26/04/2019 18:17 GMT+7

Xài tiền chuyển nhầm 4,6 tỉ đồng, một thanh niên đối diện tù tội

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TTO - Bỗng dưng tài khoản có khoảng 4,6 tỉ đồng, Nguyên tìm đến ATM của nhiều ngân hàng thực hiện 173 lần giao dịch, rút hơn 1,3 tỉ đồng và bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Xài tiền chuyển nhầm 4,6 tỉ đồng, một thanh niên đối diện tù tội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - TTO

Ngày 26-4, thông tin từ Công an quận 1, TP.HCM cho biết đội điều tra tổng hợp Công an quận 1 đang điều tra làm rõ vụ việc Cù Chí Nguyên (19 tuổi, ngụ quận 3) có hành vi "chiếm giữ trái phép tài sản".

Họa từ lỗi ngân hàng

Theo thông tin ban đầu, ngày 21-3 nhân viên của một ngân hàng ở phường Bến Nghé (quận 1) tiếp nhận hồ sơ làm thẻ thanh toán lương cho nhân viên của một công ty ở quận 4, trong đó có hồ sơ của Cù Chí Nguyên.

Do lỗi của hệ thống máy tính ngân hàng dẫn đến số tài khoản của Cù Chí Nguyên được cấp trùng với số tài khoản của một công ty ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 3-4, Nguyên phát hiện trong tài khoản của mình bỗng dưng có khoảng 4,6 tỉ đồng. Sau đó, Nguyên nhiều lần đến trụ ATM của các ngân hàng khác nhau thực hiện 173 lần giao dịch, rút tổng cộng hơn 1,3 tỉ đồng.

Đến ngày 24-4, lãnh đạo phòng pháp chế của ngân hàng đã mời Nguyên đến trụ sở ở phường Bến Nghé làm việc. Tại đây, phía ngân hàng yêu cầu Nguyên khắc phục lại số tiền đã rút, đồng thời bàn giao Nguyên cho Công an phường Bến Nghé làm rõ.

Tại Công an phường Bến Nghé, bước đầu Nguyên đã thừa nhận hành vi rút tiền dư trong tài khoản của mình. Đồng thời, Nguyên cho biết số tiền rút được Nguyên đã sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau...

Sau khi ghi nhận lời khai ban đầu, Công an phường Bến Nghé đã lập hồ sơ chuyển đội điều tra tổng hợp Công an quận 1 tiếp tục điều tra làm rõ.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết từ thông tin báo chí cung cấp, hành vi của Nguyên có thể bị xem xét xử lý liên quan tội "chiếm giữ trái phép tài sản" hoặc "sử dụng trái phép tài sản" theo điều 176, 177 Bộ luật hình sự 2015.  

Theo đó, tội chiếm giữ trái phép tài sản, được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định.

Trường hợp phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với tội sử dụng trái phép tài sản, người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hành vi này hoặc bị kết án tội này (chưa xóa án tích) mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: tài sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng; tài sản là bảo vật quốc gia; tái phạm nguy hiểm... thì bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Xử lý dân sự được không?

Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết không phải mọi trường hợp chiếm dụng tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chiếm giữ, sử dụng tiền khi chủ sở hữu và cơ quan chức năng chưa có động thái đòi lại tiền, hoặc có đòi lại nhưng do nhiều nguyên nhân về phương tiện, cách thức liên lạc... dẫn đến người nhận được tiền không hề biết thì có thể xem xét vi phạm nghĩa vụ dân sự hoàn trả lại tài sản mình chiếm hữu không có căn cứ pháp luật theo Bộ luật dân sự năm 2015.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên