Lễ khai mạc kỳ thi công chức tỉnh Phú Yên năm 2017-2018, sau đó xảy ra vụ án liên quan đến kỳ thi này - Ảnh: phuyen.gov.vn
Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Yên sắp xét xử vụ án liên quan đến vụ lộ đề thi công chức tỉnh Phú Yên năm 2017-2018. Trong vụ này, có 18 bị can bị truy tố các tội danh: "cố ý làm lộ bí mật nhà nước", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" và "đưa hối lộ".
Tuồn tài liệu, đề thi, lấy 120 triệu đồng
Theo cáo trạng, ngày 12-10-2018, chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Phú Yên năm 2017-2018 ra quyết định thành lập ban ra đề thi.
Ông Phạm Văn Dũng (58 tuổi, phó giám đốc Sở Nội vụ Phú Yên, phó chủ tịch hội đồng thi) làm trưởng ban ra đề thi.
Các ông Lê Tuấn (50 tuổi, trưởng phòng tổ chức - công chức - viên chức Sở Nội vụ Phú Yên), Trần Văn Nhiên (44 tuổi, phó phòng tổ chức - công chức - viên chức) và 20 người khác thuộc các sở, ngành của tỉnh Phú Yên làm ủy viên ban này.
Trước đó, ông Dũng chỉ đạo Lê Tuấn trưng dụng 3 chuyên viên của phòng tổ chức - công chức - viên chức, trong đó có Vũ Thị Thái Hòa (34 tuổi), không phải là những người được dự kiến là thành viên của ban ra đề, tham gia hoàn chỉnh các bộ đề thi rút gọn.
Khi ban ra đề thi được thành lập, dù Hòa và 2 chuyên viên đã nêu không phải là ủy viên ban ra đề thi nhưng Dũng và Tuấn vẫn để họ tiếp tục tham gia đọc, hoàn chỉnh bộ đề thi rút gọn của các nhóm ngành là tài liệu bí mật nhà nước độ "tối mật".
Lợi dụng công tác, Hòa nói với thí sinh Nguyễn Ngọc Kim (45 tuổi), nhân viên hợp đồng ở văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, rằng để thi đỗ, Kim phải đưa tiền cho Hòa để Hòa chuyển cho hai ông Tuấn và Nhiên. Nhưng sau khi nhận 120 triệu đồng của Kim, Hòa không đưa cho Tuấn, Nhiên.
Hòa lén chép dữ liệu ôn tập và đề thi rút gọn chuyển cho Kim chuẩn bị. Trong hai ngày 10 và 11-11-2018, khi nhận đề, Hòa nhắn tin cho Kim biết nội dung đề 2 môn thi.
Cơ quan chức năng xác định các ông Dũng, Tuấn phạm tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước"; Hòa "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Kim "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" và "đưa hối lộ".
Hướng dẫn làm lại bài đã chấm điểm, tác động nâng điểm
Cáo trạng cũng kết luận Tuấn, Nhiên biết điểm thi của nhiều thí sinh thấp, một số ủy viên biết bài thi của thí sinh thấp nên tác động lẫn nhau để chấm lại, nâng điểm, làm sai lệch kết quả kỳ thi.
Chẳng hạn, biết bài thi của người quen là Hồ Văn Pin (ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) điểm thấp, Tuấn gọi Pin đến nhà riêng, đưa giấy để hướng dẫn làm lại một phần bài thi, sau đó đem thay vào phần bài thi đã chấm. Tiếp đó, Tuấn nhờ 2 giám khảo chấm lại bài cho Pin, nâng từ dưới 50 điểm lên 66 điểm để thí sinh này trúng tuyển.
Tuấn và Nhiên nhờ hai giám khảo khác chấm lại bài của Nguyễn Lý Mai Thảo (ở phường 9, TP Tuy Hòa, Phú Yên) vì là "con của ông anh ở Sở Nội vụ". Dù biết bài thi này có viết thêm nội dung nhưng do cả nể, hai giám khảo đã chấm nâng từ 80,75 điểm lên 87,5 điểm, trong khi kết quả chấm thẩm định sau đó bài thi này chỉ đạt 77 điểm.
Quá trình chấm thi, một số giám khảo còn trao đổi nhờ giúp đỡ nâng điểm cho người quen. Cáo trạng cho biết có tổng cộng 14 người đã phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để nâng, hạ điểm của 29 bài thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận