22/02/2012 06:01 GMT+7

Vụ án Olympus

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Thi thể giám đốc điều hành Hãng máy ảnh Nhật Olympus được tìm thấy tại một công viên ở gần New Delhi, Ấn Độ hôm 20-2. Thêm một vận xui tiếp tục vây bủa Olympus từ sau cuộc khủng hoảng vào cuối năm 2011.

Cựu chủ tịch Hãng Olympus bị bắt giữXìcăngđan tài chính gây chấn động tại Nhật BảnGiám đốc điều hành Olympus tự tử

dAJeVJJ1.jpgPhóng to

Các lãnh đạo của Olympus bị cáo buộc che giấu khoản thua lỗ 1,3 tỉ USD (từ trái qua): cựu chủ tịch Tsuyoshi Kikukawa, phó chủ tịch Hisashi Mori và chủ tịch Shuichi Takayama - Ảnh: AFP

Báo Times of India cho biết một công nhân vệ sinh đã phát hiện ông Tsutomi Omori, 49 tuổi, treo cổ lên thanh sắt ở ngoài công viên thuộc khu căn hộ sang trọng tại TP Gurgaon, cách New Delhi 30km. Ông Omori là giám đốc điều hành phụ trách thiết bị y tế của Olympus tại thị trường Ấn Độ. Các thông tin ban đầu cho thấy nhiều khả năng đây là một vụ tự sát.

Cảnh sát TP Gurgaon xác nhận ông Omori sống một mình hai năm qua trong một căn hộ ở lầu tám. Ông để lại hai lá thư tuyệt mệnh bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Lá thư bằng tiếng Anh viết: “Tôi rất xin lỗi vì đã làm liên lụy tới mọi người”, bức thư bằng tiếng Nhật viết cho gia đình ông. Đại sứ quán Nhật từ chối dịch bức thư này vì cho rằng đây là vấn đề riêng tư. Có thể nhà chức trách sẽ khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết này.

Thua lỗ 1,3 tỉ USD

Ông Omori phụ trách Công ty Olympus Medical Systems India Pvt. Ltd, công ty con của Olympus Nhật, hoạt động từ tháng 4-2010. Các điều tra ban đầu cho biết trong ba ngày trước cái chết của ông Omori không ai tới thăm ông. Theo các cộng sự của ông, ông Omori là người rất mạnh mẽ và cứng rắn, khó có thể quyết định tự hủy hoại mình một cách dễ dàng.

Chưa có bằng chứng cho thấy cái chết của ông có liên quan tới vụ lừa đảo tài chính tại công ty mẹ - một trong những vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Nhật. Tháng 10-2011, cựu giám đốc điều hành của Olympus là Michael Woodford tiết lộ thông tin chấn động về khoản thua lỗ đầu tư 1,3 tỉ USD kéo dài 13 năm qua và tuyên bố từ chức. Giá trị cổ phiếu của Olympus lập tức sụt giảm 49% kể từ đó.

Hiện cuộc điều tra về các hành vi lừa đảo của ban giám đốc Olympus vẫn đang được tiếp tục và mở rộng sang Mỹ, Anh. Ngày 16-2, nhà chức trách đã bắt giữ ba cựu lãnh đạo của Olympus cùng bốn người khác vì nghi ngờ họ vi phạm Luật trao đổi và giao dịch tài chính của Nhật.

Các nhân viên điều tra đã lục soát các trụ sở và văn phòng của Olympus tại Tokyo, sau khi Olympus xác nhận cựu chủ tịch Tsuyoshi Kikukawa, Hideo Yamada (67 tuổi, phụ trách bộ phận đầu tư kể từ những năm 1980 và sau đó nắm vị trí kiểm toán) và phó chủ tịch điều hành Hisashi Mori... câu kết và thông đồng để đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch sự thật.

Lời giả, lỗ thật

Quá bất ngờ về khoản thua lỗ khổng lồ bị giấu nhẹm cả chục năm qua, Olympus vừa quyết định đâm đơn kiện và đòi bồi thường đối với 19 giám đốc điều hành trước đây và hiện nay cùng năm kiểm toán viên doanh nghiệp.

Tháng 1-2012, thị trường chứng khoán Tokyo đã cho phép Olympus tiếp tục được niêm yết sau khi phạt 10 triệu yen và yêu cầu Olympus phải báo cáo định kỳ về nỗ lực vực dậy hoạt động của công ty. Vụ án Olympus đã khiến dư luận Nhật rất bất bình về khả năng kiểm soát và giám sát tình hình hoạt động của các công ty, khi các ban giám đốc, ban kiểm toán, các công ty kiểm toán không thực hiện đúng chức năng của mình.

Nhưng bản thân Olympus, với tư cách một doanh nghiệp, cũng bị nhà chức trách “sờ gáy”. Kyodo cho biết các công tố viên Nhật hôm 19-2 đã xem xét việc khởi tố Tập đoàn Olympus vì đã báo cáo tài chính giả mạo. Olympus có thể bị phạt 700 triệu yen (8,1 triệu USD) nếu bị kết tội.

Theo báo Mainichi, nhiều nhà đầu tư hi vọng Olympus tiếp tục được niêm yết. Việc bị đưa khỏi sàn giao dịch có nghĩa là Olympus sẽ bị loại khỏi thị trường tài chính và các khoản tiền giúp việc kinh doanh vào thời điểm khó khăn hiện nay sẽ bị hạn chế. Nhà chức trách đang thảo luận việc hạ bậc chứng khoán của Olympus xuống mức “báo động đỏ”, và phạt 10 triệu yen (129.700 USD). Nếu điều đó xảy ra, Olympus sẽ bị kiểm soát chặt chẽ về mọi hoạt động kinh doanh.

Chiến lược gia chính của Công ty chứng khoán Okasan, Yoshihiro Ito, nhận định sẽ rất lâu nữa Olympus mới có thể lấy lại được hình ảnh của mình. Olympus dự kiến sẽ họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 20-4 để các nhà đầu tư bỏ phiếu thông qua ban quản lý mới. Olympus đã thông báo lỗ ròng 33,08 tỉ yen (426 triệu USD) trong chín tháng qua.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên