31/05/2023 16:02 GMT+7

Vụ CNS: Tranh luận quỹ khen thưởng của doanh nghiệp có phải vốn nhà nước?

Ngày 31-5, phiên tòa xét xử 10 bị cáo trong vụ làm thất thoát 22 tỉ đồng tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) tiếp tục tranh luận.

Vụ CNS: Tranh luận quỹ khen thưởng của doanh nghiệp có phải vốn nhà nước? - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Một trong những vấn đề các luật sư, viện kiểm sát tranh luận, đối đáp là quỹ khen thưởng của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) có phải tài sản nhà nước không.

Quỹ khen thưởng của CNS không phải tài sản nhà nước?

Tại phiên tòa, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng tiền trong quỹ khen thưởng không phải tài sản nhà nước.

Các luật sư viện dẫn văn bản trả lời của Bộ Tài chính rằng "quỹ khen thưởng, phúc lợi được trích lập theo đúng quy định của pháp luật thì xét về khía cạnh nguồn vốn, quỹ khen thưởng phúc lợi không thuộc vốn chủ sở hữu" để cho rằng quỹ khen thưởng của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không phải là tài sản nhà nước.

Luật sư cho rằng theo Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2014, nghị định số 91/2015, vốn nhà nước tại doanh nghiệp không bao gồm quỹ khen thưởng, phúc lợi. 

Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp nhà nước được trích lập từ một phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp và được dùng để khen thưởng cho người lao động trong doanh nghiệp và cá nhân, đơn vị ngoài doanh nghiệp có đóng góp nhiều cho hoạt động kinh doanh, công tác quản lý của doanh nghiệp. Quỹ khen thưởng được hạch toán vào tài khoản 353 - là tài khoản nợ phải trả.

Như vậy, theo các quy định trên thì quỹ khen thưởng không phải là vốn chủ sở hữu, không phải tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. 

Đây là khoản tiền được phân phối từ lợi nhuận sau thuế, được hạch toán vào tài khoản nợ phải trả ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán kèm theo báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp, thể hiện nguồn hình thành tài sản, chứ không phải tài sản của doanh nghiệp.

Từ đó, các luật sư cho rằng số tiền hơn 17 tỉ đồng từ quỹ khen thưởng tại CNS đang bị truy tố trong vụ án này không phải là tài sản nhà nước. Do đó, hành vi của các bị cáo không gây thất thoát, lãng phí đến tài sản nhà nước.

Vụ CNS: Tranh luận quỹ khen thưởng của doanh nghiệp có phải vốn nhà nước? - Ảnh 3.

Đại diện viện kiểm sát tranh luận, đối đáp với các luật sư - Ảnh: HỮU HẠNH

Lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước là tài sản công

Đối đáp với các luật sư, đại diên VKSND TP.HCM khẳng định quỹ khen thưởng CNS là tài sản nhà nước. 

Bởi Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH một thành viên (CNS) là doanh nghiệp do UBND TP.HCM nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Luật Doanh nghiệp năm 2020, nghị định số 91/2015 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. 

Theo đó, xác định tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và đã được tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhà nước là chủ sở hữu đối với tài sản trong doanh nghiệp nhà nước bởi vì là người cấp vốn đầu tư ban đầu và đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp. 

Để quản lý vốn của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Nhà nước quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, cách chức các vị trí quan trọng nhất của công ty như chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng..., giúp chủ sở hữu điều hành hoạt động kinh doanh, quản lý tài sản của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện viện kiểm sát cũng viện dẫn văn bản của Bộ Tài chính, cho rằng tất cả tài sản của doanh nghiệp nhà nước phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và theo quy định của pháp luật. 

Khi chưa chi tiêu cho mục đích khen thưởng, phúc lợi thì toàn bộ tài sản của doanh nghiệp đều phải được quản lý như nhau, bất kể nguồn hình thành tài sản đó như thế nào. Việc chi tiêu, sử dụng tài sản phục vụ mục đích khen thưởng, phúc lợi phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.

Do vậy, khách thể của tội danh mà VKSND tối cao đã truy tố đối với 7 bị cáo là có căn cứ, đúng quy định.

Nguyên lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn hầu tòa vì gây thất thoát hơn 22 tỉNguyên lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn hầu tòa vì gây thất thoát hơn 22 tỉ

Sáng 29-5, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) vì gây thất thoát hơn 22 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên