Trong tập 3 mùa 2 (ngày 7-10-2022), cố vấn chương trình Vua tiếng Việt là tiến sĩ Đỗ Thanh Nga giải thích câu "Lộng giả thành chân" rằng: "Đây là câu thành ngữ Hán Việt. Lộng có nghĩa là trò đùa; Giả có nghĩa là cái điều không có thật; Thành là biến thành; Chân là sự chân thật".
"Lộng giả thành chân" là gì?
Như vậy, "lộng giả thành chân" giải thích là "Trong cuộc sống đôi khi có những điều người ta nói đùa thái quá thì đến một lúc nào đấy cái điều tưởng như là đùa ấy nó sẽ biến thành thật. Nó cũng mang một cái hàm ý là trong cuộc sống những điều giả dối cứ tiếp diễn thì dần dần nó cũng biến thành bản chất thật sự của con người đó".
Nhưng theo nhà nghiên cứu, tác giả sách Hoàng Tuấn Công, lời giải thích trên không chính xác.
Ông viết: "Từ khóa cực kỳ quan trọng đã bị giải thích sai, đó là từ "lộng". "Lộng" 弄 trong câu "Lộng giả thành chân" không có nghĩa là "trò đùa", mà có nghĩa là "biến", "khiến", "làm cho".
"Lộng giả thành chân" có nghĩa là: Biến giả thành thật; làm cho cái giả thành cái thật (Cũng cần lưu ý thêm, "chân" ở đây là "thật", không phải là "chân thật" như giải thích). Và, đây là một âm mưu, thủ đoạn, chứ không có chuyện đùa cợt, hay đùa quá hóa thật gì cả".
Ông cũng cho rằng cái sai câu "Lộng giả thành chân" tồn tại trong rất nhiều sách vở, từ điển khác. Tuy nhiên, bằng những lời giải thích trên sóng đài quốc gia đã "góp thêm" vào quá trình truyền bá cái sai một cách rộng rãi hơn nữa.
"Dúm dó", "lang lổ"
Ở tập khác, Vua tiếng Việt (phát ngày 30-9-2022) yêu cầu người chơi lựa chọn một trong hai cách viết được coi là đúng chính tả: "dúm dó" hay "rúm ró". Câu trả lời của người chơi là "dúm dó" và MC nói sai, đáp án đúng của chương trình là "rúm ró".
Tuy nhiên, theo ông Công, "dúm dó" không sai chính tả. Ông cho rằng "dúm; dăn dúm; dúm dó…" được xếp vào loại phương ngữ, và người làm từ điển chính tả không coi cách viết "dúm dó" là sai, mà chỉ đưa ra lời khuyên là nên viết "rúm ró" (phổ thông hơn).
Bên cạnh đó, chương trình Vua tiếng Việt cho rằng viết "lang lổ" là sai chính tả, nên ra đề yêu cầu viết lại từ này cho "chính xác". Và sau khi người chơi "viết lại" thành "loang lổ", liền được Vua tiếng Việt chấp nhận là đúng.
Tuy nhiên, ông Công khẳng định đây là lỗi sai của Vua tiếng Việt vì "lang lổ" và "loang lổ" là hai từ khác nhau, không phải do viết "loang lổ" sai chính tả mà thành ra "lang lổ".
Ông giải thích "lang" chỉ những đám trắng loang lổ trên bộ lông hoặc ngoài da. Còn "loang" chỉ những vết bẩn, vết ố lan dần, thấm dần ra.
Theo đây, nếu tinh tế trong dùng từ, ta sẽ cảm nhận ranh giới giữa các màu sắc đan xen của "lang lổ" nó rõ ràng hơn; trong khi với "loang lổ" thì các loại màu của vết bẩn thường hòa quện, đan xen vào nhau, không có ranh giới rõ ràng.
Nếu hiểu như vậy, "lang lổ" và "loang lổ" là hai từ gần nghĩa, không từ nào sai.
Cố vấn chương trình lên tiếng
Trả lời Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - thành viên ban cố vấn Vua tiếng Việt - thừa nhận: "Những phát hiện trên của ông Hoàng Tuấn Công hầu hết đều chính xác. Đó là những thiếu sót mà chương trình mắc phải do một khâu, một bộ phận nào đó chưa chu toàn. Đó là những điều cần rút kinh nghiệm.
Tôi muốn nói lời cảm ơn với nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, người đã dành thời gian và công sức để xem các chương trình Vua tiếng Việt và có những góp ý xác đáng. Ê kíp thực hiện lúc nào cũng sẵn sàng tiếp thu những đóng góp mang tính xây dựng".
Tuy nhiên, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ muốn trao đổi thêm về thành ngữ Hán Việt "Lộng giả thành chân". Theo ông Vũ, ông Hoàng Tuấn Công đã giải nghĩa rất đúng theo sách vở kinh điển về chú giải từ ngữ, thành ngữ tục ngữ Hán Việt. Nhưng cũng như nhiều đơn vị khác, thành ngữ Hán Việt này khi được tiếng Việt vay mượn và đi vào sử dụng trong đời sống sinh hoạt của người Việt thì sắc thái có ít nhiều biến đổi.
Cụ thể, trong nguyên bản Hán ngữ, câu này có những sắc thái đánh giá, phê phán về mặt đạo đức, đúng như ông Công đã nói là thể hiện một "âm mưu, thủ đoạn". Còn trong đời sống sinh hoạt người Việt, câu này có thể được sử dụng với sắc thái nhẹ nhàng hơn, nhiều khi mang tính chất vui đùa. Ở trường hợp này, "lộng giả thành chân" diễn đạt được một nội dung "từ chuyện đùa hóa chuyện thật", "biến đùa thành thật".
Và như thế, ông Vũ cho rằng cách giải thích của tiến sĩ Đỗ Thanh Nga tuy thiếu sót khi chưa chỉ ra được "lộng" có nghĩa là "làm cho" nhưng vẫn nói lên thực tế sử dụng của từ này trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Bản thân chữ "lộng" trong từ điển Hán Việt cũng có một ý nghĩa là "trêu chọc/trêu đùa/đùa giỡn".
Tên gọi "Vua tiếng Việt" có hợp lý?
Bên cạnh đó, một số khán giả cho rằng tên chương trình "Vua tiếng Việt" có phần to tát so với một game show truyền hình, không nên dùng chữ "vua".
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ trả lời: "Về việc nhiều người tỏ ra khó chịu với cái tên Vua tiếng Việt, tôi đã biết từ lâu. Một trong những người đầu tiên phản đối tên chương trình đã đưa ra quan niệm: Không ai có khả năng hiểu biết tiếng Việt đến mức có thể xưng vua được cả".
Tuy nhiên, theo ông Vũ, chữ "vua" ở đây không mang nghĩa kiêu ngạo mà chỉ là danh hiệu cho người chiến thắng game show nhằm tôn vinh một cách vui vẻ. Nhưng để hài hòa với nhiều luồng ý kiến, ông Vũ cho rằng tên chương trình nên thêm dấu ngoặc kép thành "Vua" tiếng Việt. Chữ "vua" lúc này được dùng theo nghĩa hẹp và tương ứng với hoàn cảnh.
"Không người Việt nào biết mọi thứ về tiếng Việt"
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nói: "Không người Việt nào dám vỗ ngực tin rằng mình hiểu biết tất cả mọi điều về tiếng Việt. Bản thân việc tổ chức ra được một chương trình như hiện nay cũng là một nỗ lực rất lớn của ê kíp. Format này do chúng ta sáng tạo ra chứ không phải đi mua hay mô phỏng từ một chương trình nào của nước ngoài.
Đây là một chương trình có ý nghĩa tích cực về mặt giáo dục, về mặt văn hóa, giúp cho mọi người thêm yêu tiếng Việt, đặc biệt có ý nghĩa thiết thực với học sinh sinh viên, với những người Việt sống xa Tổ quốc. Tôi tin đa số khán giả không vì một số lỗi nhỏ, một số sơ suất mà phủ định toàn bộ những mặt đóng góp của chương trình này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận