Phóng to |
Cửu vạn cõng hàng lậu về |
Đêm ở Hang Dơi
23 giờ đêm, chúng tôi bắt xe ôm vào khu vực Hang Dơi. Đây là tuyến đường chuyển hàng lậu ngắn nhất từ chợ Lũng Vài (Trung Quốc) về địa phận Lạng Sơn. Từ nửa tháng nay, đường Hang Dơi bị “cấm vận” (bị lực lượng chống buôn lậu chốt chặn), chủ hàng phải né qua những con đường khác hoặc ém hàng chờ đêm xuống thông đường mới về.
Ngay khoảnh đất trống sát quốc lộ 4 (đường từ Hang Dơi về thị trấn Đồng Đăng), ngược dốc chừng vài chục mét, nơi lằn ranh biên giới từng thùng hàng đóng trong hộp giấy đã chất thành đống lổn ngổn ngay hốc núi, đè rạp cả những bụi cỏ thấp. Ánh trăng giữa tháng vằng vặc soi, bóng cửu vạn cõng hàng lố nhố in trên nền đất. Có đến vài chục cửu vạn, có người mặc độc một manh áo mỏng như chẳng coi cái rét vùng biên vào đâu. Các tay lái Minsk đã nổ máy chờ sẵn từ bao giờ. Từng thùng hàng được chất trên chiếc Minsk cao như một chiếc tủ đứng. Hắn rồ ga, chiếc xe vọt ra giữa lòng đường và phóng thẳng về phía thị trấn Đồng Đăng...
Trương - một cửu vạn - bảo: “Đưa trót lọt một thùng hàng về thị trấn Đồng Đăng, tay lái xe Minsk được 10.000 đồng. Mỗi chuyến thồ được 6-7 thùng, trừ phí cho “chim lợn” (những người chuyên canh đường để báo hiệu có lực lượng chống buôn lậu) nó cũng được cỡ 40.000-50.000 đồng. Ngon ăn hơn cánh cửu vạn nai lưng cõng hàng nhưng dễ bị tóm cả xe như chơi, đường từ đây về Đồng Đăng “liên ngành” (lực lượng chống buôn lậu) tuần suốt...”. Ngồi nghỉ bên lề đường chỉ vài phút, có đến hơn chục chiếc Minsk thồ hàng phi vù vù qua trước mặt chúng tôi. Tiếng động cơ gầm rú làm vỡ tan đêm vùng biên yên tĩnh. Con đường Hang Dơi cứ thế tấp nập từ nửa đêm cho tới sáng...
Bản đồ hàng lậu
Ông Nguyễn Quốc Trưởng, cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết tỉnh vừa áp dụng thông báo mỗi cư dân biên giới khi qua lại cửa khẩu được phép mang theo hàng hóa trị giá 2 triệu đồng trở xuống (qui định trước đây là 500.000 đồng). Theo một cán bộ hải quan, đối tượng buôn lậu đã lợi dụng điều này để tiến hành “buôn lậu hợp pháp”. Rất nhiều cư dân vùng biên có giấy thông hành đã được chủ hàng thuê mang hàng qua đường cửa khẩu một cách đàng hoàng. Còn lực lượng chống buôn lậu thì không thể xác định được đâu là hàng lậu được xách thuê, đâu là hàng được phép mang về theo qui định trên. |
Không chỉ có Hang Dơi, hàng lậu còn đi bằng nhiều con đường khác. Riêng khu vực giáp ranh giữa chợ Lũng Vài (Trung Quốc) và thị trấn Đồng Đăng đã có hàng chục con đường mòn in dấu chân giới buôn lậu của Lạng Sơn như: Ma Mèo, Gốc Bưởi, Gốc Nhãn, đường Đài, 05, 06, Thác Nước, Thác Ném; Bãi Gianh... Những con đường mòn không tên trên bản đồ dày đặc, đan kín nhau như mạch máu. Tất cả đều dẫn về Đồng Đăng.
Rồi từ cái thị trấn được ví như một kho hàng lậu trung chuyển khổng lồ này, hàng lậu được đánh về Lạng Sơn bằng xe “cóc” (ôtô bảy chỗ) hoặc xe Minsk qua quốc lộ 1, đường Khánh Khê - Sông Giáp… hoặc bằng tàu hỏa. Tất cả chu trình vận chuyển này phần lớn do những tay trùm buôn lậu tại Đồng Đăng, Lạng Sơn thực hiện. Các chủ hàng tại Hà Nội, TP.HCM… chỉ cần lên hợp đồng, “trùm” sẽ tự bắt mối, tổ chức cửu vạn, phương tiện để vận chuyển hàng về giao tận nơi.
Đi một vòng qua Bảo Lâm, Đồng Đăng, Tân Thanh..., nơi đâu tôi cũng thấy hàng về tấp nập. Phần lớn là hàng tiêu dùng phục vụ dịp cuối năm như: gà, nội tạng động vật, quần áo may sẵn, vải vóc, chăn màn, hoa quả, bánh kẹo, bát đũa, đèn nháy, đồ điện tử... thậm chí có cả pháo. Tại cửa khẩu Tân Thanh, hàng Trung Quốc được bày bán la liệt với giá rất rẻ trong khu chợ Việt Trung. Những cư dân nơi đây cho biết vào dịp cuối tuần xe du lịch dưới xuôi kéo lên mua hàng đỗ chật cứng cả đoạn đường dài hàng cây số. Bên kia biên giới, chợ Pò Chài và Lũng Vài (Trung Quốc) tấp nập hơn Tân Thanh gấp bội phần. Hàng chất kín trong các kiôt và tràn ra cả lối đi. Từ đây, hàng về VN theo hai lối: qua cửa khẩu (hàng chính ngạch) và qua những con đường mòn (hàng lậu).
Chung sống với hàng lậu
Trụ sở đội II Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn nằm sâu trong con đường dẫn đến ga Đồng Đăng. Lúc chúng tôi đến, hơn một nửa nhân sự của đội đang đi bắt hàng lậu. Đội trưởng đội II Trần Duy Hiệu lấy tập biên bản bắt hàng lậu khoe: “Đây là thành quả hơn hai tấn hàng lậu mà anh em đội phục bắt sáng qua, toàn gà Trung Quốc, trứng gia cầm, nội tạng động vật và hơn tạ thịt bò...”.
Ông Hiệu ví nhiệm vụ chống hàng lậu giống như một cuộc chiến gay cấn và dường như không cân sức vì lực lượng chống buôn lậu quá mỏng, trong khi giới buôn lậu đông như kiến. “Cả đội tôi có tám người nhưng phải phụ trách tới ba huyện giáp biên (Văn Lãng, Tràng Định và Cao Lộc) với hơn 100km đường biên và 16 chợ biên giới. Từ đây đến xã xa nhất là 120km... Nhân lực có vậy nên anh em cứ phải quay như đèn cù” - ông Hiệu nói.
Cũng theo ông Hiệu, một trong những nguyên nhân nữa gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu là chủ hàng thường khoán trắng cho cửu vạn mang vác vận chuyển hàng hóa. Cửu vạn phải đặt cọc tiền cho chủ mới được vận chuyển, để mất hàng phải đền. Bởi vậy khi bị bắt hàng cửu vạn thường chống đối quyết liệt, thậm chí còn tổ chức đánh trả lực lượng chống buôn lậu. Mới đây lực lượng buôn lậu còn tinh vi hơn khi sử dụng cửu vạn là phụ nữ và xe thương binh giả hòng gây khó dễ cho lực lượng khi bị bắt hàng...
Hoạt động buôn lậu trên khắp tuyến biên giới Lạng Sơn như một chứng bệnh nan y, cứ chờ dịp cuối năm lại bùng phát. Và dường như các cơ quan chức năng của Lạng Sơn đã bất lực và đành phải chung sống với buôn lậu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận