23/11/2018 15:57 GMT+7

Vụ Vinasun kiện Grab: Công ty Cửu Long lên tiếng về kết quả giám định

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Theo Công ty Cửu Long, phía Grab đã nêu nhiều thông tin không đúng về các báo cáo, kết quả giám định làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của công ty này và không loại trừ Công ty Cửu Long sẽ bảo vệ mình bằng pháp luật.

Vụ Vinasun kiện Grab: Công ty Cửu Long lên tiếng về kết quả giám định - Ảnh 1.

Ông Trương Đình Qúy - Phó TGĐ Vinasun tại tòa - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Chiều 23-11, phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab) tiếp tục với phần tranh luận giữa các bên.

Grab tranh thị trường với các công ty taxi

Mở đầu phần tranh luận, phía Vinasun khẳng định đồng ý với chứng thư giám định và giải thích kết quả giám định của Công ty Cửu Long.

Theo Vinasun, trong văn bản giải thích của Công ty Cửu Long, phần hỏi tại phiên tòa đã làm rõ các yếu tố dẫn đến thiệt hại của Vinasun từ 1-2016 đến tháng 6-2017. Kết quả này cho thấy yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Vinasun đối với Grab là có căn cứ, phù hợp với pháp luật.

Trong thời gian tạm ngừng phiên tòa, Công ty CP FastGo Việt Nam - một công ty cung ứng phần mềm gọi xe có trụ sở ở Hà Nội - đã gửi văn bản đến TAND TP.HCM trình bày thêm về bản chất của Grab.

Trong văn bản này FastGo đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh Grab kinh doanh taxi. Điều này cho thấy ngay cả trong giới kinh doanh công nghệ cũng thừa nhận Grab đã thực hiện hành vi trái pháp luật là kinh doanh vận tải taxi.

Về thiệt hại của Vinasun, luật sư nêu rằng mức độ thiệt hại thực tế lớn hơn nhiều so với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Công ty Cửu Long xem xét biến động của các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Vinasun trên nhiều phương diện như số lượng xe nằm bãi, số lượng tài xế nghỉ việc, giảm sút doanh thu lợi nhuận, giảm giá trị thương hiệu, giảm giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp… 

Nhưng khi tính phương án thiệt hại thực tế, trực tiếp, kiểm đếm thì Công ty Cửu Long chỉ sử dụng hai loại thiệt hại là hiệt hại do chi phí xe nằm bãi không kinh doanh và hiệt hại từ việc giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp sụt giảm.

Theo chứng thư giám định, Vinasun thiệt hại 158,6 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do Grab gây ra là 85,9 tỉ. Tuy các báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường liệt kê các loại thiệt hại khác nhau nhưng có điểm chung là Vinasun có thiệt hại thực tế.

Các báo cáo này cũng chỉ rõ nguyên nhân các thiệt hại của Vinasun là do có sự xâm nhập thị trường vận tải của Grab, Uber, trong đó Grab chiếm 54,2%. Báo cáo cũng chỉ ra rằng chính hành vi khuyến mãi tràn lan, trái luật, khuyến mãi các chuyến xe 0 đồng là nguyên nhân dẫn đến khách hàng không sử dụng taxi truyền thống, chuyển sang dùng Grab, Uber.

Vinasun cho rằng nguyên nhân chính làm sụt giảm lợi nhuận, dẫn đến giá cổ phiếu Vinasun giảm là do sự xâm nhập của Grab. Các báo cáo phân tích chi tiết, có số liệu, đối chiếu so sánh trong nhiều năm, và những khuyến cáo, dự báo trong các báo cáo này đều trùng khớp với diễn biến trên thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh và lợi nhuận của Vinasun sụt giảm, dẫn đến cổ tức cho các cổ đông sụt giảm kéo theo giá cổ phiếu của Vinasun sụt giảm. Vì lúc này các nhà đầu tư, cổ đông nhìn thấy những rủi ro tiềm ẩn từ cổ phiếu Vinasun.

Vinasun ví von thị trường vận tải taxi TP.HCM như 1 miếng bánh được giao cho các doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh taxi khai thác. Miếng bánh ngày càng tăng do nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch tăng. Từ đó doanh số của các doanh nghiệp taxi cũng sẽ tăng.

Tuy nhiên một đối tượng không được phép kinh doanh vận tải taxi, với nhiều hành vi bất hợp pháp nhảy vào giật miếng bánh dẫn đến thị phần của các doanh nghiệp vận tải taxi giảm sút.

Theo Vinasun, đến nay trên địa bàn TP.HCM đã có 5 đơn vị kinh doanh taxi ngừng hoạt động.

Phát biểu bổ sung, ông Trương Đình Quý - phó tổng giám đốc Vinasun - mong tòa sẽ có bản án công minh, không vì sự lơi lỏng của cơ quan quản lý nhà nước mà bóp méo mô hình kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lách thuế, trốn thuế…

Vụ Vinasun kiện Grab: Công ty Cửu Long lên tiếng về kết quả giám định - Ảnh 2.

Luật sư Lưu Tiến Dũng - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Grab - tranh luận với quan điểm của nguyên đơn - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Công ty giám định sẽ kiện Grab?

Tranh luận lại phía Vinasun, Grab cho rằng Grab vào Việt Nam kinh doanh do được phép của đề án 24, của thủ tướng chính phủ. Hiện nay hoạt động của Grab đang được xem xét điều chỉnh theo Nghị định 86.

Grab chưa bao giờ là taxi và Grab đang thực hiện đề án thí điểm, đúng sai ra sao thuộc thẩm quyền của chính phủ. Vinasun đang lợi dụng phiên tòa để can thiệp vào hoạt động hành pháp.

Ngoài ra, Vinasun đưa ra nhiều dẫn chứng về dịch vụ Grab giá rẻ, chịu lỗ. Đây là vấn đề thuộc về pháp luật cạnh tranh, thuộc thẩm quyền của cơ quan giải quyết cạnh canh, Bộ Công thương.

Grab cho rằng khi khởi kiện, Vinasun đưa ra hai báo cáo giám định dựa trên nguồn internet không xác thực, không được cơ quan nào kiểm chứng. Sau đó, tòa mới trưng cầu giám định tại Công ty Cửu Long. Tuy nhiên hai lần Công ty Cửu Long đều vắng mặt tại tòa. Grab cho rằng do công ty này không dám đối mặt với báo cáo giám định thiếu chính xác của mình.

Kết luận giá cổ phiếu của Vinasun giảm trong 1-2016 đến 6-2017 là do Grab gây ra là không có cơ sở. Trong khi đó đối với vụ án bồi thường thiệt hại thì con số thiệt hại phải cụ thể.

Tuy nhiên, tại tòa, chủ tọa đã công bố văn bản của Công ty Cửu Long gửi tòa án. Theo đó, công ty này cho biết khi đại diện Công ty Cửu Long có mặt theo triệu tập của tòa thì phía Grab xin hoãn và vắng mặt.

Nhưng tại phiên tòa, phía Grab nhiều lần cho rằng các báo cáo, kết luận của Công ty Cửu Long là không chính xác. Theo Công ty Cửu Long, phía Grab đã nêu nhiều thông tin không đúng về các báo cáo, kết quả giám định của công ty này, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Công ty Cửu Long. Hiện nay nhiều khách hàng đã yêu cầu công ty giải thích vấn đề này.

Đồng thời, Công ty Cửu Long cho biết đang cân nhắc đến việc bảo vệ uy tín, danh dự của mình bằng pháp luật.

Tranh cãi quyết liệt về thiệt hại vụ Vinasun kiện Grab Tranh cãi quyết liệt về thiệt hại vụ Vinasun kiện Grab

Sáng nay, phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỉ tiếp tục phần xét hỏi. Sau thời gian tạm ngừng phiên tòa, phía Vinasun vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.


TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên