Hình ảnh ngày phát động xe đạp sẻ chia ở Hội An (2-6) - Ảnh: NGỌC LƯU
Hôm ấy, sáng 2-6, tôi là một trong những người dân Hội An tham gia sự kiện thử nghiệm hệ thống xe đạp chia sẻ tại Hội An.
Trục trặc và bất tiện
"Thành phố đặt mục tiêu giảm nhu cầu đi lại bằng xe cơ giới, khuyến khích mọi người đi bộ, đi xe đạp. Phát triển giao thông xe đạp là hình thức giao thông thân thiện với môi trường, phù hợp bảo tồn di sản và bảo vệ cảnh quan du lịch cho thành phố Hội An" - đó là thông điệp ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hội An, đã nói tại buổi phát động.
Ngày phát động thử nghiệm có mấy đội thanh niên mặc áo đồng phục, đội nón đạp xe quanh thành phố cùng đoàn xe sử dụng phần mềm QIQ (được đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài). Xe đạp của QIQ có khung sườn chắc chắn, giỏ có ô đựng chai nước cá nhân, chuông gắn liền với ghiđông bên tay phải, vị trí đặt mã code QR dễ dàng quét để mở khóa, pin năng lượng mặt trời được lắp đặt để làm đèn chiếu sáng...
Du khách và người dân muốn đi xe đạp chia sẻ công cộng có thể nhận và trả xe tại các trạm, và sẽ trả tiền qua thẻ tín dụng. Nghe thì rất hiện đại nhưng đi vào thực tế lại quá nhiều trục trặc và bất tiện.
Những cung đường quanh Hội An rất hợp với đạp xe - Ảnh: TẤN LỰC
Sau sự kiện phát động được tổ chức rầm rộ với áo thun đồng phục của chương trình, những xe đạp chia sẻ này lại lặng lẽ bên lề đường, lèn giữa những chiếc xe máy được giăng bảng "giữ xe tham quan phố cổ", giữa quảng trường Sông Hoài, cạnh trạm đỗ xe lớn.
Ngày 21-8, tôi muốn đi xe QIQ và mướt mồ hôi vì những trục trặc kỹ thuật. Đi một lúc, khi cần khóa xe tôi phải đứng chờ 15 phút mà không thể khóa xe vì trên app bị lỗi không hiện lên nút để khóa. Ổ khóa tay bị kẹt. Gọi vào hotline cũng không hoạt động khi tổng đài luôn báo "thuê bao quý khách vừa gọi không đúng".
Là một người có nhiều cơ hội sử dụng hệ thống xe đạp chia sẻ tại các nước khác, tôi đồng tình với việc phát triển xe đạp là thêm một phương tiện, thêm một lựa chọn cho người dân và du khách sử dụng xe đạp giữa các trạm xe buýt.
So sánh với hệ thống xe đạp chia sẻ của khoảng 49 thành phố khắp nơi trên thế giới, những chiếc xe màu đen tuyền này (chỉ có phần bình sạc nền trắng in thông điệp "Đạp xe vì Hội An") không gây được sự chú ý. Rất khó khăn trong việc tìm kiếm và nhận diện. Ở các nước, xe đạp của họ màu cam, xanh lá, đỏ..., tạo nên một dấu hiệu nhận biết dễ dàng, bắt mắt, trẻ trung nên có tác động lớn đến tâm lý người dùng.
Và hình ảnh xe phơi mình chờ khách ngày 21-8 - Ảnh: NGỌC LƯU
Còn xa thực tế
Nhưng thực tế tại Hội An, xe đạp hệ thống QIQ mới chỉ có thể đón được một số rất ít du khách nước ngoài. Người Hội An thờ ơ với xe đạp này, thậm chí những công ty tổ chức tour xe đạp khám phá Hội An cũng không dùng.
Chưa hết, loại xe này có hệ thống trợ lực như xe đạp điện giúp người sử dụng có thể di chuyển với vận tốc lên đến hơn 30km/h, thích hợp với những quãng đường xa, vắng xe hơn là len lỏi vào khu vực có lưu lượng người tham gia giao thông đông đúc, gây khó khăn khi xử lý tình huống khẩn cấp.
Giá cước xe đạp sẻ chia hiện nay được tính cả gói 20.000 đồng/60 phút, nếu đi chưa tới một giờ cũng phải trả mức phí này. Và chi trả qua thẻ tín dụng là một cản ngại. Một bất tiện nữa là vấn đề ngôn ngữ.
Ứng dụng với tiếng Việt - Anh được đặt ở khu vực đỗ xe nhưng khi khách gặp vấn đề về kỹ thuật giữa đường thì phải mở ứng dụng 100% là tiếng Anh. Đây là một thử thách với người Việt, do vậy du khách Việt cũng ngại dùng xe đạp này nói chi đến người dân địa phương.
Với mức giá trên, xe QIQ khó lòng cạnh tranh với các phương tiện khác. Các khách sạn, nhà nghỉ đều có xe đạp miễn phí cho khách dạo chơi. Du khách cũng có thể thuê xe máy giá vài trăm ngàn đồng/ngày và có thể đi ra khỏi khu vực Hội An.
Một cung đường đạp xe ở Hội An đầy hoa - Ảnh: TẤN LỰC
Xe đạp theo hệ thống chủ yếu ở 5 trạm: đường Nguyễn Du, quảng trường Sông Hoài, trạm xử lý nước thải, bãi đỗ xe cạnh Nhà hát lớn Hội An, Đài truyền hình. Trong khi đó, 15 trạm khác nằm rải rác ở khu vực trung tâm, 2 ở hướng ra biển An Bàng, 2 ở khu vực công viên đất nung Thanh Hà gần như không có xe.
Một trong những hạn chế của mô hình này là không phải lúc nào người ta cũng có thể tìm được những kiôt để trả xe, và vì vậy thường phải lệ thuộc vào những tuyến đường cố định mà du khách thì lại thích khám phá thành phố. Người dân địa phương như tôi, muốn di chuyển từ bến xe buýt Hội An - Đà Nẵng về trung tâm, đành chọn cách di chuyển khác.
Thiết nghĩ, muốn người dân sử dụng xe đạp công cộng, chính quyền cần làm nhiều việc hơn từ tuyên truyền đến tìm giải pháp hiệu quả với thực tế địa phương. Đi xe đạp là chuyện phổ biến ở Hội An nhưng để người dân quan tâm hơn với xe đạp công cộng, cần phải tính đến thực tế đường sá phù hợp loại xe nào, bến bãi đậu xe và chi phí vừa phải. Với cách tính phí cả gói hiện nay, người dân sẽ chọn xe ôm công nghệ, nhanh gọn và còn rẻ hơn với cự ly gần. Như vậy, giải pháp xe công cộng sẽ khó có thể đi vào thực tế cuộc sống.
Phố Hội An - Ảnh: TTO
Qua câu chuyện xe đạp công cộng ở Hội An, mong cũng là một kinh nghiệm cho các đô thị khác đang bàn tính đến việc phát triển xe công cộng để giảm xe cá nhân.
Mô hình xe đạp chia sẻ ở các nơi trên thế giới hướng tới việc khuyến khích người dân thường xuyên sử dụng xe đạp thay thế phương tiện cá nhân, kết nối giữa các loại hình công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm trong việc di chuyển tới chỗ làm, chỗ hẹn… hơn là cung cấp một phương tiện để dạo chơi cuối tuần.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận