![]() |
Ảnh: Getty |
Em thích làm việc ở phòng phân tích tài chính và đầu tư của các quỹ, công ty tài chính. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ công việc trước không liên quan nhiều đến vị trí hiện tại và chuyên ngành em đã học bị đánh giá rất chung chung, vì vậy thường em không được đánh giá cao khi phỏng vấn.
Xin hỏi em nên chuẩn bị thêm những gì để có thể phỏng vấn vào những vị trí này và có phải các công ty khi phỏng vấn luôn thích nhận ứng viên có kinh nghiệm? Nếu em chuyển sang một lĩnh vực khác, như truyền thông chẳng hạn, thì em nên đàm phán mức lương như thế nào? Em có nên nói mức lương cuối cùng em nhận được ở công ty cũ không vì nó không cao lắm nhưng cao hơn mức bình thường của một sinh viên mới ra trường...
- Chào bạn. Trước tiên chúng tôi xin cung cấp đến bạn cái nhìn sơ bộ về công việc của chuyên viên phân tích tài chính và đầu tư.
Chuyên viên phân tích tài chính là những người có nhiệm vụ tập hợp và phân tích các thông tin tài chính, phân tích xu hướng và đưa ra các dự báo kinh tế, thu thập các bảng thống kê, viết báo cáo và tổng hợp tất cả các thông tin không chính thức hiện có về các triển vọng kinh doanh. Trên cơ sở các phân tích, họ đưa ra các báo cáo nhằm tư vấn tài chính và đầu tư cho ban giám đốc, khách hàng và đồng nghiệp.
Chuyên viên phân tích đầu tư là những người có kiến thức sâu về chuyên ngành kế toán tài chính, hiểu biết rộng về luật pháp, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự, bảo hiểm, thị trường chứng khoán… Tại Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên viên phân tích đầu tư không nhiều và làm việc chủ yếu trong các công ty tư vấn quản trị doanh nghiệp hoặc các quỹ đầu tư có vốn nước ngoài. Rất nhiều người đã từng có kinh nghiệm kiểm toán, quản trị… hiện đang làm việc cho các quỹ đầu tư lớn như Mekongcapital, Vinacapital…
Để hoàn thành tốt công việc này, ngoài việc tích lũy kiến thức chuyên ngành, củng cố kiến thức xã hội, trình độ ngoại ngữ - vi tính tốt, bạn cần rèn luyện thêm các kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ liên quan như: khả năng tổng hợp, phân tích và quản lý tốt; khả năng giao tiếp, phán đoán - xử lý nhanh các tình huống tài chính/đầu tư trong kinh doanh; tư duy chiến lược tốt và có thể ra các quyết định về chính sách tài chính doanh nghiệp; khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm, làm việc dưới áp lực cao…
Đúng như bạn đã nhận thấy, thường những công việc trên yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm chuyên môn nhất định. Nên nếu bạn xác định phát triển nghề nghiệp theo hướng này, bạn cần tích lũy kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn ngay từ bây giờ.
Để tích lũy kinh nghiệm, bạn có thể bắt đầu bằng cách ứng tuyển vào các công việc liên quan như chuyên viên tư vấn tài chính tín dụng cá nhân/doanh nghiệp ở các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… Các ngân hàng thường tuyển khá nhiều và thường xuyên vị trí này. Trong quá trình làm việc, bạn có thể tham gia các khóa học chuyên ngành để nâng cao kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng cần thiết. Sau đó, tiếp tục phát triển sự nghiệp theo hướng chuyên viên phân tích tài chính/đầu tư.
Để thu hút nhà tuyển dụng, hồ sơ ứng tuyển của bạn cần tập trung nhấn mạnh đến kỹ năng, kinh nghiệm, bằng cấp và thành tích cụ thể. Và thư tìm việc phải chuyển tải được những gì bạn mong muốn đóng góp cho công ty mình đang nhắm đến (bằng cách minh họa những gì bạn đã cống hiến cho các công ty cũ).
Với lĩnh vực truyền thông, bạn có thể đảm trách các dạng công việc như: phóng viên, biên tập viên, kinh doanh truyền thông… Chúng tôi không rõ bạn muốn làm cụ thể công việc nào, mức độ phù hợp giữa yêu cầu công việc và năng lực của bạn nên không thể tư vấn cụ thể việc thương lượng mức lương.
Theo chúng tôi, bạn cần xem xét kỹ và xác định rõ công việc phù hợp nhất, dựa vào đó, bạn và nhà tuyển dụng có thể thương lượng mức lương phù hợp. Về mức lương ở công ty cũ, bạn có thể trình bày khi nhà tuyển dụng đề cập trong buổi phỏng vấn.
Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của mình!
* Tôi muốn chuyển sang làm việc trong lĩnh vực sales - marketing và đã chuẩn bị một số kiến thức để theo lĩnh vực này như: tốt nghiệp thêm ngành quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế, học thêm một số chứng chỉ về sales - marketing.
Nhưng khi đi phỏng vấn, tôi hơi lúng túng với câu hỏi "Bạn có kiến thức khá tốt nhưng đó chỉ là lý thuyết, làm sao bạn tin chắc bạn có thể ứng dụng tốt vào thực tiễn vì thực tế bạn chưa hề có kinh nghiệm về lĩnh vực này?". Xin hỏi tình huống này tôi phải trả lời thế nào cho tốt?
(Mai Vy)
- Chào bạn. Kinh nghiệm quả là một yếu tố cần thiết mà nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm ở các ứng viên sáng giá. Tuy nhiên, luôn có những nhà tuyển dụng đánh giá cao lòng nhiệt huyết, sự đam mê nghề ở những ứng viên có nền tảng kiến thức vững chắc và họ sẵn sàng tuyển ứng viên này bởi họ nhìn thấy khả năng tiềm ẩn của người đó.
Như vậy, thử thách dành cho bạn là chứng minh với nhà tuyển dụng rằng đây là công việc mơ ước của bạn nên dù có sự hạn chế về mặt kinh nghiệm, bạn mong muốn có cơ hội học hỏi và cống hiến năng lực của mình cho công việc, công ty và bạn tự tin có thể hoàn thành tốt công việc được giao.
Chúng tôi xin cung cấp một số gợi ý hiệu quả nhằm giúp bạn có câu trả lời thuyết phục nhà tuyển dụng:
Trước khi đi đến quyết định chuyển sang lĩnh vực sales - marketing, bạn đã đầu tư thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng từ trước. Hãy đề cập chúng với nhà tuyển dụng để họ hiểu được rằng bạn thật sự nghiêm túc muốn theo đuổi lĩnh vực này; bằng chứng là bạn đã lập và hoàn thành kế hoạch bổ sung kiến thức (tốt nghiệp thêm ngành quản trị kinh doanh ĐH Kinh tế, học thêm một số chứng chỉ về sales - marketing). Và giờ đây bạn mong muốn được áp dụng những kiến thức đã tích lũy được vào công việc để góp phần thúc đẩy doanh số và quảng bá thương hiệu của công ty đến khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, khả năng học hỏi - nắm bắt vấn đề nhanh nhạy sẽ giúp bạn tiếp thu nhanh chóng kinh nghiệm và kiến thức từ cấp trên, đồng nghiệp khi được đào tạo, hướng dẫn (training). Bạn có sở hữu kỹ năng này? Hãy trình bày với nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, đừng quên bổ sung bất kỳ nhiệm vụ/thành tích nào liên quan đến lĩnh vực sales - marketing mà bạn từng đảm trách trong suốt thời gian qua. Những dẫn chứng điển hình sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng.
Và bạn có thể kết thúc câu trả lời bằng cách khẳng định: bạn hiểu rằng chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mới là một khó khăn, song bạn tự tin với nền tảng kiến thức vững chắc, với sự phù hợp về tính cách, kỹ năng và quan trọng đây là lĩnh vực bạn đam mê nên bạn hoàn toàn có đủ khả năng để hoàn thành tốt công việc được giao.
Điều sau cùng chúng tôi muốn được chia sẻ với bạn: kết quả phỏng vấn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và quyết định cuối cùng là của nhà tuyển dụng. Do vậy, trong trường hợp kết quả không như bạn mong đợi, hãy hiểu một cách đơn giản: có một công việc khác phù hợp hơn đang chờ đón bạn. Hãy rút kinh nghiệm và tiến về phía trước!
Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận