28/02/2019 11:21 GMT+7

Vui nhất khi bệnh nhân khỏi bệnh

A LỘC
A LỘC

TTO - "Nghề bác sĩ, vui nhất là khi thấy bệnh nhân khỏi bệnh, về nhà" - bác sĩ Vũ Công Tầm, trưởng khoa phẫu thuật gây mê - hồi sức Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, người đã có 27 năm cống hiến với ngành y, vừa được Sở Y tế Đồng Nai khen thưởng, chia sẻ.

Vui nhất khi bệnh nhân khỏi bệnh - Ảnh 1.

Bác sĩ Vũ Công Tầm thăm khám cho một bệnh nhi sau ca mổ - Ảnh: A LỘC

Mới đây, bé gái L.Đ.N. (13 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, vỡ gan, lách, xuất huyết ổ bụng, gãy xương hở cánh tay, xương đùi, xương chày... tiên lượng rất xấu. Ngay lập tức, lệnh báo động đỏ được phát động triệu tập cả trăm y bác sĩ của nhiều khoa tham gia cứu chữa.

Trăm y bác sĩ cứu một bệnh nhi

Lúc cấp cứu bé L.Đ.N., người thì bóp bóng, người thì bơm máu, người thì băng bó vết thương trong tinh thần rất khẩn trương. Bên trong phòng mổ chỉ 10 phút đã sẵn sàng hoạt động. "Mổ bụng, mổ ngực hay sọ não đã được đưa ra cửa phòng tiếp liệu sẵn rồi, chỉ chờ bác sĩ lên là mổ. Lực lượng gây mê thì chuẩn bị sẵn sàng máy móc truyền dịch, theo dõi monitor... Phải nói tinh thần anh em, hay còn gọi là y đức của y tế mình còn rất cao" - bác sĩ Tầm nhớ lại.

Sau sáu giờ cấp cứu khẩn cấp, sinh mạng của bé gái được giữ lại, nhưng bé vẫn còn rất yếu do các chấn thương quá nặng. Công tác hậu phẫu tiếp tục được lực lượng y bác sĩ trong bệnh viện theo dõi sát sao. Và 10 ngày tiếp theo, bé dần hồi phục và thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong sự vui mừng của thân nhân bệnh nhi cùng toàn thể y bác sĩ trong bệnh viện.

Bác sĩ Tầm chia sẻ thường những ấn tượng về thất bại thì nhớ lâu, còn những thành công thì mau quên. Ông vẫn nhớ như in trường hợp của bé sơ sinh C.T.B.C. ở huyện Định Quán bị tắc tá tràng D4 rất hiếm gặp, suy dinh dưỡng nặng (cân nặng 1,4kg), tiên lượng tử vong cao cần phải mổ gấp. Song do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con trong khi bé bị dị tật quá nặng, phải điều trị lâu dài nên gia đình không muốn bệnh viện thực hiện ca mổ.

Thương cho số phận đứa trẻ, ông đã tìm gặp cha bệnh nhi vừa năn nỉ vừa động viên, giải thích. "Lúc đó tôi đến gặp cha đứa bé phân tích rằng sinh mạng đứa trẻ là rất quý giá. Tôi nói nếu gia đình nghèo thì kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ, sẽ có đủ tiền chữa bệnh. Sau một hồi nài nỉ, cuối cùng người cha của bé cũng đồng ý cho mổ" - bác sĩ Tầm nhớ lại.

Tuy nhiên, mặc dù đã làm hết sức nhưng ca mổ không thành công như mong đợi. Mười ngày sau ca phẫu thuật, bé tử vong do bệnh quá nặng. "Giá mà ca đó sống được thì đúng là niềm vui được trọn vẹn" - giọng ông nghèn nghẹn.

Bệnh nhân ra về, bác sĩ nhẹ nhõm

Bác sĩ Tầm cho biết sau 27 năm trong nghề y không làm giảm bớt nhiệt huyết mà còn giúp ông yêu nghề hơn, hiểu hơn về những phản ứng có phần thái quá của các bậc phụ huynh có con em bị bệnh.

Tuy nhiên, bác sĩ Tầm cho rằng đó không phải là điều khiến ông trăn trở nhất, mà chính lúc bệnh nhi phải tự thân giành giật lại sự sống mới là điều khiến ông luôn lo lắng. Đó là những khi bệnh nhi đã mổ xong, trong giai đoạn hồi sức hậu phẫu. Khi đó, "bàn tay con người không thể với tới" mà tùy vào cơ địa từng bệnh nhi tự hồi phục, bác sĩ cũng chỉ biết chờ đợi. Chỉ đến khi các em khỏi bệnh, khăn gói ra về thì các y bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm.

Ở khoa của bác sĩ Tầm, hầu hết mọi người đã quen với việc đón các bé bị bỏ rơi, không có nhân thân. Có nhiều bé sau khi được mổ còn nằm lại khoa thêm mấy tháng. Các điều dưỡng lại thay nhau lãnh sữa về cho bé uống, chăm sóc, vệ sinh... 

Có một bé còn nằm tới 5 tháng mới được bên trung tâm cô nhi đón về. Điều dưỡng chăm lâu nên cũng mến tay mến chân. "Nhiều lúc bé nhõng nhẽo để được đòi bế, ban đầu còn lo lắng, sau biết ý bé nên không còn lo nữa" - một điều dưỡng trẻ chia sẻ. Còn theo bác sĩ Tầm, chính những ca như vậy thường đem lại niềm vui cho nhân viên y tế dù có vất vả hơn.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên