Phóng viên Tuổi Trẻ theo chân anh Huỳnh Tấn Tài, 34 tuổi, một trong ba bệnh nhân đang mắc bệnh suy thận của xã đảo Thạnh An, ghi lại hành trình gian nan chữa bệnh. Ở xã đảo Thạnh An, chuyện "vượt sóng" vào đất liền thuê trọ đi chữa bệnh không còn là cá biệt.
Hành trình vượt sóng biển chạy thận của người dân xã đảo
"Tài, con không được bỏ cuộc..."
Trước Tết 2019 ít ngày, Tài bỗng khó thở, chân tay sưng phù. Kết quả xét nghiệm sau đó kết luận anh bị suy thận giai đoạn cuối. Từ một người nặng 92kg chỉ còn 58kg. Mỗi lần di chuyển thường phải dựa vào bờ tường hoặc lệ thuộc sự hỗ trợ của vợ và mẹ.
Lịch khám bệnh dày đặc hơn, có nhiều xét nghiệm cần phải thực hiện nên tới lui bệnh viện hoài. Những ngày ấy, cứ nghĩ đến Tài là con trai cả, trụ cột gia đình, 14 năm gắn bó với công việc công an viên trên đảo, bà Cao Thị Minh (mẹ Tài) không khỏi xót xa: "Tương lai của Tài còn rất dài, vậy mà...".
Bà Minh lại quả quyết "Tài, con không được bỏ cuộc". Đó là khi Tài từng có ý định buông xuôi không đi điều trị bệnh, sợ mọi người vất vả và cũng vì đường sá quá xa xôi cách trở.
Bệnh mỗi lúc nặng thêm, các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) đã quyết định can thiệp đặt ống lọc màng bụng (còn gọi thẩm phân phúc mạc) thay thế thận duy trì sự sống cho anh. Giải pháp này cũng chỉ kéo dài được gần một năm, trước khi phải chuyển sang lọc máu chạy thận cho đến giờ.
"Khi lọc máu tôi phải đến bệnh viện nhiều hơn. Thay vì một tháng vài lần như trước kia, giờ cứ một tuần 3 ngày, mệt đến mấy cũng không dám nghỉ dù chỉ một lần" - Tài trầm ngâm. Kể từ đó, với lịch chạy thận vào thứ ba, năm, bảy, Tài phải di chuyển vào đất liền trước một đêm nằm chờ...
Mỗi lần Tài đi bệnh viện chạy thận đều phải đi ghe vào đất liền từ chiều hôm trước chờ sáng sớm bắt xe lên Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Cả đi lẫn về mất 25 tiếng, với căn bệnh của Tài đó chẳng khác nào "hành xác".
Chung sức giúp bệnh nhân
Xã đảo Thạnh An những ngày cuối tháng 7-2023 trời âm u, mưa nặng hạt. "Phải đi thôi", thở một hơi thật dài, Tài khó nhọc đứng dậy bận quần và áo khoác. Trong cơn mưa chiều muộn, vẫn như thường lệ, "anh Phú xe ôm" đến đón Tài chở xuống bến đò cách nhà 400m, rồi anh Phú "bế" Tài lên ghe. Chân của Tài co duỗi quá khó khăn nên dù lên ghe cũng không thể vào trong ngồi trú mưa nắng. Không biết bao lần chỉ với manh áo mưa, anh một mình ngồi co ro làm ai cũng ái ngại.
"Mưa gió thế nào cũng phải rời nhà lên thành phố. Bỏ lỡ một cữ sợ sẽ không còn đủ sức lực để duy trì chạy thận" - ngồi dựa lưng vào buồng lái, Tài tâm sự.
Bệnh của Tài từ xã đảo cho đến bên kia đất liền ai cũng thấu. Ghe gần cập bến, từ xa đã có mấy chú xe ôm chờ sẵn "bế" anh từ ghe lên bờ chở về nhà trọ miễn phí.
Nhà trọ Khả Hân ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ từ lâu đã trở thành "ngôi nhà thứ 2" của mẹ con Tài mỗi khi vào đất liền chạy thận. Căn phòng rộng chừng 20m2 ấy, được trang bị giường, ghế bố, quạt và có thêm một máy trợ thở đặt ngay chân giường, "vật bất ly thân" kể từ ngày Tài đổ bệnh.
Chiếc máy trợ thở, món quà do ông Nguyễn Văn Hiếu - nguyên bí thư xã đảo Thạnh An - vận động nhà hảo tâm mua tặng; chiếc võng để Tài ngả lưng kia là của chú Tĩnh - người trông coi bến đò Cần Thạnh; còn chiếc giường và chiếc quạt là của vợ chồng chú Sáu bán hủ tiếu đối diện phòng trọ.
Mỗi khi qua đất liền thuê trọ, Tài nói mình hầu như "không ngủ", chỉ ngồi chờ trời sáng để được chạy thận. Người mẹ cùng con vượt gần 80km vào bệnh viện cho kịp giờ chạy thận.
Bác sĩ Vũ Thị Minh Hoa, trưởng khoa thận - lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chia sẻ tình trạng của Tài hiện khá éo le, bởi vừa suy thận giai đoạn cuối, vừa mang bệnh nền suy tim.
"Chúng tôi rất thấu hiểu sự khó khăn của các bệnh nhân ở xã đảo và đã cố gắng sắp xếp thuận tiện lịch chạy thận để bà con tiện giờ lên xe, ghe về đảo", bác sĩ Hoa nói và bày tỏ sự đáng tiếc khi một số bà con trên xã đảo có chỉ định chạy thận đành gác lại do điều kiện khó khăn, đường đi lại xa xôi cách trở.
Tài chỉ là số ít vượt qua nghịch cảnh về thời gian, khoảng cách và điều kiện kinh tế để chạy thận. "Tôi chỉ mong sao Bệnh viện Cần Giờ sớm có thể chạy thận, đó cũng là cách tốt nhất giúp bà con xã đảo đỡ mất sức, tốn tiền" - Tài lặng nhìn ra dòng sông Sài Gòn, nơi có những đám lục bình trôi lững lờ, mong ước...
Cùng chung cảnh khó
Điều khiến anh Huỳnh Tấn Tài đau xót là ở xã đảo còn nhiều người phải lặn lội đi chữa bệnh giống mình, trong khi điều kiện kinh tế ai nấy đều hạn hẹp. Nhiều năm qua Tài thường "chia sẻ" phòng trọ của mình thuê cho nhiều người ngủ chờ đến sáng lên thành phố trị bệnh.
"Tôi không khóa cửa phòng trọ hoặc gửi chìa khóa đâu đó để ai có nhu cầu có thể vào nằm nghỉ đỡ tốn tiền thuê nhà trọ. Ai cũng có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo như tôi vậy" - Tài chia sẻ.
Nỗi niềm người ở lại...
Ra xã đảo Thạnh An lần này, chúng tôi được bác sĩ Luân Thanh Trường - trưởng trạm y tế xã - thông báo tin buồn về trường hợp của bà T.N. - một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trên đảo. Bà N. được chẩn đoán suy thận và có chỉ định chạy thận.
Việc chạy thận của bà cũng chỉ duy trì được một thời gian ngắn, bởi gia đình không có điều kiện đưa lên thành phố. Vậy rồi bà bỏ chạy thận. Từ ngày vợ mất, ông N.V.H. (64 tuổi) cứ trăn trở một điều: "Nếu bệnh viện ở huyện Cần Giờ có thể chạy thận được thì...".
(Mời bạn đón đọc trên số báo tới câu chuyện những ca cấp cứu trên biển)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận