16/11/2021 12:07 GMT+7

Vụ nổ xe bồn làm sụp đổ hệ thống y tế một quốc gia

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Không có bệnh viện hay chuyên khoa trị bỏng, các nạn nhân bị thương còn sống sót trong vụ nổ xe bồn ở Sierra Leone cách đây gần 2 tuần chỉ có thể cắn răng chịu đau và chờ chết.

Vụ nổ xe bồn làm sụp đổ hệ thống y tế một quốc gia - Ảnh 1.

Lễ tang tập thể của các nạn nhân trong vụ nổ xe bồn - Ảnh: AFP

Hôm 6-11, 98 người chết ngay khi chiếc xe bồn chở đầy nhiên liệu phát nổ tại Freetown, thủ đô và là thành phố lớn nhất của quốc gia Tây Phi Sierra Leone.

Trong thông báo ngày 15-11, chính quyền xác nhận con số tử vong hiện đã lên tới 144 người, 57 người đang được điều trị và 11 người nguy kịch.

Các bác sĩ và y tá đang cố gắng ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng ở những bệnh nhân còn sống. Ở đất nước không có một chuyên khoa chữa bỏng nào, còn các loại thuốc quan trọng lại không có sẵn hoặc sắp hết, sống sót sau tai nạn như vậy không đồng nghĩa với sự may mắn.

Hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều bị bỏng từ 25% cơ thể trở lên, theo báo New York Times. Tại Bệnh viện Quân đội 34 ở Freetown, tỉ lệ tử vong là khoảng 60%. COVID-19 không đánh gục được hệ thống y tế của Sierra Leone nhưng một vụ nổ xe bồn đã làm được.

Khi một nạn nhân trong vụ nổ qua đời, giường của họ sẽ được dành cho những nạn nhân bị thương ít nghiêm trọng hơn và những người bị từ chối nhập viện lúc đầu vì hết chỗ.

Mức độ nghiêm trọng của vụ nổ lần này khiến các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm nhất Sierra Leone cũng phải sửng sốt. Các nhân viên bệnh viện, y bác sĩ đang nhanh chóng kiệt sức vì có quá ít người đủ trình độ tại đất nước này để hỗ trợ họ.

Các bệnh viện công gần như hết thuốc, buộc các bác sĩ và bệnh nhân phải mua thuốc từ các hiệu thuốc tư nhân với giá đắt đỏ.

Anh Ibrahim Sorie, một tài xế 25 tuổi bị bỏng nặng, đã dành những hơi thở cuối cùng để cầu cứu chính phủ giúp đỡ gia đình vì anh là lao động chính trong nhà.

Còn chị Mariatu Mansaray, em gái của một nạn nhân khác, đang chạy khắp nơi kiếm tiền để nhận thi thể anh trai và lo hậu sự. Nhà xác tính Mansaray 23 USD tiền rửa thi thể và 23 USD nữa cho xe cấp cứu, tổng cộng là 46 USD - nhiều hơn số tiền chị kiếm được trong 1 tháng.

Mansaray còn phải kiếm thêm 165 USD để đãi ăn những người đưa tang, điều gần như bắt buộc ở một đất nước xem trọng việc ma chay.

Bác sĩ Kilongo Papy Mulailwa, người đang điều trị cho các nạn nhân trong vụ nổ xe bồn, lo lắng cho các nạn nhân. Nếu sống sót xuất viện, họ sẽ phải đều đặn trở lại bệnh viện mỗi tuần trong ít nhất 1 năm để tập vật lý trị liệu.

Tuy nhiên với hoàn cảnh khó khăn của phần lớn nạn nhân và nạn thiếu thuốc trầm trọng, các bác sĩ cảm thấy dằn vặt lương tâm nghề nghiệp.

"Điều tôi sợ là chúng tôi không muốn điều trị cho một bệnh nhân vì lo không đủ thuốc cho cả quá trình", ông Lawrence Sandi - giám đốc Cơ quan cung cấp vật tư y tế Sierra Leone - giãi bày.

Thảm họa kinh hoàng: xe bồn nổ, 60 người chết, 70 người bị thương vì Thảm họa kinh hoàng: xe bồn nổ, 60 người chết, 70 người bị thương vì 'hôi dầu'

TTO - "Ngọn lửa cháy lớn và gây cản trở nỗ lực giải cứu các nạn nhân. Tôi thấy có khoảng 65-70 người được giải cứu khi đám cháy lan nhanh ra khắp khu vực. Tình hình thật sự tồi tệ, có nhiều người thiệt mạng".

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên