27/11/2018 08:21 GMT+7

Vượt qua bối rối năm đầu, tân sinh viên cần sức mạnh tự lập

ROSIE NGUYỄN
ROSIE NGUYỄN

TTO - Thất bại trong việc tạo dựng các mối quan hệ mới là một trong những nguyên nhân gây cô đơn và lạc lõng.

Vượt qua bối rối năm đầu, tân sinh viên cần sức mạnh tự lập - Ảnh 1.

Một buổi chào đón tân sinh viên tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Có một điểm quan trọng nhưng không phải sinh viên nào cũng nhận thấy rõ: quãng đời sinh viên hoàn toàn khác với thời trung học.

Một trong những khác biệt cơ bản là về phong cách học tập. Bước chuyển mình từ phổ thông lên đại học cũng đòi hỏi sự chuyển mình trong tâm thế và tư duy học tập, từ một người học phụ thuộc bị động trong một môi trường được kèm cặp quản lý, sang một người học độc lập trong  môi trường của sự chủ động, tự giác và tính kỷ luật cao.

Hai học giả Bette Eriksen và Diane Strommer, trong một báo cáo năm 1991, đã đưa ra nhận định về văn hóa thời trung học ở Mỹ như sau: "Thời gian trong các năm học ở trường phổ thông dường như không thay đổi mấy. Các buổi học được quản lý theo từng tiết, bắt đầu và kết thúc bằng tiếng chuông reo, với những quãng nghỉ ngắn cho giờ thể dục, giải lao, và ăn trưa. 

Các sinh viên năm đầu, vốn quen với việc mỗi phút trong ngày của mình được ai đó kiểm soát, thường sẽ cảm thấy cực kỳ lo âu khi đối diện với cuộc sống đại học khá nhiều tự do". 

Sau gần 30 năm, có lẽ quan sát này vẫn còn áp dụng được ít nhiều đối với tình trạng Việt Nam hiện nay.

Nếu không được chuẩn bị trước, những sinh viên quen với cách học đọc chép có thể sẽ bối rối với phong cách giảng dạy ở đại học.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học Giáo dục trường Đại học Sư Phạm TP.HCM chia sẻ: "Rất nhiều trường đại học hiện nay đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nên sinh viên tự quyết định lịch trình, tiến độ học tập của mình. Việc đăng ký một học kỳ bao nhiêu tín chỉ, học nhiều hay ít, ra trường khi nào tùy thuộc phần lớn vào người học. 

Phong cách học tập cũng khác xa so với thời phổ thông, vừa học trên lớp, vừa làm bài tập ở nhà, rồi lại có các bài tập nhóm, các bài thuyết trình, bài luận, nghiên cứu khoa học. 

Đó là chưa kể có những sinh viên vào đại học vẫn hoang mang không biết tại sao mình lại vào trường này, ngành này. Nên trong những năm đầu đại học nhiều bạn không khỏi loay hoay vật vã".

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hằng, giảng viên ngành Tài chính Ngân hàng của trường Đại học Ngoại Thương CS II tại TP.HCM cũng cho biết: "Kiến thức ở phổ thông thường được gói gọn trong sách giáo khoa. Nhưng chương trình giảng dạy ở đại học thường kết hợp nhiều nguồn tài liệu phong phú. Như ngành tài chính, sẽ có các tài liệu được sử dụng rộng rãi tại các trường kinh doanh lớn trên thế giới, kết hợp chặt chẽ với kiến thức tài chính thực tiễn tại Việt Nam. 

Để học tốt, sinh viên vừa phải chủ động nghiên cứu tài liệu, vừa phải có khả năng suy luận, phân tích, ứng dụng kiến thức vào các bài toán và tình huống cụ thể, vừa chủ động trao đổi, phản biện với giáo viên trên lớp. Đây là những sự thay đổi tất yếu, quan trọng để sinh viên trưởng thành, thích nghi với môi trường kinh tế cạnh tranh sau khi tốt nghiệp".

Vượt qua bối rối năm đầu, tân sinh viên cần sức mạnh tự lập - Ảnh 2.

Những hoạt động đội nhóm giúp tăng cường kỹ năng, quan hệ xã hội cho sinh viên - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Những khác biệt trong các quan hệ xã hội cũng khiến những người trẻ khi bước vào cổng trường đại học cảm thấy hoang mang. Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy gần 71% sinh viên mới nhập học cho rằng các giảng viên, trợ giảng và cố vấn học tập ở trường đại học sẽ chủ động làm quen và tìm hiểu họ. Các sinh viên thường trông đợi có người hướng dẫn để gắn bó thân thiết, hỗ trợ và cảnh báo cho họ biết nếu họ đang chệch hướng.

Tác giả Rosie Nguyễn là nhà báo tự do chuyên khai thác đề tài về người trẻ và học tập tự thân. Cô là tác giả một số cuốn sách cho giới trẻ như Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Mình nói gì về hạnh phúc

Tuy vậy, với hàng trăm sinh viên mỗi lớp, việc nhớ tên sinh viên cũng là một thử thách. Các giảng viên thường chỉ nhớ mặt biết tên sinh viên chủ động chào hỏi  mình, ở lại sau giờ học để hỏi bài, hoặc năng nổ phát biểu ý kiến trong lớp. 

Điều này hoàn toàn trái ngược với các cấp học thấp hơn, khi lớp học có số lượng học sinh ổn định, khiến thầy cô có điều kiện quan tâm giám sát học sinh nhiều hơn.

Các chuyên gia chỉ ra rằng quãng thời gian chuyển tiếp vào đại học là lúc người trẻ bắt đầu trải nghiệm sự độc lập, cách ly với gia đình và dần dần xây dựng những mạng lưới xã hội cần thiết cho tương lai. Trong đó, thất bại trong việc tạo dựng các mối quan hệ mới là một trong những nguyên nhân gây cô đơn và lạc lõng.

Chuẩn bị cho bước chuyển

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, để quá trình học đại học được thuận lợi, một điều không thể thiếu là bộ kỹ năng tự học có định hướng (self-directed learning skills), bao gồm nhiều kỹ năng nhỏ, như kỹ năng tự định hướng việc học, kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập, kỹ năng sử dụng các chiến lược và cơ hội học tập, kỹ năng quản lý và đánh giá quá trình học tập của bản thân. Trong phần lớn trường hợp, những kỹ năng này đều chưa được chuẩn bị ở bậc phổ thông.

Là người vừa giảng dạy các môn chuyên ngành, vừa làm cố vấn học tập,  phụ trách bộ môn Phương pháp học tập tại đại học, Tiến sĩ Thu Huyền chia sẻ, phần lớn các sinh viên mới đều chưa sẵn sàng để đáp ứng các yêu cầu của bậc học đại học. Cô thường phải rèn luyện cho các bạn từ những vấn đề cơ bản, như cách đọc sách và tài liệu, cách cải thiện tốc độ đọc, cách ghi chép có hệ thống, cách đặt mục tiêu, cho đến hỗ trợ những kỹ năng khác như như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc tập thể và lãnh đạo đội nhóm.

Một báo cáo của Trung tâm Học tập tại trường Đại học Arizona (Mỹ) cũng cho thấy những kỹ năng quan trọng mà sinh viên năm đầu ở Mỹ thường thiếu, bao gồm: kỹ năng quản lý thời gian, việc tự định hướng trong môi trường rộng lớn, kỹ năng đọc hiểu các giáo trình chuyên ngành đồ sộ, và khả năng tư duy phản biện về những gì họ đang học.

Các giảng viên và nhà quản lý giáo dục ở nhiều nơi trên thế giới vẫn thường nhấn mạnh rằng, sự chủ động thích nghi của sinh viên với các thay đổi trong thời kỳ đại học là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển tiếp vào đại học.

Việc làm quen với không gian trường học, các quy định của trường, yêu cầu và điều kiện của các môn học cũng đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó là việc sắp xếp những vấn đề khác trong cuộc sống, bao gồm sức khỏe, an toàn, quản lý tài chính cá nhân, các mối quan hệ và việc làm thêm.

Những năm đầu đại học cũng là khoảng thời gian mà nhiều người trẻ bắt đầu đối diện với những trải nghiệm khó khăn về cảm xúc: cú sốc thất tình, cảm giác bị từ chối, cảm giác thất bại, sự thất vọng về mình và người khác, áp lực tài chính...

Những thử thách này đòi hỏi người trẻ còn phải phát triển kỹ năng sống mà không phải trường đại học nào cũng dạy, như kỹ năng quản lý cảm xúc và sự căng thẳng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng quản lý các mối quan hệ (gia đình, bạn bè, đội nhóm). 

Trên thực tế, như tiến sĩ Brian Harke, trưởng khoa Công tác sinh viên trường Đại học San Francísco (Mỹ) đã chỉ ra, để quá trình chuyển mình diễn ra thành công, sinh viên cần thành công cả về mặt học vấn lẫn trong việc khẳng định vai trò của mình ở cộng đồng mới.

Tuy vậy, nỗ lực của bản thân sinh viên là không đủ, mà còn cần đến sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường phổ thông, và hệ thống giáo dục đại học.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thu Hằng, giảng viên có thể đưa ra những hỗ trợ to lớn trong quá trình hòa nhập của sinh viên mới. “Ngoài giờ giảng, các thầy cô còn hướng dẫn các bạn bổ sung kỹ năng, làm nghiên cứu, xử lý số liệu, tham gia vào các cuộc thi lớn ở bên ngoài. Những sinh viên đam mê với ngành, chịu khó học hỏi còn được thầy cô hỗ trợ để đi rất xa. 

Việc chủ động tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, các cuộc thi học thuật cũng giúp các bạn thoát ra khỏi rào cản của bản thân, quen nhiều bạn bè mới, nâng cao khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề học thuật và thực tiễn. Sinh viên của ngành ra trường có thể tự tin làm việc ở những định chế lớn với thu nhập cạnh tranh, được đánh giá cao trên thị trường lao động", cô nói.

Trong hệ thống giáo dục ở Anh, Hong Kong, hay Malaysia thường có các chương trình A-level. Còn tại Mỹ lại có các khóa học nâng cao (Advanced Placement) hoặc các chương trình tuyển sinh kép (Dual Enrollment) để sinh viên được tích lũy kinh nghiệm học tập, làm quen với phong cách giảng dạy và thói quen học ở bậc đại học. 

Do đó, trong điều kiện Việt Nam hiện tại, sẽ cực kỳ hữu ích nếu các thầy cô ở trường phổ thông chuẩn bị trước cho học sinh về những thay đổi phía trước. Và các trường đại học cũng nên có thêm các khóa học về thời kỳ chuyển tiếp để hỗ trợ sinh viên.

Sinh viên cần chủ động thích nghi. Giáo viên cần hiểu được tính chất của thời kỳ này để giúp người trẻ hòa nhập. Những nhà quản lý cũng cần bảo đảm đại học có các chương trình, hệ thống hỗ trợ sinh viên thuận tiện.

Rosie Nguyễn

Bạn đang hoặc từng gặp phải những khó khăn, khủng hoảng nào khi vào đại học, cao đẳng? Hãy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online tại phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi email về email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn.

Khi sinh viên năm nhất bối rối giảng đường Khi sinh viên năm nhất bối rối giảng đường

TTO - Ít sự giám sát từ người lớn, nhiều sinh viên đại học không khỏi bối rối trước tự do mới mẻ của việc toàn quyền sử dụng thời gian theo ý mình.

ROSIE NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sinh viên cô đơn