03/04/2008 02:20 GMT+7

Vừa đi bộ thể dục vừa nghe nhạc tốt hay xấu?

Lê Xuân
Lê Xuân

TT - Tôi bị bệnh tăng lipid máu và tăng huyết áp vẫn uống thuốc hằng ngày và tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Tôi có thói quen đi bộ thể dục vào mỗi buổi sáng sớm và tối mỗi lần hơn 40 phút. Để thư giãn khi đi bộ tôi thường nghe nhạc bằng tai nghe qua USB. Xin hỏi bác sĩ việc nghe nhạc như thế có làm ảnh hưởng đến kết quả tập thể dục và sức khỏe không?

xgQsv62q.jpgPhóng to

Ảnh: N.C.T.

TT - Tôi bị bệnh tăng lipid máu và tăng huyết áp vẫn uống thuốc hằng ngày và tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Tôi có thói quen đi bộ thể dục vào mỗi buổi sáng sớm và tối mỗi lần hơn 40 phút. Để thư giãn khi đi bộ tôi thường nghe nhạc bằng tai nghe qua USB. Xin hỏi bác sĩ việc nghe nhạc như thế có làm ảnh hưởng đến kết quả tập thể dục và sức khỏe không?

- BS Tô Minh Châu (Hội Y học thể thao TP.HCM):

Tình trạng tăng huyết áp kết hợp với tăng lipid máu của bạn được điều trị bằng thuốc và tập đi bộ là thích hợp. Nếu không bị các bệnh ảnh hưởng đến vận động như đau khớp, đau thắt ngực, suy tĩnh mạch hạ chi... thì hãy chọn đi bộ vì đơn giản và dễ tập. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến cường độ luyện tập sao cho không quá ít hay quá nhiều vì cả hai trường hợp đều không có lợi. Với sức khỏe của bạn, nếu muốn đi bộ 40 phút hai buổi mỗi ngày thì chỉ nên đi 2-3km cho mỗi buổi dựa trên mức độ chuyển hóa năng lượng trung bình.

Đồng thời bạn nhớ kiểm soát nhịp tim vào khoảng 40-50% nhịp tim tối đa (bằng 220 - số tuổi của bạn). Ví dụ bạn 50 tuổi, nhịp tim khi tập đi bộ nhớ duy trì trong khoảng 68-85 nhịp/phút. Cách dễ nhất là bạn đếm nhịp đập mạch cổ tay trong 6 giây rồi thêm số 0 vào phía sau là có nhịp tim trong một phút, rồi từ đó điều chỉnh tốc độ cho phù hợp. Bạn cũng nhớ đo lại huyết áp sau khi tập để chắc chắn không bị tăng quá cao.

Nghe nhạc cùng với tập thể thao giúp đầu óc sảng khoái, cơ thể trẻ trung và tăng sự hồi phục cho hệ tim mạch. Người tập đi bộ và nghe nhạc có khuynh hướng luyện tập siêng năng, đều đặn hơn và khó bỏ thói quen tập thể thao. Mức độ tập của bạn vào khoảng 100-120 bước/phút, do đó bạn có thể chọn loại nhạc có nhịp độ tương ứng với bước đi. Bạn sẽ tìm được rất nhiều bài nhạc dành cho thể thao trên Internet với các từ khóa "music", "sport", "walking".

* Uống thuốc chữa suy giáp có ảnh hưởng đến thai nhi?

Cách đây ba năm, tôi đã điều trị bệnh cường giáp bằng iôt phóng xạ, sau khi hết bệnh cường giáp thì bác sĩ chẩn đoán tôi bị suy giáp và phải uống thuốc thường xuyên mỗi ngày cho đến chết (mỗi ngày một viên Thyroxin 100mg). Nay tôi đã lập gia đình và muốn có con. Vậy trong thời gian tôi uống thuốc, nếu lỡ có thai thì thai nhi có ảnh hưởng gì không?

- TS.BS Hoàng Kim Ước (Bệnh viện Nội tiết T.Ư):

Suy giáp sau điều trị bệnh cường giáp bằng iôt phóng xạ được coi là một hậu quả khó tránh khỏi. Các thống kê trên thế giới cho thấy tỉ lệ này có thể lên tới 90% trong năm đầu sau điều trị và mỗi năm sau đó tăng lên 2-3%. Những trường hợp suy giáp thoáng qua xuất hiện sau điều trị bằng iôt phóng xạ khoảng một tháng và kéo dài 1-4 tháng, những trường hợp khác là suy giáp vĩnh viễn, hay nói cách khác là người bệnh phải điều trị bằng hormon giáp trạng (Thyroxin) trong suốt phần đời còn lại.

Trong trường hợp có thai chị vẫn phải dùng thuốc (Thyroxin) để điều trị bệnh suy giáp, tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa sẽ phải điều chỉnh lại liều thuốc điều trị cho chị phù hợp trong điều kiện chị có thai (tăng liều). Thuốc Thyroxin bản chất là hormon giáp trạng, cho đến nay khoa học đã chứng minh là loại thuốc an toàn cho người bệnh sử dụng (liều phù hợp) kể cả khi mang thai và nuôi con. Vậy chị hãy yên tâm điều trị và đến gặp bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ và có những điều chỉnh phù hợp.

Lê Xuân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên