19/11/2018 14:51 GMT+7

Cần tư duy cởi mở và cái nhìn dài hạn trong giáo dục

CÔNG NHẬT thực hiện
CÔNG NHẬT thực hiện

TTO - Là người Việt duy nhất nhận được học bổng Eisenhower Fellowships năm 2018, tiến sĩ ĐH Stanford Nguyễn Chí Hiếu (CEO Học viện IEG) hiện ở Mỹ để học hỏi, trao đổi với các nhà giáo dục hàng đầu thế giới.

Cần tư duy cởi mở và cái nhìn dài hạn trong giáo dục - Ảnh 1.

TS Nguyễn Chí Hiếu diễn thuyết về chủ đề sáng tạo đột phá tại một hội thảo ở thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) - Ảnh: C.HIẾU

Tiến sĩ 8X dành cho Tuổi Trẻ những tâm tình về giáo dục nhân ngày 20-11.

Tôi muốn tư duy giáo dục của VN bắt kịp với tư duy giáo dục toàn cầu. Đó là tham vọng mà cũng là đam mê và triết lý công việc của tôi.

Nguyễn Chí Hiếu

* Điều anh tâm đắc nhất về giáo dục sau "hành trình" cùng học bổng EF?

- Những cuộc "cách mạng" trong giáo dục - một trong những điều mà tôi học được thông qua chương trình Mọi điều - từ nhỏ đến lớn - dù là một phương pháp dạy học, một chương trình học hay một mô hình trường học... đều cần có sự nhận thức và đồng hành của tất cả những đối tượng "chạm" đến học sinh. Nghĩa là không chỉ các nhà làm chính sách và nhà trường cần thay đổi, mà kể cả phụ huynh và truyền thông đều phải đồng hành để có thể tạo ra bất cứ một đột phá nào trong giáo dục.

Tư duy cởi mở và cái nhìn dài hạn chính là hai yếu tố mà hầu hết các đối tượng trong nhiều môi trường giáo dục còn đang thiếu.

* Cụ thể hơn là gì, thưa anh?

- Có quá nhiều điều để chia sẻ! Tôi viết bài trên trang cá nhân liên tục trong suốt chuyến đi là vì vậy.

Chẳng hạn như tôi vừa có "duyên may" trò chuyện với tiến sĩ Angela Duckworth - một trong những nhà tâm lý học nổi tiếng nhất hiện nay, người giành giải thưởng MacArthur danh giá (được mệnh danh là Giải Thiên tài), diễn giả của một trong những TedTalk "hot" nhất. Bà là giáo sư đại học và đã "ngấu nghiến" hơn 11.000 bài nghiên cứu. Bà có đề cập ý "hãy dạy thật sáng tạo đi, vì chẳng đứa trẻ nào là giống nhau cả".

Bà nêu thí nghiệm khoa học thế này: người ta "thiết kế gen" để cho ra một bầy chuột với bộ nhiễm sắc thể giống nhau 100%, nuôi chung trong một cái lồng và kiểm soát mọi yếu tố bên ngoài sao cho lũ chuột đều có một cuộc sống... y hệt nhau. Nhưng sau khoảng thời gian, mỗi con chuột lại là một bản tính khác nhau.

Con người vốn phức tạp hơn đám chuột đó vạn lần. Vậy mà phụ huynh cứ thích "copy nguyên bản" phương pháp dạy con của ai đó, xem như là một bộ "kinh thánh" đem về áp dụng rập khuôn với con mình.

Đúng là có những nguyên tắc và phương pháp rất hiệu quả, nhưng chúng ta cũng cần tỉnh táo để hiểu rằng: chẳng có phương pháp nào là hiệu quả với 100% trẻ. Đọc là chỉ để tham khảo, hạn chế tin tuyệt đối.

* Một trong những vấn đề các giảng viên thường than phiền là sinh viên Việt thiếu khả năng tự học, tìm tòi nghiên cứu?

- Muốn dạy cho học sinh và sinh viên khả năng tự học thì trước tiên giáo viên cũng cần phải có khả năng tự học. Bản thân tôi mỗi năm đọc không dưới 50 cuốn sách, mỗi tuần đều dành hơn 10 tiếng tìm tòi, nghiên cứu chuyên môn... vì tự thấy "biển học" vô tận. Những giáo viên xuất sắc, thức thời là những người có năng lực tự học.

Yếu tố thứ hai chính là tạo động lực cho học sinh. Và giáo dục là một hành trình rất dài. Để xây dựng một kỹ năng, một tính cách đều cần sự tiếp cận đồng bộ, hệ thống và lâu dài. Đó chính là gieo và nuôi ý tưởng vào đầu học sinh.

Ngoài ra, học sinh sẽ tự khắc có động lực tự học nếu các em được học và làm những điều mình thích. Vấn đề này cần sự thay đổi tổng thể về chương trình học và phương pháp giảng dạy, đánh giá ở nhà trường. Chương trình học cần khơi gợi sự tò mò và không ngừng mở rộng kiến thức cho học sinh. Cách đánh giá không chỉ là đánh giá về độ nhớ bài hay kỹ năng giải đề như lâu nay, mà cần nhìn vào nhiều yếu tố hơn từ năng lực tư duy, sự sáng tạo, kỹ năng hợp tác...

* Trong một bài viết gần đây, anh viết về nỗi sợ, có cả nỗi sợ về con đường đang đi dù khẳng định giáo dục là một lựa chọn đúng và anh từ chối nhiều lời mời làm việc tại nước ngoài...

- Sợ hãi là một cảm xúc bình thường trong cuộc sống. Khi chúng ta thất bại, mệt mỏi hay gặp quá nhiều thử thách, lúc ấy nỗi sợ kéo đến nhanh và mạnh mẽ nhất.

Nhưng tôi không nhìn vào nỗi sợ và lấy đó làm cái cớ để thoái lui mà là cơ hội để "thuần phục" chính mình, là cách để tôi lớn lên.

Đôi khi sợ hãi lại là một điều hay vì nó "thử lửa", gợi nhắc tôi về lý do vì sao mình chọn con đường này. Nói thật, không có sự thay đổi đáng kể nào mà không đi cùng sự lo lắng.

* Hành trình giáo dục của anh hiện đã bớt chông gai?

- Một điều tôi học được trong chặng đường đã qua và sau khi tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia tại EF là con đường sẽ không bớt chông gai hơn. Mỗi bước đi sẽ một khó hơn. Bù lại, chúng ta trưởng thành và "khỏe" hơn về mặt năng lực và tâm lý. Và đặc biệt, một khi đã tìm được đam mê và triết lý trong công việc thì dù con đường có chông gai hơn, con người rất khó từ bỏ.

"Tham vọng" trong tương lai của tôi là xây dựng được những kênh thông tin và bộ công cụ, cũng như những sự kiện, diễn đàn để đưa tư tưởng, phương pháp giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới đến gần hơn với người Việt.

* Phải chăng đó là lý do anh không dừng lại ở con "mọt sách" mà hiện đã bước vào con đường viết sách, trở thành tác giả của những đầu sách gây sốt?

- Viết như là cách để tôi "chuyển biến" triết lý sống và làm việc, những kiến thức khoa học, phương pháp giáo dục học sinh mới mẻ nhất hiện nay thành những điều gần gũi để ai đọc cũng có thể thấm nhuần.

Tôi rất hạnh phúc khi một học sinh hay một phụ huynh đọc câu chuyện tôi kể và ít nhiều hiểu thông điệp được gửi gắm. Ngoài ra, tôi cũng có một lý do cá nhân nho nhỏ: viết như là một liều thuốc tinh thần để tôi trải lòng, tìm thấy chính mình trước bộn bề công việc và cuộc sống. Viết, cũng như đọc, đều là hơi thở của tôi.

* Người thầy nào từng khiến anh cảm thấy ấn tượng, biết ơn nhất?

- Tôi cảm nhận mỗi giáo viên trong cuộc đời đều dạy cho tôi ít nhất một điều gì đó thật sự tốt đẹp. Đó có thể là người dạy con chữ, bài toán, có người thì chỉnh tôi cái tính "ngông", bất cần một thời; người lại cho tôi thấy ý nghĩa của sự tận tụy và cống hiến. Vì vậy, mỗi giáo viên tôi từng học đều tác động đáng kể đến tôi.

Trước khi trở thành tiến sĩ kinh tế tại ĐH Stanford (Hoa Kỳ) năm 27 tuổi, Chí Hiếu từng được chọn là Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh năm 2004, Top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006 khi còn là sinh viên Học viện Kinh tế và chính trị London (Anh). Anh tốt nghiệp thủ khoa MBA tại ĐH Oxford (Anh). Tất cả các chương trình anh đều nhận được học bổng toàn phần.

Năm 2018, Chí Hiếu ra mắt hai cuốn sách Nghiện giấc mơ - Bơ lối mònLàm như lửa - Yêu như đất được nhiều người biết đến.

Eisenhower Fellowships là học bổng ra đời từ năm 1953 do các cá nhân lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực ở Mỹ tài trợ và điều hành, nhằm tưởng nhớ vị cựu tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower. Mỗi năm tổ chức cấp 20-25 suất học bổng trên toàn thế giới.

Thi Anh Đào: "Không phải cứ mở công ty là thành startup" Thi Anh Đào: 'Không phải cứ mở công ty là thành startup'

TTO - Thi Anh Đào - nữ CEO trẻ của công ty tiếp thị số Isobar Việt Nam - cho rằng đang có sự nhập nhằng giữa doanh nghiệp nhỏ (SME) và startup.

CÔNG NHẬT thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên