GS.TS Trần Văn Khê và soạn giả Viễn Châu trên sân khấu Làn điệu phương Nam tại Nhà hát TP - Ảnh: Thanh Hiệp |
Các con soạn giả Viễn Châu đều tin ông đã khỏe mạnh, chờ ngày được ăn cái tết sum vầy khi các con từ Đức, Mỹ, Úc đều quay về.
“Cái tết 92 tuổi của ba tôi, nhưng với anh em chúng tôi là cái tết ý nghĩa nhất, bởi hiếm khi có đủ mặt bên cha” - nhạc sĩ Trương Minh Châu, con trai của ông, xúc động nói. Vậy mà...
Hung tin về sự ra đi của soạn giả Viễn Châu khiến cho những nghệ sĩ gọi ông là thầy bật khóc. Trên đường từ TP.HCM về Bạc Liêu biểu diễn, NSND Ngọc Giàu xúc động: “Trời ơi, sao thầy không nán lại, ăn thêm cái tết sum vầy với con cháu!”.
NSND Lệ Thủy, đôi chân bị thấp khớp bắt đầu đi đứng khó khăn, kể: “Tôi gặp thầy thì câu trước câu sau đã nghe thầy dặn: Bây đi hát nhiều, cần bóp thuốc đôi chân, tối về nấu nước nóng ngâm muối hột, tốt lắm. Đừng có ỷ sức mình mà không chăm sóc sức khỏe. Vậy đó, mà nay thầy đã bỏ tôi mà đi”.
NSƯT Diệu Hiền nghẹn lời: “Không ai có thể cướp mất thầy của tôi, ông vẫn sống, hồn của ông vẫn ở trong trái tim những ai còn yêu cổ nhạc”.
NSƯT Út Bạch Lan thì ôm trong lòng tấm ảnh chụp chung với thầy: “Vậy là tết năm nay thiếu vắng tiếng cười của thầy. Bài ca cổ Hoa lan trắng thầy viết cho tôi mãi mãi là bảo vật thiêng liêng”.
NSƯT Giang Châu, giọng ca kế thừa “Tư Ếch” Văn Hường đi lên từ vọng cổ hài, nói: “Bài ca cổ Vợ tôi tôi sợ, Trùm sò đi thăm sui gia đã là hai bảo bối cho tôi có cơ duyên đi diễn ở Mỹ, bà con kiều bào khoái chí, đi đến đâu cũng được yêu cầu.
Mang ơn chú bảy Viễn Châu, ông ngồi trên ngai vàng nhưng gần gũi nghệ sĩ lắm, đo ni đóng giày để chúng tôi ca diễn đúng với sở trường”.
Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu do cố nghệ sĩ Út Trà Ôn trình bày là một trong những tác phẩm được công chúng yêu thích nhất. Ảnh tư liệu. |
Tài năng danh cầm và sáng tác của vua vọng cổ Viễn Châu không có gì bàn cãi, ông sở hữu nhiều danh hiệu từ dân gian ban tặng, để đến nay từ khắp mọi miền đất nước, ra đến tận trời Âu, trời Mỹ, nơi nào có người Việt thì nơi đó vẫn có người nghêu ngao các bài vọng cổ ông viết: Tu là cội phúc, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tình anh bán chiếu, Gánh bưởi Biên Hòa, Lá trầu xanh, Tần Quỳnh khóc bạn, Trụ vương thiêu mình...
Sự nghiệp đồ sộ như thế, cạm bẫy để vướng vào tình ái rất nhiều. Nhưng hơn ai hết ông tỉnh táo nhận biết: “Nếu tôi thuộc về quyền sở hữu của bất kỳ cô đào hát nào, thì tôi sẽ ăn no tối ngày lo lăng xê vợ mình, sẽ không có thể sáng tác đủ thể loại, rồi còn viết truyện nhiều kỳ cho các báo, phụ trách cả những trang kịch trường thời đó”.
Ông từng nói và cho biết từng từ chối rất nhiều cô đào, thậm chí có cả những mối tình chớm nở nhưng che giấu đằng sau những toan tính, thì ông là người “vác cây đàn đi trước” - như lời ông thường tự trào.
Vĩnh biệt một nhân cách lớn, người nghệ sĩ từng đương đầu trước sóng gió khi ông sáng tác thể loại tân cổ giao duyên, bị một số ký giả cho là “phá hư bản vọng cổ chính thống”. Nhưng rồi cách khám phá của ông vẫn được công chúng, thính giả chấp nhận.
Vĩnh biệt một bậc thầy nhìn ra góc cạnh để khai thác triệt để bài ca cổ, để người đời có thêm thể điệu vọng cổ hài, để công chúng yêu mến Tư Ếch Văn Hường, nghệ sĩ Hề Sa, Phú Quý, Giang Châu...
Vĩnh biệt ông, người thầy đáng kính của các lò đờn ca tài tử, nhiều tài năng ca cổ vùng miền nhờ bài ca cổ của ông mà thăng hoa trên sân khấu chuyên nghiệp. Và vĩnh biệt ông, một nghệ sĩ bình dị, dùng số tiền nhuận bút ít ỏi để làm việc thiện, nhưng chưa bao giờ ông kể lể, phô trương.
Nghiêng mình trước ông để thấy sự nghiệp sáng tác ca cổ và kịch bản cải lương đúng tầm, đúng chất văn học, nâng cao tính thẩm mỹ trong đời sống văn hóa hôm nay đang là một mảng trống quá lớn.
Thế hệ kế thừa có chăng là sự hổ thẹn khi nhìn lại sự nghiệp đồ sộ với 70 kịch bản để đời và hơn 2.000 bài vọng cổ. Nhớ đến ông để nghêu ngao ca “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi, đường dài mịt mù em không tới nơi, mây nước buồn cơn lửa binh, hết nói chuyện chung tình, khóc than riêng em một mình”...
Soạn giả Viễn Châu sinh năm 1924 tại Trà Cú, Trà Vinh, tên thật là Huỳnh Trí Bá. Lễ viếng soạn giả Viễn Châu diễn ra từ sáng ngày 2-2 tại nhà riêng của ông: 8/11 Trần Hưng Đạo, Phường Cầu Kho, Q.1, TP. HCM. Lễ truy điệu diễn ra lúc 6g ngày 4-2 (tức 26 tháng chạp năm Ất Mùi), sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận