07/08/2021 18:42 GMT+7

Vụ ‘giải cứu’ 17 con hổ nuôi nhốt: ‘Không thể thả về tự nhiên’

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Thái - giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam - liên quan đến vụ việc lực lượng chức năng Nghệ An phát hiện, thu giữ 17 con hổ được nuôi nhốt trái phép trong nhà dân ở huyện Yên Thành.

Vụ ‘giải cứu’ 17 con hổ nuôi nhốt: ‘Không thể thả về tự nhiên’ - Ảnh 1.

Hổ được nuôi nhốt trong nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An - Ảnh: BẮC XUÂN

Chiều 7-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh việc 8/17 con hổ nuôi nhốt bị chết sau khi được "giải cứu" khỏi nhà dân, ông Nguyễn Văn Thái - giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam - nói: "Chúng ta đều mong muốn hổ sau khi bị tịch thu sẽ được tái thả về tự nhiên, hoặc đưa vào các công viên hoang dã. Là một tổ chức hoạt động vì động vật và luôn muốn đảm bảo phúc lợi tốt nhất cho động vật, chúng tôi rất lấy làm tiếc vì 8 con hổ bị chết, và đây là sự việc không ai mong muốn".

Theo ông Thái, hổ trong môi trường nuôi nhốt không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không.

Chưa có nơi nào trên thế giới tái thả hổ sinh ra trong môi trường nuôi nhốt, hoặc nuôi thuần trong trang trại nuôi.

Hổ là một trong những loài thuộc nhóm đứng đầu chuỗi thức ăn. Để tồn tại, chúng rất cần có các kỹ năng chạy, săn, rình mồi và bảo vệ lãnh thổ.

"Những con hổ bị tịch thu lần này được sinh ra hoặc thuần dưỡng trong môi trường nuôi nhốt. Chúng bị thừa cân và đã mất hết các bản năng hoang dã cùng các tập tính tự nhiên. Việc tái thả những cá thể hổ này về tự nhiên làm tăng nguy cơ hổ tấn công và gây nguy hiểm cho con người", ông Thái nói.

Vụ ‘giải cứu’ 17 con hổ nuôi nhốt: ‘Không thể thả về tự nhiên’ - Ảnh 2.

Hổ được gây mê, cho vào lồng sắt chuyển đến khu sinh thái - Ảnh: BẮC XUÂN

Ông Thái phân tích, do không thể tự kiếm ăn, cộng với việc đã quen tiếp xúc với con người trong môi trường nuôi nhốt, hổ sau khi được tái thả sẽ có xu hướng tới gần khu dân cư để tìm thức ăn, có thể là vật nuôi hoặc thậm chí là con người.

Vì vậy, việc tái thả hổ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Không chỉ vậy, hổ được tái thả sẽ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực đến quần thể hổ ngoài tự nhiên và cả các loài động vật khác.

Ông Thái cho rằng, việc chuyển những con hổ này đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt và cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp, nhân văn nhất trong thời điểm hiện tại.

"Bên cạnh việc mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho chúng, hoạt động mở cửa cho khách tham quan chính là một nguồn lực tài chính hỗ trợ việc chăm sóc động vật cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên hoang dã", ông Thái nói.

Tuy nhiên trong thực tế, không có nhiều đơn vị đồng ý thu nhận các con hổ này.

Ông Thái giải thích, đa số các đơn vị vườn thú hoặc công viên động vật hoang dã lớn ở Việt Nam đã nhận đủ số lượng hổ trong giới hạn cho phép.

Chi phí thức ăn, chăm sóc và đảm bảo môi trường sống phù hợp cho hổ rất cao. Đây là gánh nặng lớn, thách thức công tác chuyển giao và tiếp nhận các con hổ được tịch thu.

Các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã được quản lý bởi cơ quan chính phủ hoặc các tổ chức phi lợi nhuận cũng không ngoại lệ.

"Đa số các trung tâm có diện tích chuồng trại có hạn, chỉ nhận được số lượng động vật nhất định, không thể tiếp nhận tất cả các cá thể động vật không có khả năng tái thả", ông Thái nói thêm.

Vụ ‘giải cứu’ 17 con hổ nuôi nhốt: ‘Không thể thả về tự nhiên’ - Ảnh 3.

Những con hổ con được giải cứu trong một chuyên án của Công an tỉnh Nghệ An hôm 1-8 đang được chăm sóc tại Vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh: DOÃN HÒA

Quá trình điều tra cho thấy các con hổ bị tịch thu đã sống thời gian dài trong điều kiện chuồng trại, chăm sóc và thức ăn không phù hợp.

Mỗi con hổ trưởng thành với khối lượng trung bình từ 200 - 250kg nhưng phải sống trong những chiếc cũi chật hẹp, ẩm mốc, thiếu ánh sáng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng.

"Việc tàng trữ, buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ là hành vi trái phép, bị xử lý hình sự theo pháp luật. Chỉ khi việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, và hoạt động buôn bán, vận chuyển, nuôi giữ hổ trái phép được ngăn chặn thì hoạt động bảo tồn nhóm loài này mới có kết quả", ông Thái nhấn mạnh.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, rạng sáng 4-8, lực lượng chức năng Nghệ An kiểm tra nhà ông Nguyễn Văn Hiền (39 tuổi) và bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi) cùng ngụ xã Đô Thành, huyện Yên Thành, phát hiện 17 con hổ trưởng thành (mỗi con nặng hơn 200kg) đang được nuôi nhốt.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, 17 con hổ được gây mê, rồi vận chuyển đến khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) để gửi chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên đến nay có 8/17 con hổ đã chết, đang được bảo quản đông lạnh.

Công an Nghệ An chưa đưa ra thông tin nguyên nhân vì sao 8 con hổ bị chết.

Vì sao 8/17 con hổ công an thu giữ từ nhà dân bị chết? Vì sao 8/17 con hổ công an thu giữ từ nhà dân bị chết?

TTO - Chỉ sau vài ngày thu giữ từ nhà dân, 8/17 con hổ nuôi nhốt ở huyện Yên Thành, Nghệ An bị chết. Dư luận quan tâm nguyên nhân hổ chết khi trước đó chúng vẫn còn khỏe mạnh?

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên