Khó ai có thể ngờ đường lưỡi bò lại xuất hiện trong một bộ phim tưởng như 'an toàn' là phim hoạt hình!
Nhà quản lý phải có kiến thức cơ bản để cảnh giác. Tất cả những gì liên quan đến biển đảo thì phải có kiến thức, nếu không thì phải lập tức hỏi ý kiến các chuyên gia. Chứ nếu hội đồng thẩm định phim quốc gia mà đụng đến vấn đề biển đảo lại bảo là chúng tôi không biết, chúng tôi chỉ làm đúng quy trình thôi thì không được.
Luật gia Hoàng Việt - Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Về vấn đề chủ quyền biển đảo, Trung Quốc chưa bao giờ thôi tranh thủ các phương tiện truyền thông, các sản phẩm văn hóa để chuyển tải thông điệp tuyên truyền về đường lưỡi bò và hai quần đảo Nam Sa, Tây Sa (thực chất là Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam).
Việc xuất hiện khung hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò trong bộ phim Everest Người tuyết bé nhỏ chỉ là một trường hợp mới nhất.
* Dưới góc nhìn của một chuyên gia theo đuổi vấn đề này, ông có ý kiến gì dành cho các cơ quan chức năng của Việt Nam và cả công chúng Việt Nam trong việc tiếp nhận sản phẩm văn hóa có liên quan đến Trung Quốc với nguy cơ họ chèn các thông điệp vi phạm chủ quyền Việt Nam vào đó?
- Đây không phải là lần đầu Việt Nam gặp phải chuyện này. Ít nhất năm ngoái đã có vụ phim Điệp vụ Biển Đỏ cũng của Trung Quốc, trước đó nữa thì có vụ các du khách Trung Quốc công khai mặc áo in hình đường lưỡi bò đến sân bay nhập cảnh Việt Nam.
Và có thể còn nhiều phim khác nữa, bởi Trung Quốc còn có cả những bộ phim ca ngợi các chiến sĩ bảo vệ Nam Sa, tức Trường Sa của Việt Nam.
Tôi được biết thêm là Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tuyên truyền này, thậm chí Trung Quốc còn yêu cầu một số bộ phim phải có những nội dung như trên lồng vào trong.
Trung Quốc còn tổ chức một loạt các game show, mời những người nổi tiếng của Trung Quốc tới thực hiện chương trình ngay tại các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và chiếm giữ ở Trường Sa của chúng ta.
Làm như vậy, để khi truyền hình trực tiếp ra, người Trung Quốc và người nước ngoài dần dần sẽ quen với hình ảnh những nhân vật này xuất hiện trên các đảo nhân tạo, và theo thời gian họ sẽ hiểu các đảo này là của Trung Quốc.
Luật gia Hoàng Việt trước trụ sở Hạ viện Nhật Bản - Ảnh: H.V. cung cấp
Cả công chúng và cơ quan chức năng cần bắt tay với nhau, bởi câu chuyện biển đảo có rất nhiều nội dung, rất nhiều hình thức trên nhiều loại hình sản phẩm, cơ quan chức năng cũng không thể nào kiểm tra hết được, cho nên khi công chúng phát hiện, báo lại thì cơ quan chức năng cần tiếp nhận và xử lý liền. Như vậy mới là biện pháp lâu dài và căn cơ.
Luật gia Hoàng Việt
* Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là Việt Nam ra cần phải làm gì, thưa ông?
- Chúng ta phải xác nhận: bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ vừa rút xuống, như vậy là đã có vấn đề. Nhưng nếu cứ hễ có vấn đề mới rút xuống thì rõ ràng những người "gác cổng", những người quản lý đã để xảy ra sơ suất.
Hiện chưa tính đến chuyện trách nhiệm thuộc về ai, nhưng nếu chúng ta cứ chạy đuổi theo đuôi như vậy thì liệu sẽ dẫn tới việc gì?
Trong khi Trung Quốc thì làm thiên hình vạn trạng, rất khó để chúng ta biết họ còn làm gì nữa, nhưng ta phải biết những nội dung nào là vấn đề cốt lõi. Để khi đụng đến bất kỳ vấn đề gì thì ta cũng đều có khả năng, và cảnh giác.
Nhà quản lý phải có kiến thức cơ bản để cảnh giác. Tất cả những gì liên quan đến biển đảo thì phải có kiến thức, nếu không thì phải lập tức hỏi ý kiến các chuyên gia. Chứ nếu hội đồng thẩm định phim quốc gia mà đụng đến vấn đề biển đảo lại bảo là chúng tôi không biết, chúng tôi chỉ làm đúng quy trình thôi thì không được.
Từ phía công chúng cũng cần phải cảnh giác. Bởi vì hơn ai hết, công chúng mới là nơi có thể nắm tất cả, và công chúng cũng là người báo cáo lại. Chúng ta cần khuyến khích công chúng là hễ thấy gì sai thì báo lên cho cơ quan chức năng, cơ quan chức năng tiếp nhận và có biện pháp, chứ không phải là trách móc rằng việc đó tại ai và đổ lỗi cho ai.
Trung Quốc chẳng những không dừng lại các hoạt động tuyên truyền về biển đảo kiểu như này mà còn sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới. Trong khi những người làm văn hóa nhiều lúc không có kiến thức sâu về các chuyện này, nên họ nhìn những vấn đề này có thể không đủ độ nhạy như các chuyên gia.
Và ở lĩnh vực này cần có một chiến lược lâu dài bởi Trung Quốc sẽ còn tiếp tục, còn nhiều cách lâu dài và ghê gớm hơn, nên trước mắt khi duyệt phim nếu thấy có vấn đề gì đụng đến biển đảo là suy nghĩ và hỏi ý kiến chuyên gia ngay, như vậy có thể giảm thiểu rất nhiều nguy cơ bị mắc phải các kiểu thức tuyên truyền của Trung Quốc như đã thấy.
Một số vụ "đường lưỡi bò" gần đây gây bức xúc trong dư luận:
Vào tháng 5-2018, một đoàn du khách Trung Quốc đã đến sân bay Cam Ranh đã bị phát hiện mặc áo thun in hình "đường lưỡi bò" phi pháp. Sau đó, cơ quan chức năng địa phương yêu cầu những người này cởi bỏ và tịch thu số áo trên.
Trước đó, vào năm 2017, một người Việt Nam là Lê Trung Tĩnh đang sống và làm việc tại Anh phát hiện trong số hàng lưu niệm bán tại bảo tàng Hoàng gia Greenwich có quả địa cầu in hình đường chữ U (đường lưỡi bò). Ông Tĩnh đã gửi thư cho bảo tàng này, và sau đó nhận được trả lời của bảo tàng cho biết sẽ ngưng bán loại địa cầu có chi tiết gây tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông như vậy.
Trong năm 2018, một quyển sách dành cho thiếu nhi dịch từ nguyên tác Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò trong phần nội dung mô tả về các loại hình giao thông. Sách này do Nhà xuất bản Thế Giới cấp phép ấn hành, sau khi phát hiện đã thu hồi.
Cách đây 6 năm vào tháng 3-2013, một tập sách dạy tiếng Hoa cho thiếu nhi do một công ty sách thực hiện có in hình bản đồ Trung Quốc và đường lưỡi bò đã bị phát hiện và thu hồi tại quận 10, TP.HCM.
Và vụ việc bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ mới đây với hình ảnh đường lưỡi bò trên bản đồ Trung Quốc xuất hiện là trường hợp mới nhất, cho thấy không chỉ với riêng Việt Nam, Trung Quốc chưa bao giờ thôi ý định tuyên truyền ra khắp thế giới về cái gọi là chủ quyền của họ theo đường lưỡi bò do họ tự vẽ ra chiếm gần trọn Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận