20/03/2021 06:29 GMT+7

Xả lũ thần tốc, cả ngàn hộ tơi tả, giờ đền bù ì ạch, chưa đâu vào đâu

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Vụ xả lũ của Nhà máy thủy điện Đắk Mi (Quảng Nam) ngày 28-10-2020 với hơn 7.000m3/s gây ra thiệt hại cho gần 1.000 hộ dân huyện miền núi Nam Giang. Sau gần nửa năm, việc hỗ trợ và đền bù thiệt hại cho dân vẫn chưa đâu vào đâu.

Xả lũ thần tốc, cả ngàn hộ tơi tả, giờ đền bù ì ạch, chưa đâu vào đâu - Ảnh 1.

Nhà sập, tài sản của người dân thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang bị hư hại sau vụ Thủy điện Đắk Mi xả lũ chiều 28-10-2020 - Ảnh: B.D.

Chúng tôi quyết tâm làm đúng trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật để bà con giảm bớt thiệt hại, cũng là để tránh những sự lặp lại về sau.

Ông A Viết Sơn (chủ tịch UBND huyện Nam Giang)

"Nhiều ngôi làng đã bị tàn phá nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, nhà mất phải dựng lại nhà. Từ tháng 10-2020 tới nay, chính quyền phải linh động tìm mọi nguồn theo quy định, kể cả kêu gọi các nhà hảo tâm cùng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Đơn vị xả lũ gây ra thiệt hại nhưng Thủy điện Đắk Mi vẫn chưa thống nhất đền bù" - chủ tịch UBND huyện Nam Giang A Viết Sơn nói.

Mòn mỏi chờ đền bù

Gần nửa năm sau ngày xả lũ, đầu tháng 3-2021 về lại thị trấn Thạnh Mỹ, dấu tích trận lũ lịch sử vẫn còn đây. Ở làng Pà Dấu 1, nhiều đồ đạc bị lũ cuốn trôi, hư hỏng nằm vất vưởng dọc sông. Mực nước lũ dâng vẫn hằn thành vết trên tường nhà.

Người dân ở Pà Dấu 1 đã gượng dậy, bà con giúp nhau mái tôn, góp từng cái nồi, đong cho nhau lon gạo để qua những ngày khó. Các hộ gia đình từng bị sập nhà trong lũ nay đã làm được nhà mới. Tuy nhiên, theo bà con, mọi kinh phí khắc phục hậu quả này đều do bà con san sẻ với nhau, chính quyền thì tìm hết các nguồn hỗ trợ. 

"Căn nhà gỗ của gia đình mình bị lũ kéo sập. Nước rút, bà con tới nhặt lại tôn rồi ráp lại gỗ dựng nhà cho. Nhờ chính quyền, các nhà hảo tâm hỗ trợ nên cũng có tiền sắm được thêm đồ đạc. Chúng tôi đợi mãi chưa thấy thông báo phần đền bù của thủy điện" - chị BNước Thị Ting, làng Pà Dấu 1, nói.

Phó chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ Phan Văn Bình cho biết có 353 gia đình ở thị trấn này bị nước nhấn chìm trong đợt xả lũ. Thiệt hại đã được thống kê. "Họp lên họp xuống miết, nửa năm rồi mà bà con vẫn chưa nhận được đền bù từ thủy điện. Dân hỏi mà chúng tôi cũng không biết phải trả lời làm sao!" - ông Bình nói.

Quy trình nào sai cũng phải sửa

Gần 1.000 hộ gia đình huyện Nam Giang bị trôi nhà cửa, hư hại đồ đạc sau vụ xả lũ. UBND huyện Nam Giang đã cử các phòng chuyên môn rà soát và xác định con số thiệt hại thực tế gần 16 tỉ đồng. 

Ngày 4-11-2020, tại cuộc họp có mặt Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cùng đại diện các sở ngành, bí thư và chủ tịch UBND huyện Nam Giang khẳng định việc xả lũ quá lớn, quá gấp gáp trong lúc dân đang lo đi sơ tán đã gây thiệt hại lớn. UBND huyện Nam Giang yêu cầu Công ty CP Thủy điện Đắk Mi phải đền bù cho dân.

Phía Thủy điện Đắk Mi lúc đó cho rằng họ đã xả lũ đúng quy trình, việc thiệt hại cho hạ du là bất khả kháng. UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chính quyền cùng phía thủy điện đi thống kê thiệt hại, đánh giá rà soát và thảo luận với nhau để chọn giải pháp.

Phía huyện Nam Giang nêu quan điểm rằng dù lũ bất thường, phía thủy điện đã cảnh báo quá gấp gáp. Hệ thống loa cảnh báo đặt dọc sông Đắk Mi không hoạt động trong khi lưu lượng xả lại quá lớn, đường đột đúng lúc người dân đang đi sơ tán nên bà con không thể xoay xở kịp.

Ông Lê Văn Hường, bí thư Huyện ủy Nam Giang, cho rằng quy trình xả lũ quá lạnh lùng và dù quy trình này đúng thì dân cũng sẽ lãnh đủ hậu quả. "Quy trình đó cũng do con người đặt ra, nếu thấy sai thì phải sửa" - ông Hường nói.

* Ông A Viết Sơn (chủ tịch UBND huyện Nam Giang):

Không thể bỏ lửng!

Huyện vẫn đeo đuổi vụ việc và kiên quyết yêu cầu Thủy điện Đắk Mi phải có trách nhiệm với thiệt hại của dân. Huyện Nam Giang và người của Thủy điện Đắk Mi đã khảo sát, thống kê thiệt hại.

Cụ thể: gần 1.000 hộ dân bị thiệt hại tài sản hơn 6,7 tỉ đồng; thủy điện xả lũ cũng góp phần gây hư hại công trình dân sinh trị giá hơn 6,8 tỉ đồng. Hơn 2,6 tỉ đồng cây trồng, hoa màu của dân bị lũ làm hư hại.

Hôm 10-3, UBND huyện Nam Giang đã có báo cáo con số thiệt hại này về UBND tỉnh, đồng thời yêu cầu Công ty CP Thủy điện Đắk Mi hỗ trợ cho dân. Chúng tôi quyết tâm làm đúng trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật để bà con giảm bớt thiệt hại, cũng là để tránh những sự lặp lại về sau.

Hiện mọi thủ tục yêu cầu hỗ trợ chúng tôi đã làm xong. UBND huyện đề nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ cho bà con số tiền 2,6 tỉ đồng thiệt hại hoa màu theo nghị định 02/2017 của Chính phủ. Khoản thiệt hại về tài sản của dân, công trình dân sinh với số tiền gần 14 tỉ đồng chúng tôi yêu cầu Thủy điện Đắk Mi phải chi trả. Nhất định không bỏ lửng bởi thiệt hại quá lớn.

* Ông Hồ Quang Bửu (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam):

Bài học từ vụ xả lũ Đắk Mi

Vụ xả lũ với lưu lượng cực lớn chiều 28-10-2020 là chưa từng có tiền lệ. Nguyên nhân trực tiếp là lượng mưa quá lớn. Việc xả lũ là điều không thể tránh khỏi, nếu không xả hậu quả còn có thể lớn hơn. Nhưng thiệt hại của bà con như vậy quá xót xa.

Qua vụ việc ở Đắk Mi cũng cần rút ra một bài học lớn. Thời

tiết ngày càng dị thường, môi trường sống càng dễ tổn thương. Cần chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản xấu nhất, các chính sách lớn nhất về quy hoạch dân cư, phát triển thủy điện, các giải pháp ứng phó...

Về phía tỉnh Quảng Nam, để đảm bảo an toàn cho dân vùng dưới chân các công trình thủy điện sau mỗi trận mưa bão tất cả các địa phương được lệnh sẵn sàng ứng phó, sơ tán dân tại các khu vực nguy cơ ngập lụt cao. Thực tế vụ việc ở huyện Nam Giang lũ lớn nhưng bà con đã đi sơ tán từ trước nên không có thiệt hại về người, chỉ hư hại tài sản.

Chúng tôi chỉ hỗ trợ

Liên quan đến mức độ chịu trách nhiệm của Công ty CP Thủy điện Đắk Mi đối với các thiệt hại của người dân Nam Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk Mi, có ý kiến: "Chúng tôi (xả lũ) không sai nên không thể nói là bồi thường mà phải gọi chính xác là hỗ trợ. Do thủ tục kiểm kê với khối lượng nhiều nên tới nay vẫn chưa thể giải ngân. Hiện tại UBND huyện đã gửi yêu cầu hỗ trợ khoản tiền 16 tỉ đồng, phía công ty cũng đã xem xét và làm đề xuất gửi hội đồng quản trị để quyết định mức hỗ trợ" - ông Bình nói.

Vụ thủy điện Buôn Kuốp xả lũ: Vụ thủy điện Buôn Kuốp xả lũ: 'Sẽ đánh giá quy trình vận hành liên hồ xem ai sai, ai đúng'

TTO - UBND tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cho biết đang yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá thủy điện Buôn Kuốp xả lũ có đúng quy trình hay không.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên