21/07/2017 09:08 GMT+7

Xây dựng sai phép: 'Vô tư' sai từ nhà đến chung cư

NHÓM PV CTXH
NHÓM PV CTXH

TTO - Không chỉ nhà ở riêng lẻ mà nhiều dự án chung cư xây sai giấy phép xây dựng ở TP.HCM cũng được cơ quan chức năng cho "hợp thức hóa" phần diện tích sai phạm.

Phần ngọn dự án Tan Binh Tower (tên cũ là Tân Bình Apartment) ở P.15, Q.Tân Bình (TP.HCM) tự cơi nới thêm 2 tầng - Ảnh: TỰ TRUNG

Mới đây, cư dân sinh sống trong chung cư Phúc Yên 2 (phường 15, quận Tân Bình) bức xúc khi chủ đầu tư cho thi công thêm tầng dù người dân đã nhận nhà vào ở hai năm nay. Từ 17 tầng, chủ đầu tư định cho “mọc” thêm tầng 18.

Dự án này do Công ty cổ phần địa ốc và đầu tư Phúc Yên làm chủ đầu tư, đã nhiều lần xin điều chỉnh dự án, từ chuyển đổi công năng đến tăng tầng, tăng hệ số sử dụng đất, thêm số lượng căn hộ.

Tất cả sự thay đổi nói trên đều được sự đồng ý của UBND quận Tân Bình, sau đó là chấp thuận của Sở Quy hoạch - kiến trúc, sự thống nhất của UBND TP.HCM và cuối cùng là phê duyệt của Sở Xây dựng.

Điều đáng nói, việc điều chỉnh dường như người dân không hề hay biết, đến khi “sự đã rồi” mới xin ý kiến người dân.

Trong cuộc họp tổng kết hoạt động sáu tháng đầu năm 2017, ông Nguyễn Bá Thành - phó giám đốc Sở Xây dựng - cũng khẳng định các quyết định phê duyệt dự án do sở ban hành thực hiện đúng quy định, dựa vào đề xuất của UBND quận Tân Bình và đồng ý của Sở Quy hoạch - kiến trúc và UBND TP.HCM.

Lúc phê duyệt dự án đã có hợp đồng mua bán, nhưng sở không nắm được cư dân đã vào ở hay chưa. Việc công trình chưa nghiệm thu mà đã đưa cư dân vào ở thì đó là trách nhiệm của chủ đầu tư.

Nhiều dự án khác cũng được chấp thuận điều chỉnh công năng, tăng tầng, thêm căn hộ... như chung cư Tân Bình Apartment (quận Tân Bình), chung cư Tecco Tower Tham Lương (phường Tân Thới Nhất, quận 12).

Nhận định về tình trạng này, ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng) cho rằng để xảy ra sai phạm thì lỗi lớn là trách nhiệm vẫn nằm ở quản lý nhà nước.

"Có thể những cán bộ quản lý nhà nước có hành vi tiêu cực trong quản lý, khi kiểm tra thì thấy nhưng bỏ qua, xử lý dễ dãi, tiếp tay cho sai phạm, dần dần dẫn đến tình trạng sai phạm tràn lan", ông Nguyễn Đăng Sơn nói.

"Việc gì cũng có giới hạn. Đối với những công trình sai phạm quá mức, ảnh hưởng đến quy hoạch chung khu vực như tăng số tầng ảnh hưởng đến mật độ dân số, tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xâm phạm đến đất công cộng... trong khu vực thì phải cương quyết xử lý, không nhân nhượng".

Các quy định của pháp luật liên quan công trình xây dựng sai phạm:

Nghị định số 23/2009/NĐ-CP: Những hành vi vi phạm như xây dựng sai phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch chi tiết đô thị được duyệt, sai thiết kế đô thị được duyệt thì phải dỡ bỏ công trình vi phạm.

Nghị định số 121/2013/NĐ-CP: Hành vi xây dựng sai phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn có thể xem xét cho tồn tại bằng hình thức buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Công văn 2316/BXD-TTr ngày 22-9-2014, hướng dẫn Sở Xây dựng TP.HCM thi hành một số điều của nghị định 121, Bộ Xây dựng cho biết hiện bộ đang soạn thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 9, điều 13 nghị định số 121 theo hướng quy định này chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày nghị định 121 có hiệu lực.

NHÓM PV CTXH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên