13/01/2005 09:54 GMT+7

Xem Bẫy tình: Khơi dòng phim đề tài văn học cổ điển

NGUYỄN CHƯƠNG
NGUYỄN CHƯƠNG

TT - “Tôi nghĩ giới trẻ hiện nay tiếp nhận phim ảnh dễ dàng hơn so với đọc sách. Từ việc yêu thích phim, rất có thể họ sẽ có hứng thú tìm đến nguyên tác văn học” - đạo diễn Lê Cung Bắc nói.

f0q7MFLR.jpgPhóng to
Thanh Mai trong vai Huyền

Trong ý nghĩa này, Bẫy tình (kịch bản Phạm Thùy Nhân, dựa trên tiểu thuyết Làm đĩ và phóng sự Lục xì của nhà văn Vũ Trọng Phụng) thích hợp để trở thành món quà cho những ai quan tâm đến kho tàng văn học VN, đặc biệt đối với thế hệ trẻ học đường.

Bẫy tình thoạt đầu kể về chặng đường thâm nhập thực tế của nhà báo Trọng (Hoàng Phúc thủ diễn) vào nhà thương thí dành cho các cô gái mắc bệnh phong tình (“chốn lục xì”), rồi đến chốn lầu xanh. Ở đó Trọng sững sờ gặp lại cố nhân, đồng thời là người yêu trong mộng thuở còn cắp sách. Nàng tên Huyền (Thanh Mai), thướt tha vẻ ngoài như tên gọi.

Dài hai tập, tập sau của Bẫy tình tỏ ra cuốn hút hơn so với tập đầu. Kể từ khi mạch phim không còn chạy theo thời gian tuyến tính của sự kiện mà trôi theo dòng hồi ức (thời gian tâm lý) của Huyền, bộ phim chợt trở nên sâu xa.

Ký ức không chút êm ả với mối tình trớ trêu mà người anh họ Lưu (Mạnh Hùng) dành cho Huyền. Cuộc tình chấm dứt bằng sự tự vẫn của Lưu vì chẳng thể nào đi xa hơn trong ước vọng kết đôi thành gia thất. Sau đó Huyền về làm vợ Kim (Mai Sơn Lâm) vì chịu ép buộc. Một lần Huyền gặp gỡ bạn của chồng, Tân (Quốc Thái), và ngay trong lần chạm mắt đầu tiên ấy Huyền đã nhanh chóng bước vào cuộc phiêu lưu tình yêu. Kim biết được, hạ nhục bằng cách cư xử với Huyền chẳng khác nào con sen trong nhà.

Vài diễn biến về sau đó, tai quái thay, đẩy Huyền rơi vào tình thế buộc phải bán thân. Một môi trường xã hội đầy bất trắc đã là nguyên cớ bi kịch cho con người. Những viên chức cảnh sát (“sở cẩm”) lạnh lùng nhìn đâu cũng thấy tội phạm, những “cỗ máy xay thịt người” rải rác trong một số khách sạn, phòng trọ (“nhà săm”)... hầu như không chịu buông tha ai nếu chẳng may lọt vào tay chúng.

Song, cái sắc sảo của Vũ Trọng Phụng là ông không chấp nhận sự đổ lỗi hoàn toàn cho khách quan. Bi kịch của Huyền, nghiệm ra còn là cái giá phải trả cho thói đa tình, với dục vọng cuồng nhiệt đằng sau vẻ ngoài tha thướt. Nàng chạy theo ý niệm phổ biến lúc ấy là “theo thời văn minh”, mà kỳ thực lại trở thành danh từ bình phong cho thói ích kỷ.

Cái liếc mắt đưa tình của Thanh Mai trong vai Huyền, lúc gặp Tân, đã là một chi tiết đắt giá để nói về tính cách nhân vật. Đặc biệt, chuỗi hình ảnh ân ái giữa Huyền với Tân - được biến thành “âm bản” (negatif) - hiện ra khi Huyền rơi vào chốn buôn hương bán phấn: vừa là một xử lý khuôn hình tế nhị (không dung tục) của đạo diễn, vừa biểu hiện một níu kéo của tiềm thức. Khát vọng thật mà hạnh phúc lại ảo.

Thế đấy, “tại trời mà cũng tại ta”, nói như đạo diễn Lê Cung Bắc. Thật sự thì Bẫy tình chưa phải đã lột tả tận cùng chất khốc liệt và tài hoa trong phân tích thế giới con người của Vũ Trọng Phụng. Nhưng với những gì được xem, bộ phim đáng trân trọng cho sự khơi dòng trở về cái hay của văn học.

Sau tác phẩm Vũ Trọng Phụng, Hãng Việt Phim (Công ty Liên Việt Mỹ) lên chương trình trong năm 2005 sẽ đưa lên màn ảnh Vàng và máu của Thế Lữ, Tiêu Sơn tráng sĩ Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng.

NGUYỄN CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên