26/02/2020 22:22 GMT+7

Vùng hoa hồng Đà Lạt thấp thỏm chờ lễ 8-3

M.VINH
M.VINH

Thấp thỏm, hồi hộp là tâm trạng chung của người trồng hoa, kinh doanh hoa hồng tại vùng hoa Đà Lạt khi dịp lễ 8-3 đang đến gần.

Vùng hoa hồng Đà Lạt thấp thỏm chờ lễ 8-3 - Ảnh 1.

Sản xuất hoa hồng công nghệ cao ở Đà Lạt - Ảnh: M.VINH

Lo lắng là dễ hiểu bởi mỗi năm, người trồng hoa hồng chỉ có 3 dịp để có thể bán hoa hồng với giá cao nhất, số lượng nhiều nhất: lễ Tình nhân 14-2, quốc tế Phụ nữ 8-3 và Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10. Trong khi đó, lễ Tình nhân 14-2 vừa qua vùng hoa hồng Đà Lạt thất thu nặng.

Không có người mua...

Ông Nguyễn Hoàng Đức, giám đốc Công ty hoa Thanh Mai (TP Đà Lạt), cho biết không có năm nào, thị trường hoa lại biến động lớn như năm nay.

Vùng hoa hồng Đà Lạt thấp thỏm chờ lễ 8-3 - Ảnh 2.

Hoa hồng Đà Lạt đổ bỏ sau dịp lễ Tình nhân 14-2 - Ảnh: K.L.

Ảnh hưởng dịch cúm nên sinh hoạt của người dân xáo trộn, việc kinh doanh hoa cũng gặp biến động xấu. Dịp vừa qua, giá hoa hồng không tăng so với ngày thường nhưng không bán được vì không ai mua. Các chợ ở TP.HCM không đặt hàng hoa nên người trồng hoa tại Đà Lạt đổ bỏ một lượng lớn.

“Đợt lễ trước nông dân chủ quan nên cắt hoa ồ ạt, có hộ mỗi ngày cắt khoảng 10.000 hoa. Khi bán không được phải đổ bỏ. Đợt này nông dân rút kinh nghiệm, có đơn hàng tới đâu sẽ cắt bán tới đó. Sẽ vất vả và cập rập hơn nếu có nhiều người mua nhưng đỡ bị áp lực và chi phí xử lý bảo quản hoa sau thu hoạch”

Ông Vũ Văn Minh, nông dân trồng hoa hồng ở làng hoa Vạn Thành cho biết


"Chuyện kinh doanh hoa trong dịp lễ 14-2 là câu chuyện không có người mua chứ không phải chuyện giá cao hay giá thấp. Có nơi hoa đem bỏ ngoài đường, người ta cũng không lấy vì không có nhu cầu tặng giữa thời điểm dịch cúm đang căng thẳng và người dân quá lo âu khi đi ra đường, người kinh doanh hoa chúng tôi đùa là mang hoa hồng bỏ cho heo ăn", ông Đức chia sẻ.

Hi vọng vào lễ 8-3...

Tuy vậy, những người trồng hoa và kinh doanh hoa hồng từ Đà Lạt dù lo âu nhưng có nhận định lạc quan rằng dịp lễ 8-3 thị trường hoa sẽ khởi sắc hơn.

"Dịch cúm được khống chế ở Việt Nam và người dân phần nào an tâm khi đi ra đường, học sinh - sinh viên có thể sẽ đi học lại, những tác động đó giúp thị trường hoa ấm dần lên, thậm chí lượng tiêu thụ sẽ tăng đột biến" - ông Trần Minh Anh, chủ nhiệm làng hoa Vạn Thành, nhận định.

Ông Minh Anh cho biết thêm từ ngày 25-2, tình hình xuất bán hoa đã bắt đầu có nhịp trở lại, đạt khoảng 60% sản lượng ngày thường.

Làng hoa Vạn Thành (P.5, TP Đà Lạt) là nơi cung ứng 90% sản lượng hoa hồng Đà Lạt. Ghi nhận ngày 26-2, nông dân cho hay để chuẩn bị cho lễ 8-3, làng hoa Vạn Thành trồng gần 200ha hoa hồng, dự báo sẽ nở đúng thời điểm do thời tiết năm nay nắng ấm, nhiệt độ ban ngày và ban đêm không chênh nhiều như các năm trước...

Ông Nguyễn Bình Minh, một tiểu thương kinh doanh hoa tại P.5, TP Đà Lạt, cho hay giá hoa sẽ tăng gấp 5 lần ngày thường, tức khoảng 5.000 đồng/hoa nếu các hoạt động đi lại của người dân khôi phục gần mức bình thường. 

Nếu đạt khoảng 3.000 đồng/hoa thì nông dân không lời nhiều nhưng đủ bù cho phần thua lỗ trong dịp lễ Tình nhân 14-2 vừa qua. Theo ông Minh, nhiều tiểu thương tại TP.HCM đã bắt đầu đặt hoa hồng từ Đà Lạt để chuẩn bị cho dịp lễ 8-3, trong khi dịp lễ trước đó không một đơn hàng.

Theo ông Minh, năm nay hết sức khó khăn với người sản xuất - kinh doanh hoa. Trồng hoa không tính đường lời lãi mà toàn phải tính đường thủ để thoát lỗ. Muốn đóng cửa vườn nhưng không được vì hoa hồng cho thu hoạch trong thời gian dài, tới kỳ thì hoa sẽ lớn và phải cắt. Nếu bỏ mặc, nguyên cây hoa sẽ yếu và hư hại dẫn tới lỗ nặng. Dịp lễ quốc tế Phụ nữ 8-3 sắp tới, nếu mua bán được thì làng hoa sẽ lấy lại "phong độ", nếu không sẽ lâm vào cảnh càng làm càng lỗ, cho nên nông dân phấp phỏng chờ từng ngày.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, dù đợt căng thẳng do dịch cúm đang qua, nhưng tình hình kinh doanh hoa của người dân trong dịp lễ và sắp tới gặp nhiều khó khăn, một phần do hoa ngoại nhập cho biên độ lợi nhuận tốt hơn hoa trong nước nên người bán ưu tiên chào bán hoa ngoại nhập. Mặt khác, sức mua giảm ngay cả đối với các mặt hàng tiêu dùng, cho nên sẽ giảm đối với ngành hoa. Cơ quan này dự báo giá hoa hồng Đà Lạt sẽ chỉ tăng nhẹ, tức khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/hoa.

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ: vừa bán chậm, vừa không được giá

hình trong box

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM) vắng lặng do dịch COVID-19 - Ảnh: LINH LAN

Trong thời gian dịch viêm phổi cấp COVID-19, chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM), nơi chuyên bán sỉ lẻ hoa lớn nhất TP.HCM, cũng trở nên vắng vẻ. Thay vì 9h tối mới đóng cửa, 1h sáng mở cửa để nhập hoa và bán lại, thì một số tiệm đã đóng cửa ngay từ 7h tối.

Theo anh Lộc, chủ một shop hoa tại chợ Hồ Thị Kỷ, từ khi có dịch COVID-19, việc buôn bán hoa trở nên ế ẩm, ngay cả ngày rằm, ngày lễ Tình nhân 14-2 vừa qua, hoa vừa bán chậm, vừa không được giá. Nếu mấy năm trước một bó hoa hồng 50 cành bán vào ngày lễ Tình nhân có giá dao động từ 350.000-400.000 đồng thì năm nay chỉ bán được 250.000 đồng.

Với những gì đang diễn ra, anh Lộc dự đoán sức mua hoa dịp 8-3 sắp tới có thể khá trầm lắng, giảm hơn một nửa, nhưng anh Lộc vẫn không giảm số lượng hoa so với mọi năm vì nhà vườn hứa sẽ giảm giá nếu bán ế. Một số tiểu thương khác trong chợ lại quyết định nhập số lượng hoa hạn chế, chốt giá từ sớm, tới ngày lời ăn lỗ chịu.

Nhiều tiểu thương cho biết giá hoa ngày lễ 8-3 năm nay thấp hay cao phụ thuộc phần nhiều vào diễn biến của thông tin từ dịch viêm phổi cấp. Tuy nhiên, dù giá thấp hay cao thì tiểu thương vẫn dự đoán sắp tới đây, doanh thu giảm hơn một nửa.

Ngoài bán lẻ, các cửa hàng trong chợ hoa Hồ Thị Kỷ còn bỏ sỉ cho các mối quen ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phú Quốc (Kiên Giang)... Tuy nhiên, theo các tiểu thương ở chợ hoa, thời gian gần đây phần lớn bạn hàng ở các tỉnh không đặt mua hoa nhiều nữa.

Theo tìm hiểu, nhiều tiệm hoa truyền thống đang chuyển mình trong mùa dịch bằng cách đẩy mạnh kênh bán hàng online, tích cực chụp hình các bó hoa, giỏ hoa đẹp mắt để đăng trên trang Facebook cá nhân, trang Facebook riêng của tiệm hoa.

"Bây giờ, nhiều người bước ra đường chỉ để đi làm, mua đồ ăn rồi về, họ vừa ngại tới chỗ đông người, vừa chắt chiu đồng tiền hơn. Nếu mình cứ ngồi chờ thì không biết khi nào khách tới tiệm mua hoa. Mình phải chủ động tìm khách, hoa có sẵn rồi, chỉ cần chụp hình đăng lên mạng, vừa bớt thời gian rảnh, vừa được đồng nào hay đồng đó" - chị Ly, chủ shop hoa chợ Hồ Thị Kỷ, chia sẻ cách kinh doanh hoa trong mùa dịch.

LINH LAN

Làng hoa Sa Đéc kẻ khóc người cười, thương lái hủy kèo phút cuối Làng hoa Sa Đéc kẻ khóc người cười, thương lái hủy kèo phút cuối

TTO - Năm nay nông dân trồng cúc Pico, cúc đồng tiền, hoa hồng cười tươi phấn khởi, trong khi nhiều loại hoa khác như cúc Đài Loan, mào gà, vạn thọ, cát tường chung tình cảnh ế ẩm.

M.VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên