30/05/2023 15:40 GMT+7

Cựu chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn Chu Tiến Dũng bị đề nghị 7-8 năm tù

Chiều 30-5, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội đối với 10 bị cáo trong vụ sai phạm làm thất thoát 22 tỉ đồng tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS).

Cựu chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn Chu Tiến Dũng bị đề nghị 7-8 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Chu Tiến Dũng (giữa) và các bị cáo tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Không kiểm tra thông tin đối tượng được khen thưởng, gây thất thoát 17,3 tỉ

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Công ty cổ phần TIE (viết tắt là TIE) trực thuộc Sở Công Thương TP.HCM có 70% vốn của CNS.

Vì là doanh nghiệp có vốn của Nhà nước nên việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp phải tuân theo các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại CNS, TIE đã đề xuất, quyết định và thực hiện chi tiền quỹ khen thưởng tại CNS và thoái vốn tại TIE không đúng quy định, gây thất thoát tài sản của Nhà nước là tiền của Công ty CNS 22 tỉ đồng (trong đó quỹ khen thưởng là 17,3 tỉ đồng, thoái vốn tại TIE 4,6 tỉ đồng).

Cụ thể, các bị cáo trong ban giám đốc CNS không kiểm tra thông tin đối tượng được khen thưởng, thành tích cụ thể, cơ sở để đưa ra mức khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân mà vẫn ký tờ trình, phiếu chi, không kiểm tra việc sử dụng tiền chi thưởng, không thực hiện theo quy định của Luật Kế toán.

Về việc thoái vốn tại TIE, các cá nhân là lãnh đạo CNS và người đại diện quản lý vốn của CNS tại TIE đã không thực hiện đúng các quy định và chỉ đạo của UBND TP.HCM, gây thất thoát 4,6 tỉ đồng thông qua 2 lần thoái vốn.

Viện kiểm sát đánh giá các bị cáo trong vụ án đều là những người có trình độ, nhận thức pháp luật, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình, đa số là lãnh đạo. 

Tuy nhiên, chỉ vì động cơ cá nhân và cả vì nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội, gây thất thoát về tài sản lớn cho Nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội, do đó cần phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe, giáo dục.

Cựu chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn Chu Tiến Dũng bị đề nghị 7-8 năm tù - Ảnh 3.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Cựu tổng giám đốc CNS Chu Tiến Dũng phải chịu trách nhiệm chính

Bị cáo Chu Tiến Dũng là tổng giám đốc CNS thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Bị cáo phải chịu trách nhiệm chính trong việc thất thoát 17,3 tỉ đồng từ quỹ khen thưởng và đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Hoành Hoa trong việc để thất thoát 4,6 tỉ đồng khi thực hiện thoái vốn tại TIE.

Bị cáo Nguyễn Hoành Hoa là chủ tịch hội đồng thành viên, với cương vị, trách nhiệm được giao, lẽ ra phải cẩn trọng kiểm tra tất cả các quy định về việc chuyển nhượng tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, đảm bảo việc bảo toàn tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, ông Hoa đã ký 3 văn bản chấp thuận phương án thoái vốn và chỉ đạo ông Chu Tiến Dũng thực hiện thoái 70% vốn CNS tại TIE, gây thất thoát cho Nhà nước 4,6 tỉ đồng.

Các bị cáo Hoàng Minh Trí và Phạm Thúy Oanh là người đại diện quản lý vốn của CNS tại Công ty TIE. Với vai trò là người đại diện vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, các bị cáo đã không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ khi không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Quá trình điều tra, các cá nhân nhận tiền thưởng không đúng quy định đã nộp lại số tiền đã nhận. Đồng thời, các bị cáo đã tự nguyện hoặc đề nghị gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả, trong đó bị cáo Nguyễn Hoành Hoa nộp 3,2 tỉ; bị cáo Đỗ Văn Ngà nộp 697 triệu; bị cáo Nguyễn Đức Vượng nộp 4,8 tỉ đồng; Nguyễn Minh Trí nộp 1,4 tỉ đồng; Phạm Thúy Oanh 334,9 triệu đồng; Lê Viết Ba nộp 1 tỉ đồng. 

Quá trình chuẩn bị xét xử, các bị cáo Chu Tiến Dũng, Lê Vũ Tùng tiếp tục tự nguyện nộp tiền khắc phục mỗi người 200 triệu đồng. Như vậy, toàn bộ hậu quả của vụ án đã được khắc phục, các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án, tiền sự...

Viện kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo:

1. Nguyễn Hoành Hoa (cựu chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn - CNS): 3-4 năm tù.

2. Chu Tiến Dũng (cựu tổng giám đốc CNS): 7-8 năm tù

3. Nguyễn Hoàng Anh (cựu chánh văn phòng, phó tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên CNS): 3-4 năm tù.

4. Đỗ Văn Ngà (kế toán trưởng CNS): 6-7 năm tù.

5. Lê Viết Ba (phó phòng tài chính - kế toán CNS): 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

6. Vũ Lê Tùng (cựu phó tổng giám đốc CNS): 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

7. Huỳnh Tấn Tư (cựu phó tổng giám đốc CNS): 15-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

8. Nguyễn Đức Vượng (chánh văn phòng CNS): 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

9. Phạm Thúy Oanh (cựu kế toán trưởng TIE, nguyên người đại diện quản lý vốn góp của CNS tại TIE, phó tổng giám đốc TIE): 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

10. Hoàng Minh Trí (cựu thành viên hội đồng quản trị TIE, phó giám đốc Công ty phát triển công viên phần mềm Quang Trung thuộc CNS): 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Nguyên lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn hầu tòa vì gây thất thoát hơn 22 tỉNguyên lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn hầu tòa vì gây thất thoát hơn 22 tỉ

Sáng 29-5, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) vì gây thất thoát hơn 22 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên