Phóng to |
Trần Thanh Sang (trái) và Trần Thọ Đức từng là bạn thân của nhau. Trước tòa cả hai không nhìn mặt nhau và liên tục đổ lỗi cho nhau về việc điều khiển xe gây chết người - Ảnh: TR.TÂN |
Thẩm phán Nguyễn Huy Cận: Đã tham khảo ý kiến của trên Sau phiên tòa, ông Nguyễn Huy Cận - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa - cho biết có hai điểm mà HĐXX dựa vào để tuyên án là không nhân chứng nào khẳng định Sang cầm lái và trong hồ sơ vụ án có tờ giấy thỏa thuận giữa hai gia đình đã khẳng định ai là người lái xe rồi. “Án tại hồ sơ, việc tuyên như vậy là không sai. Hơn nữa, vụ án đã hoãn hai lần, cần được xét xử. Tôi cũng đã hỏi ý kiến chuyên môn cấp trên và thống nhất xử như vậy!” - ông Cận nói. |
Theo cáo trạng, khoảng 19g ngày 30-4-2010, Trần Thọ Đức và Trần Thanh Sang đi trên xe máy (của Đức) theo hướng thị xã Buôn Hồ về huyện Krông Búk. Đến đoạn trước Trường tiểu học Lê Lợi thì đụng vào xe của L.Q.L. (HS lớp 11) đang đi chiều ngược lại làm L. chết trên đường đi cấp cứu. Trần Thanh Sang bị thương nặng ở vùng bụng (vỡ bàng quang, vỡ ruột non...), thương tích 55%.
Trần Thọ Đức bị truy tố về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, Đức một mực kêu oan mình không lái xe gây tai nạn mà khẳng định Sang mới là người cầm lái, trong khi Sang phủ nhận...
Mấu chốt để kết tội bị cáo là lời khai của nhân chứng Mai Hồng Hoa, thợ điện tại thôn Tân Lập (xã Pơng Đrang, Krông Búk): khoảng 19g, khi đang sửa điện (tại cột điện gần nơi xảy ra tai nạn), ông Hoa nhìn thấy một xe máy do hai thanh niên chạy rất nhanh qua trước mặt. Qua ánh đèn xe và ánh đèn điện đường, ông khẳng định người mặc áo vàng là người cầm lái.
Từ chi tiết quan trọng này, công an đã tiến hành xác minh và thu giữ được một chiếc áo khoác màu vàng tại nhà Đức. Đức bị khởi tố, bắt tạm giam. Hơn nữa, công an còn thu giữ một bản thỏa thuận viết tay giữa gia đình của Sang và Đức đề ngày 14-6-2010 có nội dung: “Sang nhận lái xe, Đức ngồi sau. Khi ra pháp luật, chính quyền thì gia đình Đức cùng chịu trách nhiệm với gia đình Sang về việc bồi thường với gia đình mất con...”.
Sau hai lần hoãn phiên tòa vì bị hại Trần Thanh Sang và nhân chứng Mai Hồng Hoa vắng mặt không lý do, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ ba ngày 12-5, nhân chứng Mai Hồng Hoa khai lại là “thấy một người mặc áo màu vàng. Còn đó có phải là người lái xe không thì tôi không biết”!
Trong lúc ông Hoa đang khai cho hội đồng xét xử (HĐXX) tại phần xét hỏi thì vị đại diện viện KSND giữ quyền công tố cắt lời nhân chứng: “Anh Hoa có nhớ mình khai gì với công an không?”.
Ông Hoa nói: “Không, tôi không nhớ mình khai gì cả! Mấy lần họ đến nhà tôi ghi lời khai gì đó rồi đưa tôi đọc để ký, tôi nói không nhìn thấy chữ và bảo họ đọc cho mình nghe thì cán bộ điều tra bảo cứ ký đi, không quan trọng đâu”.
Đại diện viện kiểm sát lại cắt lời và xin HĐXX công bố hai biên bản lời khai (đã dẫn ở trên) của nhân chứng trước tòa mà không cho ông này được khai trực tiếp với HĐXX. Sau giờ nghỉ hội ý, nhân chứng Mai Hồng Hoa tự ý bỏ về nhưng HĐXX cũng không triệu tập lại để luật sư và HĐXX hỏi thêm, dù nơi nhân chứng làm việc cách tòa khoảng 100m.
Theo luật sư Chu Đức Lưu, nhận bào chữa cho Trần Thọ Đức: Việc cơ quan công an, Viện KSND huyện Krông Búk chưa tổ chức thực nghiệm về lời khai của nhân chứng, cũng như việc lấy lời khai chưa đúng luật (không đọc lại nội dung cho nhân chứng...); hơn nữa, lời khai của nhân chứng trước cơ quan công an và trước tòa mâu thuẫn nhau, chưa được làm rõ... mà kết tội bị cáo Đức là thiếu khách quan.
Sao không thực nghiệm điều tra?
Tại cơ quan điều tra, không dưới năm lần Trần Thanh Sang đã nhận mình là người lái xe. Thế nhưng sau đó và trước tòa anh này lại không nhận. Theo anh Sang, anh nhận vì có bản thỏa thuận giữa hai gia đình ngày 14-6-2010 mẹ anh khai đã ép con nhận để gia đình Đức bồi thường cho gia đình nạn nhân giúp mình, không biết nhận giùm sẽ phải đi tù.
Còn mẹ của Đức thì nói Sang là người lái xe thật sự, nhưng vì gia đình Sang khó khăn nên gia đình bà mới đồng ý cùng chịu khoản bồi thường. Tuy nhiên, do bị sáu người nhà Sang hùng hổ kéo đến nhà bà dọa đánh, dọa giết và đòi ghi lại bản thỏa thuận nên gia đình bà sợ, phải làm lại bản thỏa thuận.
Dù còn rất nhiều mâu thuẫn chưa được giải quyết, chánh án huyện Krông Búk - chủ tọa phiên tòa vẫn tuyên phạt bị cáo Đức 3 năm tù giam, bồi thường 38,5 triệu đồng chi phí mai táng và 30,6 triệu đồng tổn thất tinh thần cho bị hại L.Q.L.. Chịu chi phí thuốc men, điều trị cho bị hại Trần Thanh Sang số tiền 20 triệu đồng.
Họ cứ đổ qua đổ lại, thật thiếu trách nhiệm Cha của nạn nhân L.Q.L. cho biết: “Con tôi chết đã hơn một năm nay, tôi cũng không biết ai là người lái xe. Tôi cũng không muốn ai bị bỏ tù, nhưng tôi mong người ta có lương tâm, có trách nhiệm với gia đình tôi. Bây giờ có bao nhiêu tiền cũng không trả lại con cho tôi được. Vậy mà cả hai nhà họ chẳng quan tâm đến nỗi đau của chúng tôi, họ chỉ lo đổ qua đổ lại để tránh bị tù, bồi thường thôi”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận