22/12/2019 13:40 GMT+7

Vườn kơnia 'báu vật' giữa đồng bằng

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Cụ Lê Xuân Hương (93 tuổi, ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) chống gậy đứng dưới bóng mát một cây kơnia lớn, mắt hấp háy niềm tự hào nhìn những ánh nắng len lỏi qua kẽ lá.

Vườn kơnia báu vật giữa đồng bằng - Ảnh 1.

Những cây kơnia cổ thụ trăm tuổi được người dân thôn Hòa Mỹ bảo vệ, gìn giữ cho muôn đời - Ảnh: DUY THANH

Bao đời nay, khuôn viên nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ luôn rợp mát dưới bóng những cây kơnia cổ thụ, thân 1-2 người ôm, tán rộng, đầy tiếng ve ran.

Cụ Hương nói trước kia ở khu vực này có ba khu là rừng Đình, rừng Trong và rừng Ngoài kơnia mọc rất nhiều. "Tôi lớn lên đã thấy nhiều cây kơnia sừng sững rồi" - cụ Hương kể. Nhưng càng về sau, khi nhường đất cho làng mạc, vườn rẫy và cả sự phá phách của "đội quân" lâm tặc... thì các rừng kơnia ở Hòa Mỹ mất dần. "Bây giờ chỉ còn lại hơn 20 cây kơnia này, mấy chục năm nay cả làng gìn giữ như báu vật" - cụ Hương nói.

Người dân Hòa Mỹ kể trước đây có đêm cả làng phục kích, rượt đuổi những kẻ cắp định cưa trộm kơnia. "Những người xấu thường hay cưa trộm để làm đồ mỹ nghệ, hoặc có người khó khăn quá chặt cành nhánh cây để hầm than. Làng chúng tôi làm dữ nên sau đó không lâm tặc nào dám bén mảng, mấy chục cây kơnia còn sót lại ở rừng Đình mới yên thân tới giờ" - ông Văn Đình Bính, trưởng thôn Hòa Mỹ, kể.

Hai năm trước, khi xây dựng nhà văn hóa thôn, cả làng cùng ra "nghị quyết" không đụng vào bất kỳ cây kơnia nào. Nhà văn hóa một thôn nhưng khuôn viên rộng đến 10.000m2 và tường rào vây quanh chủ yếu để bảo vệ vườn kơnia. 

"Hồi làm cái sân thể thao trong khuôn viên nhà văn hóa, nếu để vuông vức cho đẹp thì phải "hi sinh" ba cây kơnia. Cuối cùng, cả làng biểu quyết phải giữ bằng được những cây kơnia mà hàng trăm năm qua bao đời người Hòa Mỹ giữ gìn, chấp nhận cái sân thể thao méo méo một chút" - ông Bính kể lại.

Ông Đào Xuân Huy, phó chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, nói không riêng người dân thôn Hòa Mỹ, mà thị xã cũng thấy tự hào vì có một vườn cây kơnia cổ thụ độc đáo, vô giá được người dân gìn giữ bao đời như vậy...

Ngay cả ở Tây Nguyên - "quê hương" của kơnia - thì loài cây này cũng chỉ còn sót lại một cách lẻ loi, thảng hoặc mới gặp một cây kơnia trong buôn làng. Vậy nên ở giữa một xã đồng bằng lại có cả một vườn kơnia cổ thụ quả là chuyện lạ.

Nếu nhiều nơi khác dùng hoa, cây cảnh, kiểng bonsai... để "làm đẹp" cho khu sinh hoạt cộng đồng thì người dân thôn Hòa Mỹ tự hào vì khiến nhiều khách phương xa ngạc nhiên, thú vị trước khu vườn - rừng kơnia hàng trăm năm tuổi độc đáo của mình.

Ông Trần Đình Trực, người dân gần nhà văn hóa thôn Hòa Mỹ, thổ lộ: "Ông cha chúng tôi đã gìn giữ, bảo vệ vườn kơnia này thì đến đời chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi và con cháu của mình, cả làng này ai ai cũng thấy mình có trách nhiệm, đều chung ý thức phải bảo vệ và chăm sóc cho "khối" tài sản chung quý hiếm này".

Đi tìm “bóng cây kơnia” Đi tìm “bóng cây kơnia”

TTO - “Buổi sáng em lên rẫy, thấy bóng cây Kơ Nia…”, từ câu hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (phổ thơ Ngọc Anh), chúng tôi đã đi tìm xem cây kơnia “mặt ngang mũi dọc” thế nào.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên