13/04/2014 06:35 GMT+7

Vũ Ngọc Đãng và Vừa đi vừa khóc

NGỌC LIÊN
NGỌC LIÊN

TT - Đã lên sóng đến tập 11, như vậy là Vừa đi vừa khóc đã khiến khán giả “vừa xem vừa bàn” đủ hết 1/3 chặng đường của loạt phim 36 tập.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Vừa đi vừa khócVừa đi vừa khóc lên sóng VTV3 Lan Ngọc: “ngọc nữ mới” của Vũ Ngọc Đãng

ANcH9qyX.jpgPhóng to
Diễn viên Thanh Thủy (vai người mẹ tìm con) và Minh Hằng (vai Đông Dương) trong phim Vừa đi vừa khóc - Ảnh: TV Plus

Cái sự “bàn” này lần nào phim của Vũ Ngọc Đãng ra mắt cũng bùng nổ. Nhưng đó không phải là bàn về tình tiết hay sự éo le trong phim như thường thấy - vì phim của Đãng phần lớn chẳng có gì éo le hay khó đoán để bàn. Mà chủ yếu là bàn về chuyện: vì sao phim chỉ có vậy mà vẫn khiến người xem ngồi lại mà xem?

Đơn giản chỉ là Vũ Ngọc Đãng!

Sự chờ đợi là có thật...

Ngày thứ tư 9-4, những khán giả chờ xem tập phim thứ 12 đã thất vọng vì theo lịch mới bộ phim chỉ còn phát sóng hai lần trong tuần thay vì ba lần như trước đây. Tuy nhiên, người hâm mộ lại tự an ủi nhờ vậy mà thời gian chiếu sẽ kéo dài thêm một tháng nữa! Sự chờ đợi và ưu ái này thật hiếm có. Có lẽ đến bộ phim này cũng đã đủ để giải mã Vũ Ngọc Đãng. Anh có một lượng khán giả của riêng mình. Những khán giả không khó tính, không mổ xẻ, chỉ quan tâm những xúc cảm anh mang tới cho họ hơn là tự hỏi những xúc cảm ấy đến từ đâu.

Xét nhiều phương diện, Vừa đi vừa khóc là một bước lùi. Người anh em Bỗng dưng muốn khóc hay Tuyết nhiệt đới đều được đánh giá tốt hơn. Nhưng chuyện đó cũng rất thường tình. Và khán giả yêu mến anh dễ lượng thứ điều đó. Làm phim không đều tay là lẽ dĩ nhiên. Và người ta vẫn cứ chờ đợi anh cũng dĩ nhiên như thế.

Dư luận tách làm hai rõ rệt. Một bên nhìn thấy quá rõ những giới hạn của Vừa đi vừa khóc - phim của Vũ Ngọc Đãng với một diện mạo - quá - quen - thuộc. Tình yêu ngây thơ. Sự cảm hóa dễ dàng ngọt xớt. Kể chuyện cổ tích mặc kệ ai tin hay không tin. Những xóm lao động nghèo thiệt mà đẹp thiệt. Những khung hình tưởng bê nguyên xi khu ổ chuột đến từng chi tiết mà lại nên thơ. Âm nhạc trẻ trung du dương và dễ thương. Lọ lem và hoàng tử. Những tâm hồn đẹp trong trẻo dù sống nơi bùn lầy nước đọng hay dưới đáy xã hội... Tuy rằng Đãng làm phim thong thả, phim anh cũng chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, nhưng chẳng cứ Vừa đi vừa khóc được cho rằng lặp lại Bỗng dưng muốn khóc, mà đúng hơn là sự lặp lại của tất cả những phim Đãng đã làm. Chẳng có gì mới cả!

Nhưng ở phía bên kia, với nhiều người yêu mến Đãng, tất cả những cái đó mới chính là Vũ Ngọc Đãng. Là sự quen thuộc đáng yêu, không nhất thiết cứ phải mới để trở nên xa lạ. Không nhất thiết phải hiện thực, logic hơn - vì cứ phi lý mà khán giả muốn tin như vậy mới là Vũ Ngọc Đãng.

Biên kịch... tệ

Đầu tiên là sự sơ sài của câu chuyện và kết cấu. 11 tập phim qua đi, không có gì nhiều để kể lại. Một lọ lem và một hoàng tử gặp gỡ và sẽ yêu nhau. Họ gặp nhau chẳng có gì ly kỳ. Đến với nhau chẳng có gì trở ngại. Cũng có vẻ chẳng ai cảm hóa ai. Không phải họ đi một con đường thật xa, từ hai đầu cuộc sống khác biệt như các phim cùng môtip. Ở đây họ cứ nhẹ nhõm như không, như thể sinh ra đã được định sẵn là yêu nhau rồi. Câu chuyện chàng trai tìm mẹ càng đơn giản hơn nữa. Anh khỏi cần tìm vì cha anh vốn đã biết sẵn chỗ mẹ anh ở và chỉ rõ cho anh rồi! Và giữa hai mẹ con dù xa cách oan khuất 20 năm nhưng họ chẳng hề khúc mắc gì cả, gặp nhau chỉ có khóc và ôm nhau thôi.

Kết cấu như vậy nên có thể nói kịch bản của Vũ Ngọc Đãng không có kết cấu. Anh biên kịch một cách “thật thà”. Không có nút thắt. Rất ít hành động. Mọi suy nghĩ, mọi dự định, mọi âm mưu, mọi bí mật đều được các nhân vật nói ra hết. Nói ra một cách tường tận, rõ ràng như hai với hai là bốn. Phim anh cũng có nhiều lúc sa vào chỗ “phát thanh” như đoạn Hải Minh (Mạnh Hải) cùng Bảo Quyên (Bảo Anh) “kể” lại họ gặp gỡ yêu đương như thế nào một cách dài dòng mà chẳng cần một hình ảnh nào hết. Hoặc việc để cho người cha (Văn Tùng) nói ra tất cả tâm tư suốt 20 năm bị vợ phụ bạc chứ không có bất cứ một minh chứng nào khác về nỗi đau dai dẳng đó... cũng biểu hiện một sự sơ lược quá mức của người biên kịch.

Cách xây dựng nhân vật cũng sơ lược không kém. Nhân vật của Đãng một chiều - luôn luôn - nhưng thậm chí nó chỉ như một lát cắt đơn điệu và không có sự biến đổi của tính cách theo phát triển của mạch truyện. Tập 1 nhân vật xuất hiện thế nào thì đến tập 11 vẫn thế. Hải Minh vẫn khóc như một đứa trẻ và đầu óc cũng đơn giản như đứa trẻ, chả có gì khác dù lúc sống trong nhung lụa hay khi bị nhà biên kịch cắc cớ quá đáng cho đi lượm ve chai! Tuyến nhân vật phụ tập này qua tập khác cũng lòng vòng trong những chuyện đã làm, đã nghĩ, đã nói từ tập đầu! Nhân vật của anh giậm chân tại chỗ. Mà tất nhiên phải giậm. Vì câu chuyện như vậy thì biết phải đi đâu?

Kịch bản cũng như thể bị chia làm hai phần tách rời nhau. Tạm gọi một bên là phe sang trọng chủ yếu là cha con Hải Minh với những trò chuyện bất tận, văn chương có vẻ rất chỉnh tề song thật ra gượng ép và sáo rỗng - là một cố gắng nghiêm túc của Đãng nhưng thất bại nặng nề. Còn phe kia nghèo nàn, nhí nhố là nơi Đãng cố phô hết nét duyên của anh. Giản dị và dễ chịu, song chắc chắn cũng không có gì đặc sắc.

... Nhưng là một đạo diễn tự tin

Với một kịch bản đơn giản đến mức đơn điệu như vậy, một Vũ Ngọc Đãng - đạo diễn dường như đã làm trò phù thủy. Nhưng xét kỹ, chẳng có phù phép nào ở đây hết. Đãng đã rất thực tế và khôn ngoan. Anh biết lướt qua những chỗ mình sẽ không thể làm hay. Anh biết mình không phải là sâu sắc, ly kỳ, gai góc và dữ dội hay diễm tình quá mức. Anh biết mình đơn giản chỉ là Vũ Ngọc Đãng.

Vũ Ngọc Đãng biết cách biến một câu chuyện nhạt thành một bức tranh sinh động đáng yêu. Nhấn nhá ở chi tiết. Anh biết cách “trang điểm” cho các nhân vật mộc mạc hầu như không trang điểm. Phim của Đãng giống như một cô gái không đẹp theo chuẩn mực nhưng “ngộ”, duyên dáng.

Với tư cách là một đạo diễn, phải nói Đãng rất vững vàng. Anh tự tin với kịch bản của mình, và nhất là với dàn diễn viên của mình. Ở Vừa đi vừa khóc, ngoài Lương Mạnh Hải đang bị xem là có một vai diễn dường như tệ nhất từ trước đến nay, tất cả các vai khác đều tốt. Đãng đã lôi cuốn được họ vào “cơn mê” của mình. Vào cuộc phiêu lưu rất Vũ Ngọc Đãng. Minh Hằng không xuất sắc lắm song tự nhiên, mộc mạc. Ninh Dương Lan Ngọc thật sự rất đáng yêu. Nhã Phương ngộ nghĩnh. Phương Thanh tội tội mà can đảm. La Quốc Hùng si tình đủ vẻ. Thanh Thủy chân thật xúc động. Còn bà nội Lê Thiện thì độc đáo cá tính chiếm trọn cảm tình của khán giả.

Vũ Ngọc Đãng làm phim có gu. Và anh chủ ý lặp lại mình. Rất rõ rệt theo kiểu biến phim ảnh thành một giấc mơ. Nhẹ nhàng thôi. Hơi lãng mạn một chút. Nhẹ dạ một chút. Tự cho phép điệu đà một chút để cuộc sống đáng yêu hơn. Thế thôi. Không cố với cao thêm nữa trong mọi nghĩa.

NGỌC LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên