Thứ 4, ngày 20 tháng 1 năm 2021
Xe đạp trong 'nghĩa địa xe' ở Trung Quốc ngày đêm kêu cứu
Hàng nghìn chiếc xe đạp chia sẻ của công ty Ofo chất đống tại một cơ sở xây dựng bỏ hoang ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) liên tục phát tín hiệu kêu cứu.

Xe đạp không dùng đến chất thành từng đống - Ảnh: Theatlantic.com
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), những chiếc xe đạp này được thiết kế để phát tín hiệu trong trường hợp xe bị đổ. Giọng nói một phụ nữ được ghi âm sẵn vang lên từ núi xe đạp: 'Chiếc xe đạp màu vàng nhỏ xinh đã bị đổ. Xin hãy nhanh chóng giúp tôi đứng dậy'.
Những chiếc xe đạp chia sẻ này là của công ty khởi nghiệp Ofo. Đây là công ty ứng dụng chia sẻ xe đạp tiên phong rất nổi tiếng tại Trung Quốc.
Song sau một thời gian không thể vươn lên trong cuộc chiến giành thị phần khốc liệt, Ofo đứng bên bờ vực phá sản. Khách hàng không còn mặn mà, hàng nghìn chiếc xe đạp chia sẻ của Ofo bị vứt xó tại những bãi xe bỏ hoang. Nhiều người gọi những bãi xe này là 'nghĩa địa xe đạp'.
Theo đoạn video do Tencent News đăng trên tài khoản Weibo, một người dân quay lại cảnh xe đạp phát tín hiệu cho biết những âm thanh này phát ra từ xe đạp cả ngày lẫn đêm và ồn ào đến mức khiến họ khó ngủ. Thậm chí, có một số người dân còn cảm thấy sợ hãi khi nghe những tiếng kêu cứu kia.
Cơn sốt xe đạp chia sẻ tại Trung Quốc bùng lên 5 năm trước đã thu hút hàng tỉ USD từ các nhà đầu tư và tiền ký gửi của khách hàng. Các công ty công nghệ cũng chi tiền mua hàng triệu chiếc xe đạp mới trong cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, sự sụp đổ tất yếu của thị trường này đã khiến phần lớn các công ty phá sản, để lại cho giới chức thành phố gánh nặng dọn dẹp những núi xe đạp.
'Khi một thị trường mới xuất hiện và trông có vẻ mang lại lợi nhuận, mọi người đều nhảy vào để chiếm một phần. Nguồn tiền đổ vào tăng lên nhưng không tỷ lệ thuận với khả năng quản lý, khiến cho thị trường mới có rất nhiều lỗ hổng', Yang Tengfei – Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài nguyên Tái chế Trung Quốc – cho hay.
Một cơ quan của Chính phủ Trung Quốc ước tính có tới 20 triệu xe đạp chia sẻ được đưa vào sử dụng năm 2017. Khi thị trường sụp đổ, Xiaoming – một trong số 60 ứng dụng xe đạp chia sẻ cũng sập theo, bỏ lại 430.000 chiếc xe bị vứt xó ở 10 thành phố.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa, tại một trong những 'nghĩa địa xe đạp' lớn nhất tại Thượng Hải, số xe bị bỏ tại đây đã lên tới 30.000 chiếc.
Ngày nay, chỉ còn 3 thương hiệu về ứng dụng xe đạp chia sẻ thường được thấy trên các thành phố lớn. Công ty của ông Yang đã tái chế 4 triệu chiếc xe đạp chia sẻ từ năm 2017. Mỗi tháng, công ty của ông phải tiêu tốn 10 triệu nhân dân tệ (NDT) để mua xe đạp đã qua sử dụng và các linh kiện để tái chế lại phần thép, kim loại và nhựa từ phương tiện.
Việc tái chế những chiếc xe đạp này gặp nhiều khó khăn bởi gần như không ai muốn trả tiền cho chúng. Các công ty phá sản. Các khoản đầu tư cũng bị xóa sổ. Chính quyền các thành phố phải chi ngân sách để dọn dẹp xe đạp. Theo số liệu của chính quyền Hàng Châu, để thu dọn một chiếc xe bỏ hoang trên đường phố tốn khoảng 9,6 NDT.
Đại dịch COVID-19 được cho là đem lại tia hy vọng cho sự hồi sinh thị trường xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc. Nhằm đề phòng trước đại dịch, người dân vẫn tỏ ra e dè và cảnh giác với các phương tiện giao thông công cộng. Một số công ty cho biết số lượt sử dụng dịch vụ tăng lên và thời gian sử dụng lâu hơn khi người dân bắt đầu quay trở lại làm việc sau đỉnh dịch.
-
TTO - Trước đó, khoảng 16h chiều 17-1, H. và chị gái đi sang nhà ngoại chơi, trên đường trở về khi đến khúc kênh Đào thì chiếc dép của chị H. không may văng xuống sông. H. nhảy khỏi xe, lội xuống kênh lấy dép cho chị.
-
TTO - Ngày 19-1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng lừa đảo dưới hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh.
-
TTO - Đây là bệnh nhân nữ 79 tuổi, từ Mỹ về Việt Nam ngày 13-1-2021. Bệnh nhân này có người nhà ở Mỹ mắc COVID-19; ngày 14-1-2021 có kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 dương tính.
-
TTO - Vụ việc khởi nguồn từ đầu tháng 6-2020, khi các cơ quan chức năng quận 1, Sở Xây dựng TP.HCM nhận được đơn phản ánh công trình số 69-71 Điện Biên Phủ làm nghiêng, lún, nứt nhà bên cạnh.
-
TTO - Mới đây, trên một số trang báo và mạng xã hội chia sẻ rộng rãi thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì ung thư vòm họng. Nhạc sĩ Trần Tiến và ca sĩ Trần Thu Hà đã đính chính thông tin này và bày tỏ sự bức xúc trước tin đồn thất thiệt.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận