Sau 15 tháng chiến tranh triền miên, bầu trời trên Dải Gaza cuối cùng đã trở nên yên tĩnh sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực ngày 19-1 vừa qua.
Khi tiếng súng tạm lắng, hàng ngàn người dân Gaza đã được trở về quê hương. Nhưng niềm vui ngắn ngủi của hòa bình nhanh chóng tan biến khi họ chứng kiến cảnh tượng đổ nát: nhà cửa bị san phẳng thành những đống gạch vụn, và nhiều thi thể người thân vẫn còn nằm sâu dưới các đống đổ nát.
Những mất mát khôn tả
Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã đồng ý tạm dừng giao tranh vào lúc 8h30 sáng ngày 19-1 giờ địa phương.
Nhưng lệnh ngừng bắn đã bị trì hoãn khi Hamas không đưa ra được tên của ba con tin người Israel mà họ dự định thả. Israel đã lợi dụng sự chậm trễ này để tiếp tục tấn công TP Khan Younis (phía nam Dải Gaza) khiến ít nhất 19 người chết và làm bị thương 36 người.
Anh Ahmed al-Qudra - 35 tuổi - đã mạo hiểm ra ngoài cùng cậu con trai 16 tuổi Adly và các cô con gái nhỏ của mình sau 8h30 ngày 19-1 để mua một ít thức ăn. Nhưng vào khoảng 10h, một cuộc không kích của Israel đã nhắm vào một chiếc xe gần đó, giết chết hai cha con.
Anh Ahmed và con trai "đã bị giết sau khi họ đã chờ đợi rất lâu để được sống khoảnh khắc cảm thấy an toàn" - người anh họ Mohammed al-Qudra trả lời tờ Washington Post.
Theo ông Mohammed, cảnh tượng các con gái của anh Ahmed khóc bên xác họ có lẽ là "cảnh tàn khốc nhất đối với trái tim tôi mà tôi từng chứng kiến kể từ khi chiến tranh bắt đầu".
Theo Bộ Y tế Gaza, hơn 46.900 người chết và 110.750 người bị thương kể từ đầu cuộc chiến đến nay, phần lớn người chết là phụ nữ và trẻ em.
Chỉ còn lại hoang tàn
Nhiều đoạn video xuất hiện trên mạng cho thấy người dân Dải Gaza đã bắt đầu đi bộ trở về từ khu định cư ven biển Al Mawasi, nơi hơn 1 triệu người Palestine trú ẩn từ hồi tháng 5. Họ hướng đến các thành phố biên giới phía nam Dải Gaza sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Nhưng thành phố mà họ đang hướng về đã phần lớn biến mất.
Ở cực bắc Gaza - nơi quân đội Israel đã chiến đấu với các nhóm Hamas kể từ tháng 10-2024 đến nay, người dân cũng không có nhiều điều để ăn mừng.
"Không có dấu hiệu của sự sống ở phía bắc Gaza [...] Chúng tôi đang nói về một khu vực bị thiêu rụi hoàn toàn. Đống đổ nát và sự tàn phá bao phủ tất cả các ngôi nhà. Hầu như không có một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn" - Ahmed Abu Qamar - một nhà nghiên cứu 34 tuổi đến từ Jabalya (phía bắc Dải Gaza), phải di dời cùng gia đình trong hơn 100 ngày - chia sẻ với tờ Washington Post.
Ngôi nhà của anh ở Jabalya đã "bị phá hủy hoàn toàn", anh nói. Chị gái, anh rể, hai đứa con và 17 người anh em họ của anh đã chết.
Tuy nhiên, Abu Qamar cho biết anh và nhiều người khác trở về đã quyết tâm sống trong lều giữa đống đổ nát trong khi họ xây dựng lại.
"Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã sống sót sau cuộc chiến tranh kinh khủng và tàn bạo này trong 470 ngày qua" - anh nói.
Một chặng đường dài
Người dân Gaza đã thực hiện những bước đầu tiên vào ngày 19-1 để sửa chữa và xây dựng lại quê hương của họ.
Tại hai thành phố Rafah và Jabalya, xe ủi đất bắt đầu dọn đường, trong khi chính quyền địa phương kêu gọi tài trợ quốc tế và thêm thiết bị hạng nặng để khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng ở khu vực.
Cảnh sát dân sự được triển khai trên khắp vùng đất này để chỉ đạo giao thông và bảo vệ các đoàn xe cứu trợ.
Theo ông Adham Shuhaibar - chủ sở hữu của một công ty vận tải Palestine, sự hiện diện của họ đã giúp việc phân phối thực phẩm và các loại hàng cứu trợ khác dễ dàng hơn.
Theo thỏa thuận ngừng bắn, 600 xe tải - gồm 550 xe chở hàng cứu trợ và 50 xe chở nhiên liệu - sẽ tiến vào Dải Gaza mỗi ngày.
"Mọi người đều hợp tác rất tốt với chúng tôi để vận chuyển nhu yếu phẩm và nhiên liệu" - ông Georgios Petropoulos - người đứng đầu bộ phận Gaza của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) - tuyên bố chiều ngày 19-1, theo Washington Post.
Tuy nhiên Liên hợp quốc cũng đã cảnh báo rằng việc tăng cường phân bổ viện trợ sẽ "chỉ là khởi đầu" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc ở vùng đất này, nơi các cuộc không kích của Israel đã tàn phá nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn và điều kiện sống "không thể diễn tả được", theo Đài CNN.
Ông Tom Fletcher - phó tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp của OCHA - kêu gọi các quốc gia "có ảnh hưởng đến các bên đảm bảo rằng viện trợ cứu sinh này đến được với những người cần nó nhất".
"Đây là khoảnh khắc hy vọng to lớn - mong manh nhưng quan trọng - khi chúng ta tiếp tục vượt qua những phức tạp của những ngày và tuần tới" - ông Fletcher nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận