Hà Nội và TP.HCM hiện đang triển khai việc cấm xe tải vào nội thành trong các khung giờ nhất định - Ảnh: TT
Theo dự thảo quy chuẩn thay thế quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT đang được Bộ Giao thông vận tải đưa ra lấy ý kiến, xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là ôtô con như quy định gây tranh cãi thời gian qua.
Cụ thể, quy chuẩn 41:2016/BGTVT hiện đang quy định ôtô con là: xe để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe, hoặc ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn.
Các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn; xe bán tải (xe pickup) có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, cũng được tính là xe con.
Còn xe tải là ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở từ 1,5 tấn trở lên.
Quy định này trên thực tế đã gây một số khó khăn cho việc quản lý hoạt động xe tải dưới 1,5 tấn ở những đô thị cấm xe tải đi vào nội đô theo giờ, như Hà Nội và TP.HCM. Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội từng kiến nghị điều chỉnh quy định này vì xe tải dưới 1,5 tấn đi tự do làm giao thông nội đô hỗn loạn.
"Trong dự thảo, khái niệm ôtô con, ôtô tải được sửa đổi theo hướng xe con là xe con, xe tải là xe tải", ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam - cho biết.
Theo đó, dự thảo quy định ôtô con gồm: xe chở người không quá 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái); xe bán tải, xe van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg, xe 3 bánh có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400kg.
Còn xe tải là ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa (bao gồm cả ôtô đầu kéo, ôtô kéo rơ moóc và các loại xe như xe pick up, xe van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950kg trở lên).
"Vượt đèn vàng" thế nào là vi phạm?
Theo quy định hiện hành, khi tín hiệu vàng bật sáng, các loại xe phải dừng trước vạch sơn "Vạch dừng xe". Nếu không có vạch sơn "Vạch dừng xe" thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn "Vạch dừng xe", nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Còn theo dự thảo, các trường hợp được phép đi tiếp khi đèn vàng bật sáng gồm: đã đi quá vạch dừng; hoặc đã tiến sát đến vạch dừng tại các cụm đèn không có đồng hồ đếm ngược, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm.
Dự thảo này được Bộ Giao thông vận tải tiến hành lấy ý kiến đến ngày 25-10.
Biển báo khó nhìn tính sao?
Về vị trí đặt biển báo hiệu giao thông, hiện quy chuẩn 41:2016/BGTVT đang quy định trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn (khung treo biển báo hiệu phía trên mặt đường) hoặc cột cần vươn.
Nếu không đặt được ra giữa đường như vậy thì có thể đặt bên phải đường và đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.
Quy định này thời gian qua gây khá nhiều tranh cãi giữa lái xe với cảnh sát giao thông, vì nhiều nơi biển báo vẫn cắm bên phải vệ đường, chưa treo lên giá long môn hay cần vươn, và không đặt thêm biển báo phía bên trái.
Tuy vậy dự thảo chưa bắt buộc việc đưa biển báo lên cao và ra giữa đường, vẫn quy định đặt biển báo thông thường bên phải hoặc phía trên mặt đường xe chạy, tùy trường hợp có thể bổ sung biển báo bên phía tay trái.
Dự thảo thay thế quy chuẩn 41:2016/BGTVT không buộc treo biển báo trên giá long môn hoặc cột cần vươn trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn đường trở lên như quy định hiện hành - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận