợ giúp của Giám đốc Tường, một người đàn ông tử tế. Anh đã bỏ qua tất cả những "điểm yếu" của Hương như đã có một đời chồng, đã có hai con, để tiến đến bên cô, sẵn sàng yêu thương, che chở cuộc đời cô.

Thông điệp về tình yêu thương trong gia đình luôn lấp lánh trong từng tập phim, sưởi ấm trái tim khán giả. Kịch bản của bộ phim cho thấy biên kịch rất yêu thương, bao dung nhân vật, khi nhìn nhận họ ở nhiều khía cạnh, có tốt, có xấu đan xen, cho họ những cơ hội để hiểu bản thân, để nhìn nhận, sửa sai lỗi lầm.

Biên kịch Gạo nếp gạo tẻ muốn món ăn Việt phải ngon, đẹp trên phim Biên kịch Gạo nếp gạo tẻ muốn món ăn Việt phải ngon, đẹp trên phim

TTO - Cô gái sinh năm 1987 chọn theo đuổi nghề biên kịch, một lựa chọn đúng đắn, theo cô, vì 'tôi thuộc về thế giới này, tôi thấy mình ở phim trường vui hơn ở nhà'.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên