01/07/2023 08:47 GMT+7

Vụ “Rao bán ngầm 'đất hiếm'”: Phải ngăn 'chảy máu' khoáng sản chiến lược quốc gia

Chiều 30-6, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh một số địa phương cho biết đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh sau khi Tuổi Trẻ có loạt bài điều tra "Rao bán ngầm đất hiếm trên mạng" (khởi đăng từ ngày 28-6).

Mỏ "đất hiếm" ở thôn Cánh Địa (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) sau khi kết thúc quá trình thăm dò hiện trong tình trạng hoang vắng - Ảnh: QUANG THẾ

Mỏ "đất hiếm" ở thôn Cánh Địa (xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) sau khi kết thúc quá trình thăm dò hiện trong tình trạng hoang vắng - Ảnh: QUANG THẾ

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã ký văn bản gửi các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa yêu cầu xác minh thông tin và có biện pháp bảo vệ "đất hiếm".

Để xử lý tình trạng này, các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc. Trước mắt là ngăn chặn tình trạng đào trộm, “buôn bán ngầm”, sau đó là tính chuyện khai thác bền vững loại khoáng sản chiến lược, quan trọng bậc nhất này.

Theo tôi biết chục năm trước có một số nhà khoa học từng đề xuất thành lập một tổng công ty có đủ tiềm lực để chuyên nghiên cứu, khai thác, chế biến sâu đất hiếm phục vụ cho xuất khẩu và các ngành công nghiệp trong nước. Đáng tiếc đến nay vẫn chưa làm được.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc

Lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam cho hay chiều 30-6 vừa ký thêm một văn bản hỏa tốc gửi cho hai công ty được cấp giấy phép khai thác mỏ đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái, yêu cầu khẩn trương báo cáo về tình hình hoạt động, việc bảo vệ, khai thác khoáng sản trong phạm vi giấy phép được cấp. Theo vị này, hiện trên cả nước Bộ Tài nguyên và Môi trường mới cấp giấy phép khai thác đất hiếm cho hai công ty ở Lai Châu và Yên Bái.

Theo tìm hiểu, dù được cấp phép từ năm 2014 nhưng đến nay mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu) vẫn chưa khai thác. Trong khi đó, mỏ Yên Phú (Yên Bái) có trữ lượng chỉ khoảng 20.000 tấn nhưng quặng đất hiếm chưa đạt yêu cầu xuất khẩu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết để xử lý dứt điểm được tình trạng này thì Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các địa phương mà báo chí phản ánh.

"Trước mắt là ngăn chặn được tình trạng đào trộm, buôn bán ngầm, sau đó bộ, ngành phải tìm kiếm nhà đầu tư có uy tín để khai thác bền vững loại khoáng sản chiến lược, quan trọng bậc nhất này. Suốt bao nhiêu năm qua dù chúng ta thăm dò phát hiện ước lượng có khoảng 20 triệu tấn quặng tinh, chiếm 18% toàn thế giới, nhưng lại chưa chế biến để xuất khẩu, trong khi 'đất hiếm' thô lại bị đào trộm bán đi, rất đáng buồn", ông Doanh nói.

Sự cảnh tỉnh về quản lý, khai thác "đất hiếm"

Đại biểu Trịnh Xuân An, ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, bày tỏ cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã có loạt điều tra về tình trạng buôn bán ngầm tài nguyên chiến lược của Việt Nam.

Theo ông An, việc xác định các hành vi như báo phản ánh có vi phạm pháp luật ở mức nào, cụ thể ra sao sẽ do cơ quan điều tra, quản lý đánh giá về tính chất, mức độ. Tuy nhiên, việc buôn bán ngầm "đất hiếm" rõ ràng không phải mới xảy ra và không chỉ đào vài ký quặng đi bán mà với số lượng rất lớn, giá trị cao. Như vậy rõ ràng đã có phương thức luồn lách rất tinh vi, đã hình thành “thị trường ngầm” trái phép.

Ông An đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ cần xem xét, đánh giá kỹ lại chiến lược khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên này. Vì nó có vai trò rất quan trọng trong sản xuất, chế tạo thiết bị bán dẫn, thậm chí cả vũ khí... Với trữ lượng lớn, nó còn thể hiện cả vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

"Cần tính toán lại việc khai thác, tích trữ cũng như xây dựng hệ thống, công nghệ để biến từ tài nguyên thô thành thứ có giá trị cho đất nước. Loạt bài của Tuổi Trẻ chính là một sự cảnh tỉnh. Nếu Nhà nước không quản được, để cho kẻ gian khai thác trộm như vậy vừa mất tài sản quốc gia và gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự cũng như nhiều vấn đề khác", ông An nói.

PGS.TS Lê Bá Thuận, nguyên viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm, chuyên gia hàng đầu về đất hiếm, cho hay sau khi đọc tuyến bài của Tuổi Trẻ đã cảm thấy ngạc nhiên khi "đất hiếm" có thể buôn bán dễ dàng với số lượng lớn như vậy.

"Với các nhà khoa học như chúng tôi muốn xin một vài tấn đất hiếm để về phục vụ công tác nghiên cứu thôi cũng vô cùng khó khăn, thậm chí không xin phép được. Nhưng ở đây lại buôn bán một cách dễ dàng, thậm chí số lượng nhiều như vậy là điều rất ngạc nhiên", ông Thuận nói.

Cũng theo ông Thuận, một số nguyên tố phóng xạ thường đi kèm với đất hiếm và tùy theo mỏ mà mức độ nhiễm xạ khác nhau. 

Do đó, trong việc khai thác cần phải có quản lý chặt chẽ, đặc biệt cần sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn môi trường về phóng xạ, hóa chất... Với những cá nhân khai thác tự do chắc chắn sẽ không đảm bảo an toàn môi trường, do đó các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Rao bán ngầm ‘đất hiếm’ trên mạng - Kỳ 4: Cuộc đua khai thác 'đất hiếm' của những 'ông trùm'

"Giá trị của đất hiếm của Việt Nam rất lớn và có nhiều ý nghĩa quan trọng. Do vậy, rất cần các chính sách cụ thể để kiểm soát, giám sát cũng như khai thác bài bản, phù hợp. Trong đó, cần đảm bảo các yếu tố về công nghệ khai thác để đảm bảo về môi trường an toàn phóng xạ, sức khỏe và việc khai thác cũng cần bền vững, lâu dài", ông Thuận nói.

Buôn bán ngầm đất hiếm - Kỳ 3: Những cuộc ngã giá bạc tỉBuôn bán ngầm đất hiếm - Kỳ 3: Những cuộc ngã giá bạc tỉ

Mấy năm gần đây xuất hiện nhiều ông trùm, bà trùm có khả năng môi giới khoáng sản rất mát tay. Họ có đặc điểm chung là chỉ giao dịch những lô hàng đất hiếm bạc tỉ và nổi tiếng "rắn mặt" khi đàm phán.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên