Khu đất 8.595 m2 bên bờ sông Hương được tỉnh cho thuê để mở rộng khách sạn La Residence theo hình thức chỉ định, không qua đấu giá như quy định của Luật đất đai - Ảnh: V.T.
Ngày 31-5-2018, Báo Tuổi Trẻ đăng bài "Thâu tóm "đất vàng" ở Huế", phản ánh việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế bán toàn bộ phần vốn nhà nước trong Công ty cổ phần du lịch Hương Giang cho tập đoàn Bitexco, theo phương thức thỏa thuận trực tiếp không qua đấu giá, nên cả một khối tài sản lớn mà chỉ thu về có 158 tỉ đồng.
Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ phần vốn nhà nước bán với giá rẻ là do giá trị doanh nghiệp được xác định quá thấp.
Giá trị lợi thế kinh doanh: không có
Việc mua bán diễn ra tháng 3-2016. Trước đó, ngày 26-2-2016, hội đồng thẩm tra do ông Nguyễn Chung Thành, phó giám đốc Sở Tài chính - làm chủ tịch, đã thông qua kết quả xác định giá trị của Công ty Hương Giang và giá trị phần vốn nhà nước trong công ty này.
Theo biên bản thẩm tra, tổng giá trị thực tế của Công ty Hương Giang được xác định là hơn 267 tỉ đồng; tổng giá trị thực tế phần vốn của chủ sở hữu là gần 252 tỉ đồng; tổng giá trị thực tế phần vốn của Nhà nước (chiếm 62,86%) trong công ty này là hơn 158 tỉ đồng.
Theo kết quả xác định nói trên, hạng mục giá trị lợi thế kinh doanh của Công ty Hương Giang không được xác định. Tuy nhiên, cả nghị định 59 và thông tư 127 của Bộ Tài chính đều quy định giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp là giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển.
Thương hiệu Hương Giang Tourist và các thương hiệu (liên doanh) như khách sạn Saigon Morin, La Residence đều là các thương hiệu hàng đầu của du lịch quốc gia và có giá trị quốc tế.
Với những lợi thế về thương hiệu, kinh doanh ở những vị trí sinh lợi đặc biệt..., tiềm năng phát triển của Công ty CP du lịch Hương Giang là rất lớn. Nhưng vì sao giá trị lợi thế kinh doanh của công ty này lại không xác định?
Ông Nguyễn Chung Thành cho biết, trong 5 năm trước khi định giá (từ 2009-2014), Công ty Hương Giang không đầu tư một đồng nào cho thương hiệu. Vì vậy, theo thông tư 127 thì giá trị thương hiệu của công ty này bằng 0 (vào thời điểm xác định).
Trong khi đó, một cựu lãnh đạo công ty này cho biết khi chuyển sang cổ phần hóa (năm 2008), giá trị thương hiệu của Công ty Hương Giang được tính bằng 10% vốn điều lệ, tức bằng 20 tỉ đồng. Mặt khác, trong 5 năm từ 2009-2014, hầu như năm nào công ty này cũng đều tham dự các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để quảng bá thương hiệu.
Các đơn vị liên doanh như Saigon Morin, La Residence năm nào cũng có đầu tư cho việc quảng bá thương hiệu.
Giá trị quyền sử dụng đất cũng bằng 0
Ông Thành cho biết toàn bộ đất của Công ty Hương Giang là đất thuê trả tiền từng năm, theo nghị định 189 thì không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Khi được hỏi vậy giá trị quyền thuê đất những khu "đất vàng" này được xác định thế nào, ông Thành cho hay đã tính vào các khoản đầu tư tài chính dài hạn.
Còn giá trị của các khu đất ở vị trí sinh lợi đặc biệt thì đã tính vào giá thuê đất. Nhưng theo Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế, giá thuê đất vẫn tính theo quy định của nghị định 46 (năm 2014).
Cụ thể, giá đất của các khách sạn, nhà hàng nằm sát sông Hương và mặt tiền đường Lê Lợi - con đường có giá đất cao nhất Huế - chỉ trong khoảng hơn 220.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/m2/năm, có tính thêm giá trị sinh lợi đặc biệt với tỉ lệ 1,2% và hệ số điều chỉnh trong khoảng 1,40-1,55.
Giá thuê đất của khách sạn Hương Giang, sau khi đã nhân tỉ lệ và hệ số, là hơn 376.343 đồng/m2/năm; khách sạn Saigon Morin 424.262 đồng/m2/năm. Riêng khách sạn 5 sao La Residence với diện tích hơn 17.000m2 (chưa tính 8.595m2 đang mở rộng), Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên - Huế không thể cung cấp giá cho thuê.
Cục Thuế cũng chưa thu một đồng tiền thuê đất nào kể từ năm 2003 đến nay, vì tiền thuê đất đã nằm trong phần vốn trước đây của tỉnh dùng để góp liên doanh với đối tác nước ngoài từ năm 2003 (đến năm 2033).
Phải chăng bán rẻ - mua đắt?
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, số tiền hơn 158 tỉ đồng này tỉnh đã nộp 100 tỉ về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Hơn 58 tỉ còn lại, tỉnh dùng để mua lại Trung tâm văn hóa Huyền Trân - một tài sản của Công ty Hương Giang.
Tổng giá trị của Công ty Hương Giang được tỉnh xác định là 267 tỉ đồng. Với giá mua 58 tỉ đồng thì giá trị của Trung tâm văn hóa Huyền Trân được định giá bằng 21,7% giá trị của cả công ty này.
Như vậy, toàn bộ phần vốn nhà nước chiếm hơn 3/5 tổng giá trị của Công ty Hương Giang được bán với 158 tỉ. Nhưng khi tỉnh mua lại một công trình của chính Công ty Hương Giang, thì giá trị công trình này lại được xác định bằng hơn 1/5 tổng giá trị của cả công ty.
Với các số liệu trên, giới kinh doanh cho rằng có dấu hiệu bán rẻ, mua đắt trong thương vụ này. Và thực chất, việc thoái vốn ở công ty du lịch lớn nhất tỉnh này Nhà nước chỉ thu lại 100 tỉ, cùng với một Trung tâm văn hóa mà giá trị lớn nhất vẫn là đất, vốn là đất do Nhà nước tạm giao, không thu tiền thuê.
Khách sạn Saigon Morin nằm trên đường Lê Lợi (Huế) được cho thuê đất với giá hơn 420.000 đồng/m2/năm - Ảnh: TIẾN LONG
Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam vừa bán khách sạn Xanh Huế cho Công ty TNHH khách sạn Silk Path (Hà Nội) với tổng số tiền 279 tỉ đồng.
Khách sạn Xanh Huế nằm ở số 2 Lê Lợi, Huế, cũng là vị trí vàng, cũng thuê đất trả từng năm như các khách sạn của Công ty Hương Giang, nhưng không có mặt tiền sông Hương và là thương hiệu mới mà đã bán được số tiền lớn hơn tổng giá trị của toàn Công ty Hương Giang (267 tỉ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận