29/11/2010 10:25 GMT+7

Wikileaks lại gây sốc

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Một gói dữ liệu khoảng 250.000 điện tín ngoại giao của Mỹ, hầu hết trong vòng ba năm trở lại, đã được Wikileaks tung ra vào hôm nay 29-11.

Gói dữ liệu này cung cấp một cái nhìn chưa từng có về việc tranh cãi của các đại sứ quán Mỹ trên thế giới, quan điểm thực của lãnh đạo nước ngoài và những nhận định chân thực về nguy cơ hạt nhân và khủng bố.

PxDdxd8D.jpgPhóng to
Ảnh chụp Vua Abdullah của Saudi Arabia ngày 10-3-2009. Những lời lẽ không hay dành cho các lãnh đạo Iraq và Pakistan của vị vua này đã được trích dẫn trong điện tín ngoại giao gửi về Washington - Ảnh: NYT
fl9Plemg.jpg
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) và quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ William J. Burns trong cuộc họp tại Damascus - Ảnh: NYT

Theo báo New York Times, con số tài liệu mà Wikileaks công bố lần này chính xác là 251.287 bức điện tín, nhiều hơn rất nhiều lần số tài liệu về Afghanistan và Iraq đã công bố trước đó.

Các bức điện tín này được thu thập từ lượng điện tín khổng lồ trao đổi liên tục hằng ngày giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và 297 đại sứ quán và lãnh sự Mỹ trên toàn thế giới. New York Times miêu tả số điện tín này là biên niên sử bí mật mối quan hệ của Mỹ với thế giới trong thời đại của chiến tranh và khủng bố.

Theo New York Times, nhiều tài liệu không được phân loại và không có tài liệu nào được đánh dấu "tối mật". Có khoảng 11.000 tài liệu được phân loại "bí mật", khoảng 9.000 được gắn nhãn "noforn" (Not for release to foreign nationals - Quá nhạy cảm để được chia sẻ với nước ngoài) và khoảng 4.000 điện tín được chỉ định cả hai nhãn trên.

Nhiều bức điện tín đề nguồn là tên các nhà ngoại giao đáng tin cậy, từ các nhà lập pháp nước ngoài, các sĩ quan quân đội, các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà báo, thường có một dòng cảnh báo cho Washington: "Hãy bảo vệ" hay "Bảo vệ nghiêm ngặt".

Các bức điện tín cho thấy gần một thập kỷ sau cuộc tấn công 11-9-2001, bóng đen khủng bố vẫn trùm kín quan hệ của Mỹ với thế giới. Những bức điện tín miêu tả về việc chính quyền Obama phải đấu tranh để tìm ra những người Pakistan được cho là đối tác đáng tin cậy chống lại Al Qaeda, về việc Úc đã biến mất ở Trung Đông cho đến danh sách theo dõi khủng bố, Mỹ quản lý mối quan hệ với Trung Quốc đang lên, quan hệ với Nga, ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân…

Theo New York Times mô tả, ngay cả khi các sự kiện đó đã được biết đến, những điện tín cung cấp các chi tiết đáng chú ý, một số lời nói thật lòng đằng sau cánh cửa ngoại giao, như việc trích dẫn lời của Quốc vương Arabia Saudi Abdullah về các nhà lãnh đạo Iraq và Pakistan.

Ông chủ sáng lập Wikileaks, Julian Assange, cáo buộc chính quyền Mỹ tỏ ra lo sợ về việc phải chịu trách nhiệm. "Thông tin mà chúng tôi công bố đều xoay quanh những vấn đề trọng đại của mỗi quốc gia trên toàn thế giới", BBC trích video của Julian.

Wikileaks bị tấn công

Trong một diễn biến khác, CNN dẫn Twitter của Wikileaks rằng trang web của Wikileaks đã bị tấn công vào hôm qua 28-11 nhằm ngăn chặn việc đăng tải thông tin. Mặc dù vậy, số tài liệu này đã được gửi đến năm tờ báo lớn trên thế giới là New York Times (Mỹ), The Guardian (Anh), El Pais (Tây Ban Nha), Le Monde (Pháp) và Spiegel (Đức). Trang tin điện tử các báo này cũng đã đăng tải dần những tài liệu trên.

Vẫn như mọi khi Wikileaks phát hành tài liệu, phía Nhà Trắng cật lực phản đối mạnh mẽ hành động này. Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs, những điện tín hay tài liệu ngoại giao trên có thông tin thẳng thắn nhưng thường không đầy đủ và quan trọng là không thể hiện chính sách hay ảnh hưởng đến các quyết định.

Việc công bố các điện tín này, mặc dù có thông báo trước đó, đã tạo nên một sự sợ hãi trong các cơ quan ngoại giao, thậm chí người ta cho rằng có thể làm căng thẳng quan hệ với một số quốc gia, còn các vấn đề quốc tế sẽ bị ảnh hưởng theo những cách không thể dự đoán được.

"Để làm rõ ràng thì việc tiết lộ như vậy đẩy các nhà ngoại giao của chúng tôi, các chuyên gia tình báo và người dân trên khắp thế giới đến Mỹ vào vòng nguy hiểm - AP trích phát biểu của ông Gibbs - Những tài liệu này cũng có thể bao gồm tên nhiều cá nhân đang sống và làm việc dưới sự áp bức và những người đang cố gắng để tạo ra xã hội cởi mở và tự do".

Theo ông Gibbs, Tổng thống Barack Obama hỗ trợ chính phủ cởi mở và trách nhiệm, nhưng ông này lên án hành động Wikileaks "thiếu thận trọng và nguy hiểm" và ngăn cản mục tiêu đó.

Trước ngày Wikileaks công bố tài liệu, BBC cho biết Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton và các đại sứ Mỹ trên toàn thế giới đã liên lạc với các quan chức nước ngoài những ngày gần đây để cảnh báo họ về việc tiết lộ thông tin trên.

Ngày 27-11, theo BBC, cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ là Harold Hongju Koh đã viết thư gửi một luật sư của Wikileaks, trong đó nói rằng việc công bố những bức điện tín trên là bất hợp pháp và có thể gây nguy hiểm tới sinh mạng, làm gián đoạn hoạt động quân sự và chống khủng bố, phá hoại hợp tác quốc tế về vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các mối đe dọa khác.

Đây không phải là lần đầu tiên WikiLeaks bị tấn công từ chối dịch vụ, trước đó, vào năm 2008, website này đã bị tấn công DDoS sau khi công bố một vài tài liệu mật về Cayman Islands.

Website WikiLeaks đã từng bị đề nghị là mục tiêu công khai đầu tiên cho cuộc tấn công công nghệ cao của chính phủ Mỹ. Theo CNet, một cố vấn Bộ ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã viết một thông điệp kêu gọi quân đội Mỹ "tấn công công nghệ vào WikiLeaks và bất kỳ công ty truyền thông nào đang cung cấp những dịch vụ cho tổ chức này".

Tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS - Distributed Denial of Service) hay Tấn công từ chối dịch vụ (DoS) nhìn chung là dạng tấn công làm hao tổn một lượng lớn tài nguyên trên máy chủ web (server), tài nguyên có thể là băng thông, bộ nhớ, bộ xử lý, đĩa cứng... làm cho máy chủ không thể nào đáp ứng các yêu cầu từ khách truy cập thông thường khác.

Kiểu tấn công DDoS và DoS có thể nhanh chóng làm máy chủ web bị ngừng hoạt động, khó có thể phòng chống, mức độ nguy hại rất cao.

Giới tin tặc và tội phạm mạng thường rải mã độc để lây nhiễm rồi "bắt" các máy tính của người dùng Internet trở thành những "máy tính ma" (zombie) trong mạng botnet. Các mạng botnet với số lượng zombie lên đến hàng trăm ngàn hay vài triệu sẽ là "quân lính" để mở các cuộc tấn công từ chối dịch vụ "không thể chống cự" vào các hệ thống website.

Dưới đây là 10 thông tin chính mà New York Times và BBC giới thiệu từ số điện tín khổng lồ do Wikileaks công bố:

1. Một bế tắc đáng sợ với Pakistan về nhiên liệu hạt nhân

Từ năm 2007, Hoa Kỳ đã rất nỗ lực bí mật - cho đến nay không thành công - để loại bỏ một lò phản ứng nghiên cứu làm giàu uranium của Pakistan mà các quan chức Mỹ lo sợ có thể được chuyển hướng để sử dụng trong một thiết bị hạt nhân bất hợp pháp. Vào tháng 5-2009, đại sứ Anne W. Patterson báo cáo rằng Pakistan đã từ chối một việc sắp đặt chuyến thăm của các chuyên gia kỹ thuật người Mỹ, vì theo lời một quan chức Pakistan lập luận, "nếu các phương tiện truyền thông địa phương biết được về từ ngữ "loại bỏ nhiên liệu" thì họ chắc chắn sẽ miêu tả việc đó như là Mỹ cướp đoạt vũ khí hạt nhân của Pakistan".

(Xem tiếp trang hai)

2. Ứng xử giả định về CHDCND Triều Tiên trong tương lai

Mỹ và các quan chức Hàn Quốc đã thảo luận về triển vọng cho một Triều Tiên thống nhất. Đại sứ Mỹ từ Seoul cho biết các quan chức Hàn Quốc cũng đã xem xét các ưu đãi thương mại cho Trung Quốc. Theo bà đại sứ này, báo cáo về Washington vào tháng 2, phía Hàn Quốc tin rằng các thỏa thuận kinh doanh đúng đắn sẽ "giúp xoa dịu" những "mối quan tâm về việc chung sống với một Triều Tiên thống nhất" của Trung Quốc trong tương quan một "liên minh lành tính" với Hoa Kỳ.

3. "Ngã giá" để giải phóng tù nhân nhà tù vịnh Guantanamo

Khi các nhà ngoại giao Mỹ ép các nước khác để tái định cư tù nhân, họ đã trở thành người chơi bất đắc dĩ tại chính Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo các điện tín, Slovenia được yêu cầu phải nhận một tù nhân nếu muốn gặp Tổng thống Obama, còn quốc đảo Kiribati đã được đề nghị những ưu đãi trị giá hàng triệu USD để nhận một nhóm các tù nhân, Bỉ thì được đề xuất "một cách ít tốn kém nhất để đạt được sự nổi bật ở châu Âu" nếu chịu nhận một nhóm tù nhân khác...

4. Tình nghi tham nhũng trong Chính phủ Afghanistan

Khi phó tổng thống của Afghanistan viếng thăm Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào năm ngoái, các quan chức địa phương trong khi đang phối hợp làm việc với Cơ quan Phòng chống Ma túy đã phát hiện ông này mang theo 52 triệu USD tiền mặt. Với cách nói hàm ý, điện tín từ đại sứ quán Mỹ ở Kabul cho biết đó là số tiền "đáng kể" mà Ahmed Zia Massoud "lần cuối cùng được cho phép giữ mà không phải tiết lộ nguồn gốc của số tiền hoặc điểm đến" (sau này ông Massoud liên tục bác bỏ việc đã mang tiền ra khỏi Afghanistan).

5. Một nỗ lực tấn công máy tính toàn cầu

Bộ Chính trị Trung Quốc đã chỉ đạo xâm nhập hệ thống máy tính của Google tại nước này. Điện tín ngoại giao mà Wikileaks thu được cho biết thông tin này do một nhóm liên lạc phía Trung Quốc báo cáo cho Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh vào tháng 1. Việc xâm nhập Google là một phần của một chiến dịch phối hợp phá hoại máy tính thực hiện bởi chính phủ, các chuyên gia an ninh tư nhân và những tin tặc ngoài vòng pháp luật được chiêu mộ. Bức điện tín cho biết nhóm này đã xâm nhập được các máy tính của Chính phủ Mỹ và đồng minh phương Tây, của Đạt Lai Lạt Ma và các doanh nghiệp Mỹ kể từ năm 2002.

6. Một số thông tin về việc chống khủng bố

Các nhà tài trợ Saudi vẫn là nguồn cung tài chính của các phiến quân Al Qaeda người Sunni. Vùng vịnh Ba Tư nhỏ nhà nước của Qatar - chủ nhà hào phóng của quân đội Mỹ nhiều năm qua - là "khu vực kém nhất" trong nỗ lực chống khủng bố.

7. Một liên minh hấp dẫn

Các nhà ngoại giao Mỹ ở Rome báo cáo năm 2009 về những gì mà các đầu mối từ Ý của họ mô tả mối quan hệ cực kỳ chặt chẽ giữa Thủ tướng Nga Vladimir V. Putin và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, bao gồm "những món quà xa xỉ", những hợp động năng lượng sinh lợi và các cuộc đối thoại. Các bức điện tín mô tả ông Berlusconi "ngày càng trở thành cơ quan ngôn luận của Putin" tại châu Âu. Các nhà ngoại giao cũng lưu ý rằng quyền hành của ông Putin đã yếu đi bởi một bộ máy quan liêu không thể quản lý và thường bỏ qua các sắc lệnh của ông.

8. Chuyển giao vũ khí cho chiến binh

Các bức điện tín mô tả cuộc đấu tranh thất bại của Mỹ để ngăn chặn Syria cung cấp vũ khí cho Hezbollah ở Lebanon, vốn đã tích lũy được một kho dự trữ lớn từ cuộc chiến tranh 2006 với Israel. Một tuần sau khi Tổng thống Bashar al-Assad đã hứa với một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng sẽ không gửi vũ khí "mới" cho Hezbollah, Mỹ đã phàn nàn việc họ có thông tin Syria đã cung cấp vũ khí ngày càng tinh vi cho nhóm Hezbhollah.

9. Đụng độ với châu Âu về nhân quyền

Các quan chức Mỹ đã cảnh báo mạnh mẽ Đức hồi năm 2007 rằng không nên thi hành lệnh bắt giữ các cán bộ Cơ quan Tình báo trung ương CIA đã tham gia một hoạt động thiếu tính toán, mà bắt nhầm một công dân vô tội của Đức có tên giống một tên tình nghi khủng bố. Công dân Đức này đã bị bắt cóc và giam hàng tháng trời ở Afghanistan. Một nhà ngoại giao cao cấp Mỹ nói với một quan chức Đức "rằng ý định của chúng tôi không phải đe dọa Đức, mà là để kêu gọi Chính phủ Đức cân nhắc cẩn thận mọi bước đối với quan hệ với Mỹ".

10. Gián điệp sinh trắc học tại Liên Hiệp Quốc

Một bức điện tín được ký tên Ngoại trưởng Hillary Clinton gửi đến các nhà ngoại giao Mỹ nói với họ thu thập thông tin "tiểu sử và sinh trắc học" - bao gồm cả mống mắt quét, các mẫu DNA và dấu vân tay - của những quan chức chủ chốt tại Liên Hiệp Quốc. Họ cũng đã ra lệnh tìm kiếm thông tin về thẻ tín dụng, địa chỉ email và mật khẩu đã mã hóa được sử dụng cho các mạng máy tính và trong quá trình liên lạc chính thức. Wikileaks cho biết đã thu thập được ít nhất chín chỉ thị tương tự được gửi tới những quốc gia khác nhau, đều được ký dưới tên của bà Clinton và người tiền nhiệm của mình Condoleezza Rice.

(Xem tiếp trang 3)

Lãnh đạo nhiều nước chỉ trích WikiLeaks

vV8uUUTV.jpgPhóng to
Wikileaks lần lượt đăng các tít về nội dung điện tín rò rỉ trên Twitter của mình sau khi trang web bị tấn công - Ảnh: Daily Mail

Tại Mỹ, Joseph I. Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và Vấn đề Chính phủ của Thượng viện, đã ra thông báo lên án việc WikiLeaks phát hành hơn 250.000 điện tín ngoại giao bí mật. Trong tuyên bố của mình, ông kêu gọi chính quyền Obama và chính phủ các nước sử dụng "tất cả các biện pháp pháp lý" để đóng cửa trang web WikiLeaks trước khi trang web này kịp đăng thêm tài liệu.

Tại Pakistan, các quan chức cũng phản ứng mạnh mẽ về việc Wikileaks công bố những bí mật giữa Mỹ và nước này xung quanh vấn đề nhiên liệu hạt nhân. Phóng viên của báo The Times (Anh) đã đến tận thủ đô Islamabad để tường thuật về phản ứng của người dân và lãnh đạo Pakistan.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi cho biết sẽ đưa ra phản hồi chính xác sau khi đọc kĩ các tài liệu bị rò rỉ.

Qqkwvc8Q.jpgPhóng to
Wikileaks lần lượt đăng các tít về nội dung điện tín rò rỉ trên Twitter của mình sau khi trang web bị tấn công - Ảnh: Daily Mail

Tại Úc, viên tổng công tố Robert McClelland thông báo hôm nay rằng chính phủ sẽ điều tra xem liệu việc phát hành các tài liệu mật của Wikileaks có vi phạm bất kỳ luật lệ nào của quốc gia này hay không. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith phát biểu tại một ủy ban chính phủ rằng đang tổ chức nghiên cứu các tài liệu để xác định những thiệt hại có thể phát sinh từ vụ rò rỉ.

"Chúng tôi phải thực hiện từng bước một, nhưng chủ yếu là bảo vệ lợi ích quốc gia của Úc" - AP trích cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Sky News của ông Smith - Đây là một hành động hoàn toàn đáng bị lên án".

Phát biểu về vụ việc, Ngoại trưởng Canada Lawrence Cannon nói: "Việc rò rỉ này rõ ràng là vô trách nhiệm, tồi tệ và không phục vụ lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, thậm chí có thể đe dọa an ninh quốc gia". Theo AFP, các phương tiện truyền thông Canada cho rằng các tài liệu bị rò rỉ có thể chứa những tiết lộ về quyết định của Canada kết thúc sứ mệnh Afghanistan trong năm tới.

Một số nhà quan sát khác thì lo ngại các tài liệu có thể liên quan tới công dân Canada Omar Khadr, người đã bị bắt ở Afghanistan vào năm 15 tuổi sau khi giết chết một binh sĩ Hoa Kỳ và phải ngồi tù nhiều năm tại nhà tù Vịnh Guantanamo. Hiện Canada đang đối phó với nguy cơ WikiLeaks sẽ phát hành nhiều tài liệu của Mỹ về Canada vào đầu tháng tới.

Các báo lớn vẫn quyết định đăng tải

Phía lãnh đạo các nước thì lên án kịch liệt, nhưng các tổ chức truyền thông vẫn bảo vệ ý kiến cho đăng tải thông tin của mình. Scott Shane, một trong những tác giả các bài viết trên The Times, nói: vụ rò rỉ này quý giá ở chỗ nó tiết lộ "câu chuyện phía sau hậu trường".

Trả lời phỏng vấn CNN, ông Shane khẳng định quan điểm của tờ báo là không tin những báo cáo này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, và The Times sẽ xóa một số tên cụ thể trong các điện tín sau khi thảo luận với Bộ Ngoại giao.

"Nhận định của chúng tôi là các bức điện tín chắc chắn sẽ tác động, làm căng thẳng một số mối quan hệ, nhưng sẽ không đe dọa sinh mạng ai cả", ông Shane nói với CNN.

The Guardian cũng đã bảo vệ quyết định đăng tài liệu của WikiLeaks bằng một bài xã luận. Trong bài viết, Guardian lập luận rằng hầu hết những điện tín ngoại giao của Mỹ mà WikiLeaks có được, đã được đăng trước đó trên một trang web mạng nội bộ của chính phủ Mỹ với một lượng độc giả "rất rộng", chủ yếu trong giới ngoại giao - chính quyền - quân sự. Và vì thế hầu như không bí mật nào cả.

"Những điện tín đó có thể đã được đánh dấu "bí mật", nhưng đây chỉ là một sự bí mật tương đối khi có khoảng 3 triệu người Mỹ đã chắc chắn đọc được những tài liệu được phân loại như vậy", CNN trích bài xã luận của Guardian.

Vua Saudi Arabia hối thúc Mỹ tấn công Iran

Báo Guardian ngày 29-11 đưa tin Vua Abdullah của Saudi Arabia đã hối thúc Mỹ tấn công Iran để hủy diệt chương trình hạt nhân của nước này, theo một nguồn tin ngoại giao bị tiết lộ. Guardian bình luận tiết lộ này, theo những bản ghi nhớ mật từ các đại sứ quán Mỹ ở Trung Đông, cho thấy áp lực “đằng sau cánh gà” đối với những nước láng giềng A-rập liên quan đến yêu cầu kiềm chế Iran.

AQufhlhv.jpgPhóng to
Vua Abdullah của Saudi Arabia (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: saudiembassy.net

Đoạn băng ghi âm cho thấy vua Saudi Arabia đã “thường xuyên hô hào Mỹ tấn công Iran để chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này” và “ông ấy đã yêu cầu Mỹ đánh rắn phải đánh dập đầu”, theo lời ông Adel al-Jubeir, đại sứ Saudi Arabia tại Washington kể lại về một cuộc gặp giữa Abdullah và tướng Mỹ David Petreus vào tháng 4-2008.

Các đoạn băng cũng cho thấy sự lo lắng của Israel bảo vệ độc quyền về hạt nhân của mình trong khu vực.

Theo đó, Bộ trưởng quốc phòng Israel Ehud Barak, ước tính vào tháng 6-2009 rằng “(chúng ta có) từ sáu đến 18 tháng nữa kể từ bây giờ để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran trở thành hiện thực”. Ông Barak còn nói “bất kỳ giải pháp quân sự nào cũng sẽ dẫn đến thiệt hại không thể chấp nhận cho cả đôi bên”.

Các đoạn băng còn cho thấy những quan chức ở Jordan và Bahrain đã công khai kêu gọi chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran bằng mọi cách, bao gồm cả quân sự. Những người đứng đầu nhà nước Saudi Arabia, UAE và Ai Cập gọi Iran là “quỷ dữ”, một “đe dọa hiện hữu” và một lực lượng “sẽ đưa chúng ta đến chiến tranh”. Guardian nói khi họ tìm cách liên lạc với người phát ngôn Bộ quốc phòng Mỹ PJ Crowley ngày 29-11 về những đoạn băng kể trên, ông nói chính sách của Mỹ là không bình luận về các hồ sơ mật bị tiết lộ.

Iran vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân của mình và sau hơn một năm trì hoãn, những vòng đàm phán mới với năm thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cộng thêm Đức dự kiến sẽ được nối lại vào ngày 5-12 tới.

Tin bài liên quan:

WikiLeaks nắm giữ nhiều tài liệu của Mỹ hơn so với thông báoThủ tướng Iraq lên án WikiLeaksWikiLeaks phơi bày bí mật cuộc chiến IraqWikiLeaks sẽ "công bố tài liệu mật về Nga và Trung Quốc"“Quả bom” mới của WikileaksWikileaks lại gây sốc

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Wikileaks