02/11/2019 12:43 GMT+7

'Vựa lúa lớn nhất, cá tôm nhiều nhất nhưng hạ tầng, nhà cửa tệ nhất'

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TTO - "Chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất mâu thuẫn và nghịch lý ở ĐBSCL: vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng (lại) kém nhất, nhà ở tệ nhất"

Vựa lúa lớn nhất, cá tôm nhiều nhất nhưng hạ tầng, nhà cửa tệ nhất - Ảnh 1.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo dõi Quốc hội thảo luận trong kỳ họp này nhiều cử tri đặc biệt quan tâm đến những ý kiến về thực trạng và dự báo tương lai đầy khó khăn cho vùng ĐBSCL.

Nơi lo an ninh lương thực cả nước đang là nơi "trũng" nhất về giao thông, về giáo dục; nơi các ngành nghề truyền thống đang ngày khó khăn và tương lai không xa sẽ là nơi ngập sâu nhất.

"Chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất mâu thuẫn và nghịch lý ở ĐBSCL: vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng (lại) kém nhất, nhà ở tệ nhất" - đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) thẳng thắn nêu thực trạng kinh tế - xã hội còn khó khăn ở ĐBSCL.

Là "người trong cuộc", ông nhận định: tuy là vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu với tiềm năng to lớn nhưng thực tế phần lớn cảng biển ở ĐBSCL hiện là cảng quy mô nhỏ, thiếu cảng chuyên dụng container. 

Vì vậy, hiện nay 70-80% hàng hóa sản xuất từ khu vực này phải dồn ngược về TP.HCM bằng đường bộ để xuất khẩu, vừa làm đội chi phí, giá thành, lại vừa gia tăng áp lực (nhiều mặt, nhất là giao thông) cho tuyến giao thông từ ĐBSCL về TP.HCM. 

Mặt khác, các trục đường bộ dọc và ngang ở khu vực ĐBSCL chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch đã duyệt. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kéo dài đã kéo giảm tốc độ phát triển vùng này.

Còn có một "cái nhất" nữa đã được đại biểu tỉnh Kiên Giang Châu Quỳnh Dao lưu ý với Quốc hội: ĐBSCL vẫn đang là vùng trũng về lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Bà dẫn chứng các số liệu cho thấy số phòng học và mức đầu tư cho giáo dục - đào tạo, nhất là khối mầm non, khối THPT ở ĐBSCL rất thấp. 

Mức ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình, dự án giáo dục của vùng này cũng thấp hơn so với các vùng khác... Cái trũng giáo dục - đào tạo của ĐBSCL thể hiện rất rõ qua tỉ lệ học sinh bỏ học chiếm tới 55,1% cả nước, trong khi dân số chỉ chiếm gần 20%!

Cảnh báo của Tổ chức Climate Central, chỉ sau chừng 30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng nhanh, nước biển dâng cao cùng sụt lún. 

Nhiều vùng đất Nam Bộ sẽ thấp hơn mặt nước biển và ĐBSCL sẽ là nơi hứng chịu hậu quả trước tiên và nặng nề nhất. Phần lớn ĐBSCL đứng trước nguy cơ bị ngập nước trong tương lai gần. Bởi vậy, cần những giải pháp đột phá, đủ mạnh và hữu hiệu, vùng trũng ĐBSCL sẽ vẫn tiếp tục thêm nhiều "cái nhất" thiệt thòi, khó khăn.

GDP và tổng thu ngân sách trên địa bàn (năm 2019 chỉ chiếm gần 6% cả nước) vùng ĐBSCL vẫn còn rất nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng thủy sản, trái cây và nguồn cung lao động lớn cho nội vùng và vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL có vai trò đặc biệt "lo cho cái dạ dày" - an ninh lương thực của quốc gia gần 100 triệu dân. 

Tìm giải pháp tháo gỡ những "nút thắt", nhất là về giao thông vận tải và giáo dục - đào tạo, cho ĐBSCL là chuyện không thể trì hoãn. Làm ngay việc này, nghĩ cho cùng, vì lợi ích sống còn của quốc gia chứ không phải lợi ích chỉ riêng của ĐBSCL.

Khó khăn nhất ở ĐBSCL trước nay là thiếu vốn đầu tư giao thông mà câu chuyện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau cả chục năm vẫn "chưa thấy đâu" là điển hình. 

Song, lý do "đói vốn" của dự án có tổng mức đầu tư trên dưới 12.000 tỉ đồng này sẽ không phải là chuyện quá khó nếu các cấp ngành và trung ương cùng "xắn tay vào cuộc" với tinh thần trách nhiệm cao nhất với vựa lúa đồng bằng, nhất là khi sinh kế ĐBSCL đang khó khăn.

Kết thúc kỳ họp này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về đánh giá tình hình năm 2019 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020. Riêng đối với vùng ĐBSCL, mong rằng Quốc hội, Chính phủ sẽ có những quyết sách, giải pháp khả dĩ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng tốc phát triển cùng cả nước. 

Tiếp sau đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở ra sinh kế mới để sống chung với các kiểu tác hại từ biến đổi khí hậu, sạt lở, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và đời sống người ĐBSCL.

Ông Thạch Phước Bình (Trà Vinh) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ cần quan tâm đặc biệt đẩy nhanh các dự án cấp bách ở ĐBSCL, nhất là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2 và cầu Rạch Miễu, dự án cao tốc phía đông trong tương lai.

Chống sụt lún ĐBSCL, phải giải bài toán nước ngầm Chống sụt lún ĐBSCL, phải giải bài toán nước ngầm

TTO - Khai thác nguồn nước ngầm là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sự sụt lún này đã được các chuyên gia mổ xẻ tại Đại sứ quán Hà Lan ở Hà Nội hôm 24-10.


NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên