09/02/2012 09:10 GMT+7

Vụ" Chặt đẹp du khách": Nặng tay với khách Tây

N.TÂM - T.TRUNG - D.THANH - V.KỲ
N.TÂM - T.TRUNG - D.THANH - V.KỲ

TT - Tiếp tục câu chuyện “chặt chém” du khách, sáng 8-2 nhóm PV, CTV Tuổi Trẻ đã theo chân các đoàn du khách tại những điểm nóng về du lịch ở miền Trung.

Kết quả cho thấy tình trạng “chặt chém” du khách vẫn đang diễn ra hằng ngày.

Ăn cá... chục triệu đồng ở Hạ LongNóng chuyện “chặt đẹp” du khách

Edq7fAF9.jpgPhóng to
Một “cò” đón xe du lịch mời chào đưa khách về khách sạn mà anh ta đã móc nối trước để kiếm hoa hồng - Ảnh: Văn Kỳ

Cá biệt tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), nơi từng được dư luận nhận xét khá tốt việc giải quyết tình trạng “chặt chém”, hàng rong, đeo bám... song nhiều dịch vụ dành cho du khách nước ngoài, đặc biệt khách đi lẻ, cũng bị “chém” cao hơn rất nhiều lần so với bình thường.

Không biết nên bị... ”chặt”

Gia đình anh Jimmy (Anh) lần đầu tiên đi tour mở đến VN và ghé Hội An. Ngày 8-2, anh vào một tiệm cắt tóc trên đường Trần Phú cạo sơ cái đầu bóng láng của mình. Chỉ mất vài phút nhưng sau đó anh phải trả 200.000 đồng, trong khi thực tế dịch vụ này cho người Việt chỉ khoảng 30.000 đồng.

“Tôi không biết chênh lệch dữ vậy, dù sao thì cũng thử rồi” - anh Jimmy nói. Tương tự, một cặp vợ chồng người Hà Lan đã đến Hội An lần thứ hai nên luôn trả giá khi mua hàng. Khi mua một hộp gỗ tại cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường Trần Phú, người bán hàng ra giá 8 USD (hơn 160.000 đồng), người chồng trả giá và chỉ đưa 120.000 đồng. Tuy nhiên trước đó khoảng mười phút, một khách nữ người Úc không may mắn như vậy và phải trả đủ 8 USD.

Dịch vụ tham quan TP Hội An bằng xích lô cũng phân biệt rõ. Cụ thể giá 150.000 đồng/giờ cho khách nước ngoài đi lẻ và 100.000 đồng/giờ cho khách trong nước và khách đi tour, chưa kể tiền “tip”. Anh John, một sinh viên người Úc, cho biết thấy giá xích lô mắc quá nên quyết định thuê xe đạp đi dạo Hội An.

Tại một số tiệm ảnh, giá một bức ảnh lưu niệm cho khách Tây là 5 USD trong khi người Việt chỉ trả 50.000 đồng. Khi được hỏi, những người bán hàng cho biết do tình hình kinh tế khó khăn cộng với việc khách đến mua hàng cũng ít hơn nên nâng giá cao hơn một chút.

Đeo bám trên đèo Hải Vân

Sáng 8-2, có mặt tại đỉnh đèo Hải Vân, chúng tôi chứng kiến nạn chèo kéo diễn ra rất phổ biến và... tự nhiên. Khoảng 9g, khi chưa đặt chân xuống cửa ngõ Đà Nẵng, một số khách nước ngoài đi trên xe 52 chỗ ngay lập tức bị một số người đàn ông “áp sát” cửa xe mời khách vào quán uống cà phê. Một vị khách không có nhu cầu đã lắc đầu khó chịu rồi phàn nàn với hướng dẫn viên.

Tại một quán ngay trạm gác của quân đội, hai du khách nam người nước ngoài đang ngồi uống nước thì bị nhóm bốn người bán hàng rong “bao vây” mời mua đồ trang sức bằng đá và túi đựng điện thoại. Dường như muốn dứt khỏi sự đeo bám, một người đã miễn cưỡng bỏ ra 20.000 đồng rồi chỉ tay vào chiếc túi đựng điện thoại bằng vải thì ngay lập tức bị hét giá 2 USD.

Tương tự, một tốp khách du lịch người Pháp đi xe đạp lên đèo, chưa kịp nghỉ vì chặng đường dài đèo dốc cũng gặp phải một nhóm người đủ mọi lứa tuổi chèo kéo mời mua vòng đeo tay bằng đá và nước giải khát. Mặc dù khách đã từ chối không mua hàng nhưng số người này vẫn lẽo đẽo đi theo và níu tay khách đến khi họ tỏ vẻ khó chịu mới bỏ đi tìm khách khác.

Nha Trang: “chặt chém” khách để nuôi “cò”

Tại TP biển Nha Trang (Khánh Hòa), bằng nhiều chiêu thức các chủ khách sạn, nhà hàng, nơi bán hàng lưu niệm... đã “ngoéo tay” với hàng trăm “cò” để “móc túi” du khách.

Chiều 8-2, trong vai hai nhân viên của một doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi đến khách sạn Thanh Thủy ở hẻm 64 Trần Phú (TP Nha Trang) để đặt chỗ cho một đoàn khách tám người. Nhân viên tiếp tân khách sạn cho biết do khách đông nên khách sạn không còn phòng đôi, chỉ còn phòng đơn.

Dù giá niêm yết trong quầy lễ tân ghi rõ phòng đơn giá 150.000 đồng/đêm, nhưng cô lễ tân nói mức giá cho các loại phòng thực tế ở khách sạn này đều tăng khoảng 50.000 đồng. “Lấy theo giá niêm yết làm sao kinh doanh có lời được, nhất là khi tụi em cũng có chút đỉnh gửi các anh trà nước” - cô lễ tân nói.

Một “cò” khách sạn ở Nha Trang mà chúng tôi vừa quen đã “chỉ giáo” là nên thỏa thuận trước với khách về giá phòng, sau đó “ngoéo tay” với khách sạn để nâng giá lên mức 50.000-100.000 đồng/phòng/đêm mùa thấp điểm và 150.000-200.000 đồng vào mùa cao điểm!

Cũng trong chiều 8-2, chúng tôi đến nhà hàng Hòn Đỏ trên đường Phạm Văn Đồng, một trong chuỗi quán hải sản sầm uất dọc con đường này.

Khi biết chúng tôi dự định đưa một đoàn khách 12 người đến đây vài ngày tới, cô quản lý đã điện thoại cho chủ nhà hàng rồi chủ động nói: “Nhà hàng sẽ chi cho các anh 10% trên tổng giá trị phiếu chi của khách hàng nếu họ ăn những loại hải sản không có trong thực đơn như tôm hùm, cua ghẹ, ốc... Nếu các anh không nhận 10% thì tụi em sẽ linh động cân tăng lên, chẳng hạn con tôm hùm 1kg thì sẽ cân khoảng 1,1-1,2kg, phần chênh lệch đó thuộc về các anh. Ở đây quán nào cũng chỉ chi tới mức đó thôi”.

Chuyện “chặt chém” đã đặt ra nhiều lần

Sau bài viết “Nóng chuyện chặt đẹp du khách” (Tuổi Trẻ ngày 8-2), đã có hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn bày tỏ sự bức xúc, đồng thời khẳng định mình cũng từng là người trong cuộc. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

* Không riêng gì ở vịnh Hạ Long, tại các điểm du lịch khác trên cả nước việc “chặt chém” du khách xảy ra như một thông lệ. Như tôi vừa đi du lịch tại Vũng Tàu, một con mực ống nướng có giá đến 80.000 đồng, hai que kem giá 25.000 đồng...

DƯƠNG MINH TÂM

* Chuyện “chặt chém”, ăn xin, móc túi... du khách trong lẫn ngoài nước xảy ra nhiều nơi và đã kéo dài rồi. Rất nhiều người bức xúc sau khi kết thúc chuyến đi nhưng không hiểu vì sao tình trạng này cứ kéo dài và “liên tục phát triển”?

HUYNH LONG HO

* Ai muốn mua trái dừa giá 2 USD thì chịu khó đứng chừng vài phút trên vỉa hè quanh dinh Thống Nhất - TP.HCM (đoạn trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Du) sẽ thấy: vài thanh niên đội mũ vải (2-4 người), quảy hai sọt đựng dừa trái và nước uống, họ chỉ mời chào khách nước ngoài. Dù trả giá trước nhưng rồi bạn vẫn phải trả 2 USD hay 50.000 đồng cho một trái dừa ướp lạnh.

LÊ HUY - nnuyen2001@

(Bạn đọc đã chứng kiến hoặc là nạn nhân của tình trạng “chặt chém” du khách xin mời email về cho chúng tôi theo địa chỉ kinhte@tuoitre.com.vn).

N.TÂM - T.TRUNG - D.THANH - V.KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên