24/06/2014 06:20 GMT+7

"Vua tào phớ" đất Hà thành

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Sau bốn năm gầy dựng sự nghiệp cùng chiếc cối đá tự chế, Lê Hồng Sơn (36 tuổi) đã có trong tay chuỗi tám cửa hàng kinh doanh tào phớ (tàu hũ đá) ở đất Hà thành.

Hai cử nhân kiến trúc khởi nghiệp từ... thỏKhởi nghiệp từ... nhà để xe Đừng say sóng khởi nghiệp

k5IwobS6.jpgPhóng to
Lê Hồng Sơn bên chiếc cối đá xay đậu nành do chính anh thiết kế - Ảnh: Tiến Thắng

Với người dân Việt, món ăn giải khát từ đậu nành như “tào phớ” hay “tàu hũ đá” theo cách gọi của người Sài Gòn không còn lạ lẫm. Bởi đó là món ăn du nhập nhưng lại gắn bó lâu đời với người dân lao động. Món ăn dân dã, truyền thống ấy nay đã lên đời phố thị từ rất lâu. Nhưng với Lê Hồng Sơn, người được mệnh danh “vua tào phớ” Hà Nội, anh yêu tào phớ theo cách riêng, vừa truyền thống vừa phố thị!

Xay đậu nành bằng cối đá

Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, chàng trai gốc Hải Dương quyết bám trụ lại Hà Nội để nuôi ước mơ khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh. Cơ duyên đầu đời của Sơn đã gắn với... đậu nành. Ban đầu, Sơn làm việc cho một công ty chuyên cung ứng các thiết bị chế biến sữa đậu nành tại Hà Nội. Công việc đưa đẩy đã khiến Sơn dần mê món ăn, uống từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ và nhất là tào phớ.

“Đó là món ăn bình dân, bổ dưỡng và quen thuộc. Ngày đó, mỗi lúc đi ngang những hẻm chợ có món ăn dân dã này, tôi đều nán lại ăn một bát tào phớ nóng hổi có vị gừng thơm ngọt, béo ngậy. Cộng với việc đang làm việc cho công ty về thiết bị chế biến sữa đậu nành, cuối năm 2009 tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu món ăn đã trót mê này” - Lê Hồng Sơn bộc bạch.

Đầu năm 2010, Lê Hồng Sơn mở cửa hàng đầu tiên bán tào phớ, sữa đậu nành ở khu tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa, Hà Nội. Để thu hút khách, suốt hai tháng đầu tiên, tào phớ và sữa đậu nành chỉ sản xuất để đi... cho những người hàng xóm hay bất kỳ ai được giới thiệu đến cửa hàng “Vua tào phớ”. “Được mời nhiều quá, hàng xóm truyền tai nhau bảo tôi: Mày bán đi chứ cho mãi ăn, uống ngại lắm!”, Sơn dí dỏm kể. Vậy là đã có lý do chính đáng từ sự hối thúc của khách hàng cho “Vua tào phớ” ra đời. Đây cũng là “chiến lược” kinh doanh mà đến tận hôm nay Sơn vẫn giữ. “Bất kỳ cửa hàng nào của “Vua tào phớ” khai trương, mọi người đều được thưởng thức miễn phí trong vòng từ một tuần trở lại” - Sơn chia sẻ.

Câu chuyện chiếc cối đá chạy bằng môtơ điện cũng là một điểm mốc đánh dấu sự lớn mạnh của “Vua tào phớ”. Kinh nghiệm từ việc kinh doanh máy làm sữa đậu nành nhập khẩu khiến Sơn nhận ra bài toán “chất lượng” đang bỏ ngỏ ở thị trường. Sơn nhận thấy việc xay đậu nành từ cối đá luôn cho chất lượng ngon nhất. Lý do là khi quay bằng cối đá với vận tốc chậm, lực ma sát giảm nên dinh dưỡng trong sữa đậu nành không bị chuyển hóa hoặc bị làm chín trong quá trình xay. Vậy là Sơn mày mò chế tác, đặt mua chiếc cối xay đá làm sữa đậu nành mà Sơn khẳng định chỉ có “made by Vua tào phớ” để làm sữa đậu nành và tào phớ. “Chiếc cối đá đã mang lại vị ngon rất riêng cho sữa đậu nành hay bất kỳ sản phẩm nào của “Vua tào phớ” so với những nơi khác.

Hiện tại toàn bộ quy trình sản xuất của “Vua tào phớ” đều dựa trên năng suất của bốn chiếc cối đá, cung cấp nguyên liệu làm tào phớ, sữa đậu nành cho tám cửa hàng tại Hà Nội.

Để lại câu chuyện cuộc đời

Đã có khá nhiều cửa hàng ăn uống dưới dạng chuỗi của Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường ẩm thực Việt. Có thể kể đến như Phở 24, chuỗi cơm kẹp VietMac hay gần đây là Bánh Mì Việt tại TP.HCM... Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Đạo, chủ nhân chuỗi cửa hàng Bánh Mì Việt tại TP.HCM, nói: “Trong điều kiện kinh tế bị chựng như hiện nay, kinh doanh chuỗi là cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Nhất là với đồng vốn còn eo hẹp và khả năng quản trị còn phải học hỏi nhiều của doanh nhân khởi nghiệp trước sự tấn công ào ạt của các thương hiệu thức ăn chuỗi ngoại nhập”.

Nhận ra những thách thức đó, Lê Hồng Sơn khẳng định về chiến lược kinh doanh của mình: “Tôi xác định thị trường của mình phải là người Việt. Khắc sâu thương hiệu bằng chất lượng và dịch vụ được nâng cấp hiện đại như giao dịch online, giao hàng tận nơi, cung cấp với số lượng lớn đang là chiến lược của “Vua tào phớ”. Sản phẩm đã vào các trung tâm thương mại lớn như Parkson, Lotteria nhưng doanh thu chưa khả quan lắm. Tôi duy trì vì đó là chiến lược thương hiệu lâu dài”.

“Tôi có hai con gái. Ngoài đam mê kinh doanh, tôi còn muốn để lại cho con cái câu chuyện của đời mình đó là “Vua tào phớ”. Nó nhắc nhở về ý chí lập thân, vượt khó của cuộc đời tôi. Hơn hết, đó là kỳ vọng “Vua tào phớ” sẽ đi xa hơn trong tương lai. Vốn để dành ấy, tôi để lại cho hai con gái và hi vọng con mình sẽ tiếp tục đam mê, kỳ vọng của cha với thương hiệu “Vua tào phớ”. Không chỉ ở Hà Nội, không chỉ với người Việt mà còn có thể đi xa hơn đất nước này” - Lê Hồng Sơn bộc bạch.

Nghĩ tới Burger King, McDonald’s...

Tại sao là “Vua tào phớ”? Ngay từ khi gầy dựng thương hiệu, Lê Hồng Sơn đã mê những câu chuyện thần kỳ về Burger King hay McDonald’s... Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là hoài bão tương lai sẽ sánh ngang với những món thức ăn nhanh ngoại của “Vua tào phớ” Hà thành.

Đã có rất nhiều lời đề nghị nhượng quyền thương mại “Vua tào phớ” với giá tiền tỉ nhưng Lê Hồng Sơn vẫn lắc đầu. Bài học từ nhiều thương hiệu chuỗi đã khiến Sơn do dự và quyết tâm gìn giữ “Vua tào phớ” cho đến khi nhìn thấy một cộng sự thật sự tâm huyết để trao gửi thương hiệu mà anh gầy dựng.

(Bài viết cộng tác cho mục Khởi nghiệp xin gửi về nhipsongtre@tuoitre.com.vn, dangdaitt@gmail.com)

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên