Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trước khi trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban soạn thảo báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cũng đã cơ bản thống nhất với các nội dung tiếp thu, giải trình trong báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo.
Theo đó, về nội dung khung giá, bảng giá và giá đất cụ thể, Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết Thủ tướng đã kết luận ngành tài nguyên và môi trường chủ trì việc xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. Ngành tài chính có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định giá đất theo quy định của pháp luật về giá.
Tương tự, Thủ tướng cũng đã kết luận bảng giá đất chỉ áp dụng đối với việc thu thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý sử dụng đất đai. Các trường hợp còn lại, căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, UBND các tỉnh xác định giá đất cụ thể theo phương án 2 của dự thảo luật. Vì vậy, theo Bộ Tài nguyên - môi trường, việc xác định giá đất cụ thể là rất cần thiết và phù hợp với nguyên tắc chung của các nước.
Tương tự, theo Bộ Tài nguyên - môi trường, việc dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) quy định “với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm thì áp dụng bảng giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính tiền thuê đất”, “Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể”, những quy định này đã được Thủ tướng kết luận tại thông báo kết luận số 165 ngày 16-4. Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, do số doanh nghiệp thuê đất trả tiền hằng năm rất lớn nên không thể tính độc lập cho từng đơn vị, do vậy việc áp theo bảng giá là phù hợp. Còn với trường hợp thuê đất trả tiền một lần, do số đơn vị này rất ít nên hoàn toàn có thể để các đơn vị tư vấn tính giá đất cho từng trường hợp cụ thể.
Theo một lãnh đạo bộ, vấn đề tại khoản 1 điều 21 của dự thảo trước đây có nêu “hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được thành lập thống nhất từ trung ương đến cơ sở, bao gồm: cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên - môi trường. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”, tuy nhiên sau khi có ý kiến góp ý, ban soạn thảo luật đã tiếp thu, thay đổi về câu chữ, theo đó sửa từ “được thành lập thống nhất” thành “được tổ chức thống nhất”. Vị này khẳng định không có việc thành lập các cục chuyên về đất đai ở các địa phương, mà tất cả các đơn vị vẫn sẽ hoạt động, giữ nguyên như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận