![]() |
Anh Đức đoạt danh hiệu vua phá lưới V-League. Ảnh NGUYÊN KHÔI |
Với các CĐV VN, việc Anh Đức trở thành vua phá lưới V-League là điều đầy bất ngờ, khó tin. Trước hết là bởi danh hiệu này vốn được xem là “cuộc chơi riêng” của các chân sút ngoại trong hơn 10 năm qua. Giả dụ, nếu phải nêu ra một chân sút nội nào có thể phá sự thống trị của các tiền đạo ngoại, tên Anh Đức cũng sẽ không được nói đến đầu tiên.
Ai dám nghĩ, một chân sút có thành tích ghi bàn bình thường ở V-League nhiều năm qua như Anh Đức, nay đã bước sang tuổi 32 lại có thể ghi 17 bàn/mùa, để giành danh hiệu vua phá lưới. Trong quá khứ, mùa giải Anh Đức ghi nhiều bàn thắng nhất cũng chỉ dừng lại ở con số 12 (mùa 2013).
Đó là chưa kể, Becamex Bình Dương lúc này không còn là một thế lực ở V-League như những năm trước. Một đội bóng kết thúc mùa giải với vị trí thứ 11 chắc chắn không thể cung cấp cho Anh Đức nhiều vệ tinh xuất sắc. Trong bối cảnh đó, thật khó để tin Anh Đức sẽ “nhả đạn” đều đặn chứ đừng nói gì đến danh hiệu vua phá lưới.
Vậy mà, tiền đạo này vẫn gây bất ngờ với danh hiệu vua phá lưới. Anh Đức ghi 17 bàn, đóng góp phân nửa số bàn thắng cho Bình Dương ở V-League khi đã bước sang tuổi 32. Vui cho Anh Đức là cảm xúc chắn chắn phải có nhưng kéo theo đó là nỗi buồn dành cho bóng đá VN. V-League đâu rồi những chân sút trẻ trung và sung mãn?
Đừng ngạc nhiên nếu tuyển VN dự AFF Cup 2018 với niềm hi vọng bàn thắng đến từ đôi chân của “ông già” Anh Đức. Sau rất nhiều năm ca thán về bài toán tiền đạo, bóng đá VN vẫn loay hoay chưa tìm được lối thoát và trở lại một cái tên cũ kỹ: Anh Đức.
Vậy những tiền đạo từng được kỳ vọng thi đấu như thế nào ở mùa giải năm nay? Công Phượng (HAGL) và Đức Chinh (Đà Nẵng) cùng ghi được 7 bàn, chưa bằng một nửa Anh Đức. Văn Toàn thì tìm mãi trong danh sách ghi bàn ở V-League không thấy tên. Hai cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất sau Anh Đức là Văn Quyết (Hà Nội) và Thanh Trung (Quảng Nam) với 9 lần lập công lại không phải là những tiền đạo thực thụ.
Có nhiều người nói rằng, việc các CLB chuộng tiền đạo ngoại đã vô tình giết chết sự phát triển của các chân sút nội. Hoặc giả, các cầu thủ trong nước không thể sánh với những đồng nghiệp ngoại về hiệu suất ghi bàn. Trường hợp của Anh Đức ở CLB Bình Dương đã chứng minh rằng điều ngược lại. Vấn đề là chiến thuật và lối chơi của các CLB quá dễ dãi khi dựa hết vào khả năng hoạt động độc lập của các tiền đạo ngoại to, khỏe và tranh chấp tốt.
Như đội XSKT Cần Thơ, phất bóng lên cho Nsi, Henry hay Sunday để họ tự xử là chiến thuật duy nhất của HLV Vũ Quang Bảo. Ở đội Hải Phòng, cách chơi của Steven và Fagan…là chiến thuật của HLV Trương Việt Hoàng. Hi vọng từ danh hiệu lịch sử của Anh Đức, các CLB sẽ có dịp nhìn lại khả năng của các chân sút nội, từ đó kỳ vọng sẽ có nhiều “Anh Đức” hơn nữa trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận