Phóng to |
Ông Nguyễn Hữu Duy (giám đốc Công ty TNHH Vạn Thiên Sa):
Không tin tưởng
Tôi nghĩ việc các trường dễ dãi cấp bằng khá, giỏi cho sinh viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của nhà trường. Trường học cũng như doanh nghiệp vậy. Khi anh sản xuất một mặt hàng không đạt chất lượng cao nhưng lại đẩy lên thành chất lượng cao, xã hội không sử dụng được thì dần dần sẽ bị tẩy chay. Có thể lần đầu nhà tuyển dụng sẽ tuyển sinh viên khá giỏi của trường đó, nhưng sinh viên quá yếu về kiến thức, kỹ năng thì lần sau gặp sinh viên trường này chúng tôi sẽ không chú ý đến nữa.
Khi sinh viên cầm bằng khá, giỏi đi xin việc sẽ nhận được sự thiện cảm hơn từ phía doanh nghiệp. Dĩ nhiên khi đi vào thực tế, doanh nghiệp chỉ tuyển người làm việc chứ không phải tuyển cái bằng. Tôi không tin tưởng những tỉ lệ tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc mà một số trường công bố.
Ông Đinh Phương Nam (tổng giám đốc Công ty CP đầu tư công nghệ và nội dung VEGA):
Không thể tưởng tượng được Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi trên 90% là không thể tưởng tượng được. Bệnh thành tích vốn nặng ở bậc phổ thông nhưng ở bậc ĐH, tỉ lệ như vậy là khó tin. Hiện nay ở VN chưa có hướng dẫn nào về việc đánh giá sinh viên. Bản thân thầy giáo, ngoài chuyên môn còn là nhà giáo dục. Phải đánh giá một cách trung thực kết quả của sinh viên, làm sao để sinh viên khi nhận được điểm số ấy cảm thấy hài lòng, cảm thấy được khuyến khích hoặc đủ để răn đe sinh viên lười học và buộc họ phải cố gắng. Nếu ai cũng dễ dàng đạt được kết quả cao sẽ chẳng còn ai nỗ lực phấn đấu cả. Sự học, đánh giá một con người phải là một cuộc cạnh tranh, phải đánh giá trung thực và hợp tình hợp lý, không thể cho điểm xuề xòa. Hiện nay, việc sinh viên đánh giá giảng viên cũng khiến giảng viên nương tay. Một số trường đầu vào thấp, nếu ra đề khó và chấm gắt gao, tỉ lệ tốt nghiệp thấp, các trường lo không có người học nên tìm cách tác động giảng viên để có kết quả đẹp hơn. |
Công ty tôi thường tuyển dụng sinh viên mới ra trường ở các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật... với số lượng hồ sơ có bằng tốt nghiệp khá giỏi khoảng 60%. Qua những lần phỏng vấn, tôi nhận thấy ở khối ngành kinh tế, hành chính... gần như không có sự khác nhau nhiều lắm giữa sinh viên khá, giỏi và sinh viên trung bình.
Ở một số trường, sinh viên tốt nghiệp khá giỏi nhưng khi đi vào thực tế công việc không phản ánh đúng thực chất tấm bằng khá, giỏi, xuất sắc mà các bạn đạt được. Thậm chí có những bạn tốt nghiệp ĐH loại giỏi nhưng độ đáp ứng công việc không bằng sinh viên tốt nghiệp trung bình, có khi lại yếu kém hơn sinh viên tốt nghiệp CĐ.
Tôi nghĩ những trường đẩy tỉ lệ tốt nghiệp lên cao quá mức chỉ có tác dụng ngắn hạn. Về dài hạn, doanh nghiệp chúng tôi chỉ tín nhiệm những trường mà sinh viên của trường đó đáp ứng được yêu cầu công việc tại doanh nghiệp.
Công ty tôi từng tiếp nhận những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi một số trường vào làm việc. Tiếc là các bạn không đáp ứng được yêu cầu công việc, lại hay lôi tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của mình ra. Lần sau gặp những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi từ những trường ấy, chúng tôi rất e dè.
Ông Phạm Tuấn Đạt (giám đốc ngành nông nghiệp Công ty TNHH ADC):
Bằng khá, giỏi nhưng kiến thức rất yếu
Qua phỏng vấn nhiều sinh viên mới ra trường, tôi nhận thấy nhiều bạn sinh viên khá, giỏi nhưng về mặt kiến thức rất yếu. Thậm chí, nhiều bạn không đủ vốn kiến thức để hiểu về vấn đề thuộc chuyên môn của mình.
Đôi khi tôi yêu cầu giải thích những kiến thức trong sách vở (chứ chưa đòi hỏi những kiến thức từ thực tiễn), nhiều bạn không giải thích được cặn kẽ. Có sinh viên khi trình bày một vấn đề nào đó về lý thuyết nhưng chỉ cần “bẻ” sang một hướng khác thì không trình bày được.
ThS Lâm Tường Thoại (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật - ĐHQG TP.HCM):
Thiếu chuẩn đánh giá
Ở VN chưa có một chuẩn nào để đo lường, đánh giá tỉ lệ sinh viên khá, giỏi đó là chính xác hay không, bởi cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên hiện nay hoàn toàn dựa vào điểm số và phụ thuộc giảng viên.
Có thể giảng viên dễ tính, sợ sinh viên rớt nhiều nên ra đề dễ và chấm cũng dễ hoặc giảng viên không đánh giá được trình độ của sinh viên. Đó là chưa kể một số trường khi hợp đồng thỉnh giảng đã “bỏ nhỏ” giảng viên lần một chỉ cho rớt tối đa 20%, lần thi thứ hai trường tiếp tục “bỏ nhỏ” giảng viên cho 20% này đậu chứ không đánh rớt nữa. Như vậy rất nhiều sinh viên chưa đủ chuẩn vẫn được cho qua và ra trường.
Công tác ra đề thi hiện nay ở các trường đang bị bỏ lỏng. Cùng môn học nhưng nếu hai giảng viên dạy và ra đề sẽ có hai kết quả khác nhau. Riêng những môn chỉ có một người dạy thì quyền “sinh sát” nằm hoàn toàn trong tay giảng viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận