06/10/2015 09:34 GMT+7

Vũ Hạnh - đời văn, đời chiến sĩ

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Nhiều ý kiến ghi nhận những cống hiến của Vũ Hạnh cho nền văn học nước nhà và công cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (trái) trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học cho nhà văn Vũ Hạnh - Ảnh: L.Điền
Nhà thơ Hữu Thỉnh (trái) trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học cho nhà văn Vũ Hạnh - Ảnh: L.Điền

Tọa đàm khoa học chủ đề "Tuyển tập Vũ Hạnh - đời văn, chiến sĩ" do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức sáng 5-10 tập hợp nhiều ý kiến ghi nhận những cống hiến của Vũ Hạnh cho nền văn học nước nhà và cả công cuộc đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc.

Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926, tham gia Việt Minh từ năm 1945, hoạt động văn hóa trong kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Liên khu V.

Trong kháng chiến chống Mỹ ông hoạt động tại Sài Gòn (từ năm 1956 đến 1975) với nghề dạy học, viết văn, gia nhập Hội Nhà báo yêu nước, ra tạp chí Tin Văn và làm tổng thư ký Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc...

Nhiều ý kiến tham luận nhắc đến vai trò hoạt động đơn tuyến của nhà văn Vũ Hạnh tại Sài Gòn trong thời đất nước chiến tranh.

GS Mai Quốc Liên nhắc lại trường hợp ông Trần Bạch Đằng gợi ý Vũ Hạnh “viết một cái gì để kích thích tinh thần dân tộc” khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, và Vũ Hạnh đã viết cuốn Người Việt cao quý, ký tên A. Pazzi, hết lời ca ngợi những đức tính cao đẹp của người Việt Nam.

Tiến sĩ sử học Phan Văn Hoàng tổng kết hai mảng chính trong cuộc đời hoạt động của Vũ Hạnh là đấu tranh vì một nền giáo dục tiến bộ và bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc.

PGS.TS Hồng Vinh nhắc lại tôn chỉ mục đích của tạp chí Tin Văn do Vũ Hạnh làm tổng biên tập năm 1966, “Nhấn mạnh đến các phẩm chất tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam... kêu gọi phát huy niềm tự hào của dân tộc chính đáng, dựa vào sức mạnh và sự tự vệ của giống nòi trong cơn sóng to gió lớn đang đe dọa cuộc đời dân tộc” là quan điểm có tính tiên phong của một cây bút còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Nhà văn Bích Ngân đặt vấn đề người viết hôm nay phải tự vấn làm sao đây khi cuộc sống hôm nay, xã hội hôm nay đang đứng trước thực tế đầy thử thách là nhiều phẩm chất cao quý của người Việt đang mai một dần trước dòng xoáy lợi danh?

“Dòng xoáy đó có nguy cơ cuốn đi những giá trị tinh thần tốt đẹp mà dân tộc ta, nhân dân ta đã vun đắp bằng truyền thống văn hóa, bằng máu và nước mắt” - bà Bích Ngân cảnh báo.

Thay mặt Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM, bà Thân Thị Thư - trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy - phát biểu nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của dòng văn học Sài Gòn - TP.HCM trong kháng chiến chống xâm lược mà “các tác phẩm của Vũ Hạnh chính là nhân chứng lịch sử, là một thực thể cấu thành của nền văn học giai đoạn ấy”.

Dịp này, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng thay mặt Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam cho nhà văn Vũ Hạnh.

Buổi tọa đàm kết thúc với một tình tiết có hậu, ấy là sự hiện diện của ông Nguyễn Hữu Dư - một người đồng hương Quảng Nam với nhà văn Vũ Hạnh, nguyên là lính bảo an của chế độ Việt Nam cộng hòa, nhưng vì cảm tình riêng với Vũ Hạnh mà đã báo tin giúp Vũ Hạnh trốn thoát một âm mưu thủ tiêu vào năm 1955.

“Đây chính là người đã sinh ra tôi một lần nữa, nếu không tôi đã chết cách đây 60 năm rồi” - ông Vũ Hạnh xúc động cầm tay ông Dư giới thiệu với mọi người.

Tuyển tập Vũ Hạnh gồm hai tập do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành. Bạn đọc có thể đọc ở đây toàn văn Hồi ký của ông; các truyện ngắn quen thuộc và từng rất nổi tiếng như: Bút máu, Chất ngọc, Mùa xuân trên đỉnh non cao, Vượt thác, Chuyện đời của một trí thức...; các tác phẩm kịch: Người nữ tỳ, Đôi mắt dịu hiền; các truyện dài: Chuyện nàng Y Kla, Cô gái Xà Niêng, Ngôi trường đi xuống; đặc biệt là phần tiểu luận, phê bình: Vài nhận xét về đề án văn hóa của giáo sư Phạm Đình Ái (đăng trên Bách Khoa năm 1964), Nghĩ về tính “chịu chơi” của người Sài Gòn (đăng trên Tin Văn, 1966), Những mâu thuẫn trong quyển Lược khảo văn học của Nguyễn Văn Trung (Bách Khoa, năm 1964)...

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên