Bà Diệp và ông Tài (áo trắng) được dẫn giải đến tòa sáng 17-11 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tại phiên tòa, liên quan đến 21 tài liệu chứng cứ mà bà Dương Thị Bạch Diệp cho rằng tài liệu để chứng minh hợp đồng thế chấp 57 Cao Thắng là giả mạo, lý giải do những tài liệu này là tính mạng của cá nhân nên bà chỉ có thể giao bản sao và trình bản chính để HĐXX đối chiếu ngay tại phiên tòa.
Agribank giải ngân trước rồi ký hợp đồng thế chấp sau?
Theo bà Diệp, toàn bộ tài liệu này là tài sản của công ty, đó là những khoản nợ tại Agribank thanh toán hoặc chưa thanh toán.
Cụ thể, những tài liệu này (hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay 67.000 lượng vàng mà Công ty Diệp Bạch Dương vay của Agribank) công ty có một bộ và Agribank cũng có một bộ, HĐXX hoàn toàn có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp để đối chiếu. Nếu Agribank cũng cung cấp cho tòa bản chính thì bà cũng sẽ cấp bản chính.
Bà Diệp chỉ đồng ý bàn giao bản sao để tòa có căn cứ đánh giá. "Đây là sinh mạng của tôi, tôi không thể giao bản gốc khi nghe HĐXX cho biết sẽ giao cho VKS đánh giá", bà Diệp nói.
Trong khi đó, chủ tọa phiên tòa cho biết chứng cứ phải được lập biên bản và thu giữ bản chính mới được coi là chứng cứ theo quy định tại điều 253 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Việc bà Diệp không đồng ý nộp bản chính, tòa không có căn cứ để thu thập thêm chứng cứ.
Liên quan đến các giấy lĩnh vàng mà bà Diệp nhắc đến trong phiên xét xử chiều 16-11, bà khẳng định thực tế Công ty Diệp Bạch Dương và cá nhân bà có ký 3 hợp đồng tín dụng và 18 giấy lĩnh vàng nhưng là ký khống do chưa lấy tài sản từ Ngân hàng Seabank về.
Bà chỉ biết người của Agribank chuyển tiền vào tài khoản Seabank để thanh toán khoản vay 1.053 tỉ đồng tại ngân hàng này.
Bà Diệp cầm trên tay xấp tài liệu bà cho rằng chứng minh bà vô tội - Ảnh: NHẬT THỊNH
Agribank không trả lời các nội dung ngoài hợp đồng liên quan đến 57 Cao Thắng
Bà Diệp cho rằng đối với số vàng 67.000 lượng vàng mà bà nhận của Agribank sau đó có một nhóm nào đó của Agribank đổi nó thành tiền mặt để trả cho Seabank.
"Trong vài tiếng đồng hồ tôi không biết người ta bán bằng cách nào để chuyển 67.000 lượng vàng thành tiền mặt, ai là người mua vàng để chuyển thành tiền để chuyển sang Seabank tôi hoàn toàn không biết", bà Diệp nói.
Bà Diệp cũng cho biết thêm, tài sản thế chấp ở Seabank không bao gồm tài sản 57 Cao Thắng.
Khi luật sư hỏi Agribank về việc giải ngân 67.000 lượng vàng, đại diện Agribank tại phiên tòa cho rằng việc chuyển tiền trạng thái vàng theo quy định của Nhà nước tại thời điểm đó.
Về câu hỏi liên quan đến việc đã giải ngân 67.000 lượng vàng cho Công ty Diệp Bạch Dương vào ngày 31-12-2008 (hợp đồng 2616 đang được xem xét trong vụ án này) nhưng phải đến tháng 3, 4, 5-2009 mới ký các hợp đồng thế chấp tài sản giữa Diệp Bạch Dương và Agribank mới được ký kết thì có đúng không, đại diện Agribank không trả lời vì ngoài phạm vi của hợp đồng liên quan đến nhà đất 57 Cao Thắng.
Đồng thời, vị này khẳng định phải có tài sản bảo đảm đưa cho ngân hàng mới được giải ngân. Tuy nhiên, khi luật sư hỏi lại bà Diệp một lần nữa về tài sản thế chấp giữa Công ty Diệp Bạch Dương và Agribank, bà nói tất cả các tài sản thế chấp đều được ký hợp đồng vào tháng 3, 4, 5-2009.
Như vậy, tại phiên tòa sáng nay, bà Diệp khẳng định bản chất của khoản vay 67.000 lượng vàng là Agribank ký giải ngân cho Công ty Diệp Bạch Dương từ ngày 31-12-2008 để Công ty Diệp Bạch Dương trả nợ cho Seabank (do bà Diệp vay trước đó) để lấy tài sản thế chấp tại Seabank ra và giao các tài sản này cho Agribank.
Tuy nhiên, sau khi giải ngân 67.000 lượng vàng từ 31-12-2008 nhưng phải đến các tháng 3, 4 và tháng 5-2009 các hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay trên mới được thiết lập. Bà Diệp cũng nói về bản chất hợp đồng cho khoản vay 67.000 lượng vàng là giả mạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận