02/11/2016 11:05 GMT+7

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: “Tôi luôn cảnh giới bản thân”

KHƯƠNG XUÂN thực hiện
KHƯƠNG XUÂN thực hiện

TTO - “Có rất nhiều người xuất sắc ở những ngành nghề khác trong xã hội cần được tôn vinh, hãy để danh hiệu ngợi ca các anh chị ấy”.

*** Error ***
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - Ảnh: NAM KHÁNH
Nếu không nỗ lực tìm tòi học hỏi vươn lên mà chỉ trông chờ vào may mắn, sự giúp đỡ của người khác thì không bao giờ thành công, ngành nghề nào cũng vậy

Đó là chia sẻ của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh về việc từ chối khi được đề nghị phong danh hiệu Anh hùng lao động, từ chối khi được vinh danh là công dân thủ đô ưu tú.

Sau 3 tháng giành HCV ở Olympic Rio lần đầu tiên mang về cho thể thao Việt Nam, Hoàng Xuân Vinh ngồi lại, lắng lòng tâm sự cùng Tuổi Trẻ.

Không được thưởng nhiều như báo chí nói

* Sau gần 3 tháng giành HCV lịch sử tại Olympic Rio 2016, cuộc sống của anh có gì thay đổi?

- Cuộc sống của tôi vẫn vậy, có điều tôi dành nhiều thời gian làm công việc xã hội, chia sẻ với cộng đồng, trả lời phỏng vấn truyền thông... sau khi về nước.

Bản thân tôi đang làm công việc quản lý chuyên môn của bắn súng Quân đội, tham gia Liên đoàn Bắn súng nên có khá nhiều việc, nhưng việc chính vẫn tập trung cho tập luyện. Ngoài công việc, thời gian rảnh rỗi tôi chăm sóc gia đình, ở bên vợ con.

* Có người vẫn chưa tin được về tấm HCV Olympic của anh, người ta không thể tin rằng với điều kiện tập luyện ở VN như trường bắn lạc hậu, đạn thi đấu không có nhưng anh vẫn giành HCV Olympic.

- Báo chí đã lên tiếng rất nhiều về việc bắn súng không được đầu tư nhiều về trang thiết bị, điều kiện tập luyện.

Thế nhưng đó chỉ là một mặt, trong tình hình khó khăn của đất nước, nếu muốn đầu tư trường bắn mới, theo tôi biết thì VN phải đăng cai một giải đấu tầm cỡ châu lục, thế giới hay đại hội thể thao như Asiad.

13 năm qua từ sau SEA Games 2003, VN chưa đăng cai đại hội thể thao quốc tế nào khác, trang thiết bị của ta vì thế lạc hậu so với thế giới rất nhiều.

Nếu thể thao VN muốn đầu tư mạnh cho những môn thể thao trọng điểm để giành huy chương châu Á, thế giới thì phải xây dựng trường bắn hiện đại dù nhỏ.

Cá nhân tôi không quá phụ thuộc vào điều kiện tập luyện thiếu thốn của bắn súng VN vì tôi là VĐV trọng điểm, được đưa đi tập huấn ở những nước phát triển như Hàn Quốc, Mỹ nhiều hơn các VĐV khác.

Trong 3 năm qua, bắn súng VN không nhập được trang thiết bị cho bắn súng, trong đó có đạn để VĐV tập luyện. Theo tôi, các cấp lãnh đạo phải có giải pháp kịp thời hơn tháo gỡ việc này.

* Khi anh giành HCV Olympic, người hâm mộ rất mừng biết tin anh được thưởng gần 6 tỉ đồng. Đến lúc này, được biết anh chỉ mới nhận được 300 triệu đồng, số tiền còn lại chưa biết được bao nhiêu và đến bao giờ mới có. Món quà xứng đáng cho tấm HCV Olympic vẫn chưa đến?

- Đến thời điểm này, tôi đã nhận được 300 triệu đồng tiền thưởng theo quy định. Số tiền còn lại do liên đoàn và bộ môn bắn súng kêu gọi tài trợ được chắc sau này tôi sẽ nhận được, tất nhiên sẽ không nhiều như báo chí đưa là “cơn mưa” tiền thưởng đến 6-7 tỉ đồng.

Tôi nghĩ trong điều kiện đất nước ta còn khó khăn, không thể đòi hỏi hơn Nhà nước phải thưởng thật nhiều tiền cho thành tích của tôi.

Phần thưởng cho VĐV thể thao, theo tôi, là phải kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho quá trình đào tạo VĐV. Ngoài ra, với VĐV, ít nhất họ cũng phải có một khoản tiền hay điều kiện gì đó sau khi giải nghệ để không gặp khó khăn như hiện nay.

Phần lớn các VĐV đi làm bất cứ công việc gì có thể, có người phải bắt đầu lại cuộc đời sau khi giải nghệ, bởi thời gian là VĐV họ không được trang bị kỹ năng, không được học hành. Cuộc đời họ sau những năm cống hiến cho thể thao VN lại trở về vạch xuất phát.

Phần thưởng này hãy dành cho người khác

* Anh từ chối khi được Ủy ban Olympic VN đề xuất Thủ tướng phong danh hiệu Anh hùng lao động, từ chối khi được Hà Nội vinh danh công dân thủ đô ưu tú. Khi xã hội đang có nhiều người thích những bảng thành tích, dường như anh là người ngược dòng?

- Suốt hơn 10 năm cống hiến cho thể thao VN, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã trao tặng cho tôi nhiều danh hiệu.

Ai cũng vậy, dù cống hiến nhiều hay ít mà được tôn vinh đều quý. Nhưng với tôi, gia đình, đồng nghiệp, người hâm mộ đã dành cho tôi những tình cảm yêu mến mới là điều quan trọng.

Nhìn biểu cảm trìu mến, chân tình, cái nắm tay thật chặt của người hâm mộ khi gặp tôi, đó là điều tuyệt vời, sự vinh danh lớn nhất với tôi rồi.

Tôi đã nói với Ban Thi đua khen thưởng Hà Nội rằng tôi đã được quê hương Quảng Trị tôn vinh, yêu mến rồi. Thành phố hãy dành phần thưởng này cho các anh chị em những ngành nghề khác trong xã hội, những tấm gương xuất sắc khác để tôn vinh họ.

* Việc anh từ chối các danh hiệu như vậy đã truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ về một con người nỗ lực hết sức để giành vinh quang và khi đứng trên vinh quang thì không kiêu ngạo. Anh chia sẻ gì với các bạn trẻ hướng về anh?

- Tôi chơi thể thao với niềm đam mê, sự cống hiến nghiêm túc và có thành công từ lao động của mình, đó là điều ý nghĩa nhất. Niềm kiêu hãnh của tôi là khẳng định cho thế giới thấy VN có thể giành được HCV Olympic, điều mà trước đây thế giới nghĩ VN không thể làm được.

Trong cuộc sống, ai cũng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi đó các bạn phải tìm ra hướng để tiếp tục tiến lên phía trước. Tôi cũng vậy, thành công đến sau nhiều thất bại và sự lao động nghiêm túc. Có nhiều người thích phong cách và nghị lực phấn đấu của tôi là vậy.

Tôi nghĩ 99% thành công đến với con người là do sự nỗ lực, chỉ 1% là năng khiếu và may mắn. Nếu không nỗ lực tìm tòi học hỏi vươn lên mà chỉ trông chờ vào may mắn, sự giúp đỡ của người khác thì không bao giờ thành công, ngành nghề nào cũng vậy.

* Anh bình tĩnh ngay cả sau khi biết mình đã giành HCV Olympic, dù hàng triệu trái tim muốn vỡ òa. Điều gì đã tạo nên tính cách đó ở anh?

- Đó là con người tôi, tôi luôn cảnh giới bản thân trong mọi tình huống. Ngay cả khi biết mình đã giành HCV Olympic, tôi vẫn cảnh giới vì tôi biết mình đang đứng ở đâu. Tôi biết những ống kính đang chĩa vào mình và bất cứ hành động nào của tôi sẽ ảnh hưởng đến ai, khiến người ta suy nghĩ gì.

Có nhiều người chưa làm được điều đó, còn tôi có thể tự kiềm chế được cảm xúc và thái độ của mình, ngay cả thời điểm đặc biệt là giành HCV Olympic.

Sau vinh quang là sự hi sinh của vợ

* Gần 20 năm chơi thể thao, anh xa gia đình để rong ruổi khắp nơi trên thế giới. Làm thế nào để anh có thể giữ gìn hạnh phúc của mình, giúp các con trưởng thành?

- Tôi khâm phục và cảm ơn sự hi sinh của vợ tôi. Một gia đình có cả bố và mẹ ở bên chăm sóc con cái đã khó khăn, huống hồ vợ tôi phải thay tôi để chăm con. Sự thành công của tôi, đằng sau đó là công sức, hi sinh của vợ tôi, tôi biết ơn cô ấy vì điều đó.

* Có khi nào cuộc hôn nhân của anh gặp sóng gió vì anh cứ đi suốt?

- Việc tôi xa nhà không làm ảnh hưởng đến hôn nhân của tôi, mà chỉ làm vợ tôi vất vả thêm. Phụ nữ thường yếu mềm, cũng có những phút chạnh lòng khi thấy chồng cứ đi xa, khi nhìn gia đình người ta sum vầy.

Vì thế khi về nước, tôi cố gắng ở nhà thật nhiều bên vợ. Tôi luôn chiều theo các thói quen, sở thích của vợ, đây là cách thể hiện tình yêu của tôi với vợ.

* Ngoài bắn súng ra, anh chơi môn thể thao gì khác?

- Tôi thích bơi lội, bóng chuyền, bóng bàn, nhưng nếu chơi tốt các môn kia thì sẽ ảnh hưởng đến bắn súng. Vì thế sở thích là sở thích, còn công việc của tôi là bắn súng.

* Anh thích ăn món gì nhất?

- Tôi thích ăn món thịt nướng Hàn Quốc ở nhà hàng. Còn ở nhà, tôi mê món sườn nướng do vợ làm, chế biến.

* Kế hoạch của anh thời gian tới là gì?

- Tôi có kế hoạch cho các mục tiêu lớn, vì thế không tham dự giải vô địch quốc gia và vô địch Đông Nam Á sắp tới. Tôi đang kết hợp với Liên đoàn Bắn súng và một số nhà tài trợ để thành lập một trường bắn giải trí.

Ở đó mọi người có thể tiếp cận với bắn súng, ngay cả các VĐV trẻ cũng có thể được làm quen với bắn súng nếu muốn trở thành một xạ thủ. Nhưng thủ tục để mở một trường bắn rất phức tạp bởi đây là môn thể thao đặc thù liên quan đến súng đạn, vì thế cần có sự đồng ý của nhiều bộ, ngành.

Khi nếm trải thất bại, cay đắng...

* Cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn từ lúc còn thơ ấu khi mẹ mất sớm. Suốt hành trình hơn 40 năm qua, anh đã làm gì để vượt qua điều đó?

- Có VĐV từng lẫy lừng trên đỉnh cao vinh quang nhưng sau khi không có thành tích thì bị quên lãng, điều đó rất bình thường.

Tôi đam mê thể thao và luôn nỗ lực trở thành VĐV xuất sắc. Nhiều người không chơi thể thao chuyên nghiệp họ vẫn phải nỗ lực vươn lên và cống hiến trong công việc họ làm.

Cái mà VĐV được đền đáp là sự tôn vinh, danh tiếng khi họ có thành tích nào đó trên đấu trường thế giới, đó là niềm vui sướng của VĐV thể thao.

Giai đoạn khó khăn nhất của đời tôi là khi tôi cố gắng để đạt được thành tích mà thất bại, như Asiad 2010.

Thời điểm đó tôi phải vượt qua suy nghĩ có tiếp tục hay dừng lại con đường này, nếu nhụt chí tôi không thể đi tiếp. Khi nếm trải thất bại, cay đắng, đam mê đã giúp tôi vượt qua được để có ngày hôm nay.

Học hội họa, thích tranh sơn dầu

* Vợ anh tiết lộ anh có năng khiếu hội họa và có khả năng vẽ tranh sơn dầu rất đẹp. Nếu không là một xạ thủ, anh nghĩ mình sẽ làm nghề gì khác?

- Tôi được học về hội họa và có thích thú với tranh sơn dầu. Tôi cũng thích ca hát, chơi nhiều môn thể thao... nhưng những sở thích đó chỉ làm cuộc sống vui vẻ hơn.

Bắn súng là môn thể thao âm thầm, rất stress, nếu không có những niềm vui kia thì tôi không thể giải phóng được mệt mỏi.

Cái duyên và nghiệp của tôi là nhà binh và thể thao, nó tìm đến tôi chứ rất khó để lựa chọn ngành nghề gì khác.

KHƯƠNG XUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên