![]() |
Nhơn Nghĩa Đường biểu diễn múa rồng dài nhất Vn |
"Đại bản doanh” của Nhơn Nghĩa Đường chỉ là một căn nhà nhỏ, cũ kỹ nằm trong con hẻm rối rắm, đường Bến Hàm Tử, Q.5. Võ sư kiêm “tổng giám đốc” Nhơn Nghĩa Đường, ông Lưu Kiếm Xương, là một người đàn ông bận quần xà lỏn đang ngồi bóp ngón chân cho một bà cụ bị trật khớp.
Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài hai bức tường treo kín bằng khen, giấy khen, và các huy chương, vật lưu niệm mà Nhơn Nghĩa Đường đã gặt hái được từ hàng trăm chuyến biểu diễn, thi đấu trong và ngoài nước...
Dòng dõi Lưu gia
Lưu gia là một dòng họ sống bằng nghề võ, làm thuốc và buôn bán nhỏ ở Quảng Đông, Trung Quốc. Tuy không nổi tiếng như các đại tăng Thiếu Lâm tự, nhưng dòng họ Lưu cũng có tên tuổi trong giới võ lâm hào kiệt Trung Quốc với môn phái Thiếu Lâm Châu Gia, vốn phát triển dựa trên nền tảng vững chắc của Thiếu Lâm và sự thăng hoa của Hồng gia quyền, Thái cực quyền, chuyên luyện nội công và phát đòn theo nguyên tắc cương nhu uyển chuyển, “dụng khí bất dụng lực”.
Chính ông Lưu Hào Lương, cha của Lưu Kiếm Xương, là đệ tử chân truyền của tổ sư Châu Miên. Ngoài bản lĩnh võ công thâm hậu, vị tổ sư này còn có khả năng xem tướng mạo biết trước hậu vận con người. Trong một lần nghỉ ngơi sau buổi tập, ông đã từng nói với Lưu Hào Lương rằng: “Số con rồi phải bôn ba xa xứ. Nhưng sau hồi bỉ vận thăng trầm, dòng họ con sẽ nên danh tiếng và phú quí...”.
Cùng gia đình xuôi về phương nam, ông đến Bắc kỳ, rồi xuống Nam kỳ và định cư luôn ở khu người Hoa tại Sài Gòn. Tuy được đồng hương giúp đỡ, nhưng Lưu Hào Lương cũng rất khó khăn trong buổi đầu ở quê mới. Không chỉ chứng minh bản lĩnh võ công, ông còn phải khẳng định mình bằng nghề thuốc cứu người. Năm 1937, ông quyết định thành lập đội lân Lưu gia, gồm cả vợ con, anh em trong nhà nữa mới chẵn 10 người. Đây là sự kiện làm chấn động giới võ lâm người Hoa Sài Gòn bấy giờ.
Nhiều trận so đấu thử thách đã xảy ra. Đội lân Lưu gia nhỏ xíu vẫn từ từ tiến chắc. Bảng hiệu Nhơn Nghĩa Đường được dựng lên, trở thành hội quán võ thuật và sinh hoạt cộng đồng. Đến đời Lưu Kiếm Xương lên thay cha thì đội lân này đã trở thành đoàn lân lớn nhất và nổi tiếng nhất nước. Thành viên chính thức của đoàn nay hơn 200 người, có thể biểu diễn cùng lúc cả năm nơi với tất cả tuyệt kỹ của múa lân lẫn công phu võ thuật.
Thường xuyên được các cơ quan, công ty lớn mời biểu diễn trong các dịp lễ tết, Nhơn Nghĩa Đường còn được mời đi biểu diễn và thi đấu ở Thái Lan, Trung Quốc, Macau, Hong Kong, Nhật Bản, Singapore... Gần đây, trong đợt thi đấu cúp Thái Hoàng tại Thái Lan, Nhơn Nghĩa Đường đã vượt qua 12 nước, lãnh thổ gồm cả các “nôi” của múa lân như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan... để chiếm giải nhì, và chỉ chịu đứng sau Singapore sau khi phải hội ý trọng tài vì điểm số ngang nhau.
Tuyệt kỹ công phu
Chương trình biểu diễn của Nhơn Nghĩa Đường có đến vài chục tiết mục nội công, trèo cây hái lộc, dạ quang long, múa rồng, chuông cổ cùng minh, cờ bay chiến thắng, trống la hán, mai hoa thung... trong hai phần chính là múa lân, sư, rồng và võ công.
![]() |
Hiện Lưu Hoán Phi là người hiếm hoi có thể leo lên được đỉnh cây tre trơn tuột cao 15m, tương đương với nóc tòa nhà bốn tầng. Đây là tầm cao nhất trong tiết mục trèo cây hái lộc ở các đoàn lân VN, thậm chí nhiều đoàn lân nổi tiếng của Trung Quốc, Hong Kong cũng không đạt nổi. Ngay cả việc kiếm được cây tre cao cỡ này cũng là một kỳ công, phải đặt mua với giá 5 triệu đồng từ rừng rậm Bình Phước.
Nai nịt gọn gàng trong bộ võ phục đỏ rực, Phi hai tay hai chân trần quắp chặt thân tre. Anh như không phải là leo nữa mà phóng từng cú một để lên đến đỉnh 15m trong thời gian vỏn vẹn 30 - 40 giây, để rồi người xem không khỏi... vã mồ hôi hột với những tuyệt kỹ của Phi trên độ cao chênh vênh này.
Không sử dụng bất cứ một phương tiện bảo hiểm nào, lúc anh áp bụng trên đỉnh cây xoay tròn người như chong chóng, khi anh tung cước, xoắn người múa đầu lân. Thậm chí anh còn dùng một bàn chân mong manh móc ngang ngọn cây, tung người tạo thế thẳng vuông góc với cây và giữ vững ở vị trí cực kỳ khó khăn, nguy hiểm này đến vài phút. Đặc biệt, ngay cả cách xuống cũng là một tuyệt kỹ. Hai chân quắp thân cây, anh dốc ngược đầu xuống và cứ thế tuột nhanh gần như là rơi tự do...
So với leo cây tre, mai hoa thung tuy không thử thách độ cao quá mức, nhưng nó cũng không là chỗ cho những người thiếu công phu. Biểu diễn này thường một đôi phối hợp. Từ mặt đất, họ tung người phóng lên cọc thấp nhất cũng đã cao 1m; từ đó uốn mình bay nhảy như vũ điệu trên những cây cọc có độ thấp, cao lô nhô mà cao nhất đến 2,8m và khoảng cách xa nhất giữa các cọc là 2,5m.
![]() |
Lưu Hoán Phi múa lân trên độ cao bằng mái nhà 4 tầng |
Lần thi đấu cúp Thái Hoàng, Lưu Hoán Phi và bạn diễn đã làm các đội diễn quốc tế phải kinh ngạc. Không thể mang theo bàn mai hoa thung vì quá nặng, nhưng họ vẫn có thể bay nhảy như vũ điệu trên bàn mượn của bạn. Đây là điều tối kỵ trong nhảy mai hoa thung vì các võ sĩ chỉ tập luyện, biểu diễn trên bàn của mình. Sự khác biệt độ cao, thấp, khoảng cách gần, xa của các bàn thường làm họ mất độ chính xác, dẻo dai và dẫn đến tai nạn. Khi thấy VN vượt qua được “tử huyệt”, các đội Trung Quốc, Hong Kong quyết giành chiến thắng. Nhưng do quá căng thẳng, họ lại mất điểm ngay trên bàn mai hoa thung quen thuộc vì bị té, trật chân...
![]() |
Cây tre cao 15m |
Chênh vênh không bảo hiểm an toàn trên độ cao tương đương tòa nhà cao tầng, nguyên tắc đầu tiên là võ sĩ không được sai sót dù xác suất chỉ 1/10.000.000, vì giá phải trả chính là sinh mạng. Chính võ sư Lưu Bửu Xương, em Lưu Kiếm Xương, trong một lần biểu diễn leo cây ở độ cao 12m đã bị rớt xuống. Kiếm Xương trong chớp mắt chỉ kịp xoạc chân tấn trụ đưa lưng đỡ em. Còn Bửu Xương với bản lĩnh cả đời luyện tập công phu đã rùn lỏng chân tấn, co chùng người khi chạm xuống như con mèo để giảm bớt trọng lực gây chấn thương, rồi lại bung người phóng lên. Khán giả chỉ biết hết hồn tưởng họ biểu diễn tuyệt kỹ làm hú tim người xem, chứ đâu biết chính họ cũng hú tim...
Lưu Hoán Phi cho biết anh còn rất trẻ và sẽ tiếp tục chinh phục độ cao gấp đôi, gấp ba hiện nay: “Bởi múa lân - sư - rồng đâu chỉ có mỗi cái đẹp nhìn thấy bằng mắt. Mà nó còn là con đường để khai phá những hạn chế của chính bản thân, mở cánh cửa giải phóng niềm tin sinh lực, cùng bao điều huyền bí...”.
Và người ta gọi đó là vũ điệu của thần linh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận