13/12/2010 05:50 GMT+7

VTV3 đâu rồi?

NGUYÊN LONG (trannguyenlong2004@...)
NGUYÊN LONG (trannguyenlong2004@...)

TT - Ngày 12-12, câu chuyện truyền hình và bóng đá tiếp tục nhận hơn 64 phản hồi. Bạn đọc không hài lòng khi VTV hờ hững với bản quyền V-League và phát sóng các trận đấu của đội tuyển bóng đá VN trên kênh VTV2 vốn không phổ biến.

91GlMDOk.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Bảo Quốc ký vào thư ngỏ gửi Thủ tướng của Hội cổ động viên bóng đá cả nước phản đối sự độc quyền của K+. Tính đến nay thư ngỏ đã có 11.323 chữ ký của cổ động viên cả nước - Ảnh: Gia Tiến

Phản đối K+Bóng đá cho người giàu, tennis cho người nghèo?

Mất trật tự xã hội vì K+

Bóng đá phải đến được với dân nghèo

HLV Nguyễn Thành Vinh của CLB Hòa Phát Hà Nội cho biết: “Mỗi mùa giải CLB này được tường thuật chưa đến chục trận đấu. Tính theo giá năm 2010 tổng tiền bản quyền một trận VFF nhận cũng chỉ 30-40 triệu đồng thì với 50% của ngần ấy tiền, các CLB được bao nhiêu. Dù hiện nay tăng lên 60% thì nó cũng chẳng đáng gì với số tiền 300 triệu đồng/năm mà các CLB đóng cho VFF phí tham dự giải, chưa nói gì mấy chục tỉ các CLB bỏ ra cho một mùa bóng. Do vậy, mối lo lớn nhất của chúng tôi là làm sao bóng đá đến được với dân nghèo chứ không phải kiếm tiền trên lưng người hâm mộ”.

K.XUÂN ghi

Đêm 28 rạng sáng 29-11 diễn ra trận đấu giữa Barcelona và Real Madrid, khoảng 3g sáng tôi thức dậy lục đục mở tivi, bật hết đài này đến đài khác không thấy trận đấu diễn ra, tôi liền điện thoại cho anh bạn thì bị hỏi ngược lại tôi sử dụng cáp của nhà cung cấp nào. Tôi liền đáp SCTV. Anh bạn trả lời gọn lỏn: “Vậy thì đi ngủ đi, K+ độc quyền rồi”.

Lúc này trong đầu tôi suy nghĩ giờ cũng mất ngủ rồi, mà cả năm mới có một trận siêu kinh điển lẽ nào lại bỏ phí. Suy nghĩ một lúc chợt nhớ trên đường đi làm về có mấy quán cà phê để chữ K+ chắc hẳn là có trực tiếp bóng đá, thế là tôi lật đật chạy xe ra mấy quán cà phê ở đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Tới nơi tôi mừng vì thấy ở đây có trực tiếp (lúc này trận đấu diễn ra khoảng 25 phút) và rất đông người đứng xem, đến nỗi ba quán cà phê gần nhau không đủ sức chứa và mỗi quán phải quay một tivi ra đường để dân chúng xem, con đường chật kín người đứng xem.

Tôi ngạc nhiên hơn khi người đứng xem đông nhưng không hô lớn khi có những pha bóng đẹp mà họ chỉ vỗ tay nho nhỏ, chắc hẳn họ là người có ý thức nhưng do yêu thể thao, yêu bóng đá nên mới tập trung xem đông như vậy. Tôi đứng xem khoảng năm phút thì lực lượng dân phòng của quận Phú Nhuận đến yêu cầu chủ quán cà phê tắt tivi.

Ở đây tôi không nói các anh dân phòng sai mà là các anh đang thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Anh trưởng dân phòng đang lớn tiếng thì một bác đứng tuổi bước ra nói lời xin lỗi có ai muốn như vậy đâu, nhưng do họ yêu thể thao, yêu bóng đá, muốn được xem trận đấu hay của năm diễn ra nhưng khổ nỗi không có đài truyền hình nào trực tiếp, nhà bác sử dụng cáp mà mở hết đài này đến đài khác cũng không có.

Nói chuyện một hồi anh trưởng dân phòng bắt đầu nhỏ tiếng lại nhưng vẫn giữ nguyên lập trường là phải tắt tivi. Thế là chủ quán cà phê phải tắt, mọi người lủi thủi ra về.

(nguoivietnam@...)

Tôi đâu bắt được VTV2

VTV2 từ lâu ở chỗ tôi có bắt được đâu, mà nếu có sóng thì cũng rất mờ. Thêm nữa, đáng lẽ bóng đá phải phát trên VTV3 vì đây là kênh thể thao, giải trí, thông tin kinh tế thì lại phát trên kênh VTV2 là kênh khoa học và giáo dục.

Thành (mutuvn@...)

Xem với màn hình đầy “hột é”

Với tình trạng này, nhiều khả năng chúng tôi không thể xem được trận bán kết lượt đi của tuyển VN tại AFF Suzuki Cup vào ngày 15-12 hoặc phải xem với màn hình đầy “hột é”. Sao lòng đam mê bóng đá, tình yêu chân chính vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc mà chúng tôi phải chật vật mới có thể thể hiện?

Có phải quá bất công với những người nghèo như chúng tôi không, có phải những con người đang làm cái chuyện gọi là “bản quyền” gì đó đang quay lưng lại với người nghèo không? Và VTV có còn xứng đáng được gọi là đài truyền hình của nhân dân nữa không?

Vừa mừng vừa lo

Đất nước ngày càng giàu hơn. Điều đó đã được chứng minh qua sự tăng trưởng chỉ số GDP công bố tại các kỳ họp Quốc hội, hội đồng nhân dân các địa phương. Và đất nước đi lên thì đương nhiên người dân cũng có cuộc sống khá hơn. Cuộc sống ấy bao gồm vật chất lẫn tinh thần.

Nhưng có một nghịch lý ở lĩnh vực thuộc về nhu cầu, thậm chí quyền được hưởng thụ của người dân trong đời sống tinh thần, đã đi ngược lại: đó chính là truyền hình.

Xin dẫn chứng: vài ba năm, thậm chí cả chục năm về trước, người dân được xem đầy đủ tất cả các giải bóng đá. Nhưng bây giờ đội tuyển quốc gia thi đấu thì không phải ai cũng xem được, đặc biệt là những người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Đơn giản bởi các trận bóng đá đã bị đẩy sang kênh VTV2 ít phổ biến hơn so với VTV3.

Nói đến đây hẳn các vị làm truyền hình lại giải thích như thế này về chuyện các giải bóng đá quốc tế: ngày xưa chúng ta chưa hội nhập nên “chôm” sóng của thiên hạ, còn bây giờ hội nhập rồi thì phải theo luật chơi quốc tế, phải bỏ tiền mua bản quyền. Đúng là như thế. Nhưng chúng tôi nào có phải xem chùa, cũng phải chịu sự tra tấn của quảng cáo để nhà đài có tiền mua bản quyền và chúng tôi cũng phải đóng phí cả đấy thôi.

Giá như nhà đài đừng tranh nhau mua bản quyền với giá trên trời và hãy tạo ra thật nhiều gói cước khác nhau để chúng tôi chọn lựa. Ai khá giả thì mua gói đắt tiền, đổi lại ít bị quảng cáo tra tấn, ngược lại ai ít tiền thì mua gói rẻ và chấp nhận bị quảng cáo hành hạ đôi chút. Miễn là ai cũng được xem.

Đó là chuyện các giải bóng đá quốc tế. Đáng nói hơn là chuyện người nghèo không xem được các trận đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia.

Ai cũng thấy được rằng khi đội tuyển quốc gia thắng trận, hàng triệu người đổ ra đường ăn mừng chiến thắng, đó không chỉ vì mê bóng đá mà đó là hình ảnh thể hiện lòng tự hào dân tộc. Ấy vậy mà đài truyền hình quốc gia lại xếp chuyện này dưới cả các chương trình game show (thể hiện qua việc truyền hình trực tiếp bóng đá trên kênh có tầm phủ sóng yếu hơn).

Vừa rồi, đọc bài VFF (Liên đoàn Bóng đá VN) “ly dị” VTV để “kết hôn” với AVG (Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu), chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là hi vọng sắp tới thế độc tôn của đài quốc gia sẽ không còn khi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của AVG - một đơn vị tư nhân đã được Chính phủ chấp thuận cho tham gia lĩnh vực truyền thông.

Có lẽ trong tương lai, các liên đoàn thể thao sẽ không còn nỗi bực dọc như ông Lê Hùng Dũng tâm sự: không những không được tiền, mà còn phải chi tiền bồi dưỡng cho truyền hình.

Còn nỗi lo của người hâm mộ chúng tôi là không biết AVG có làm tốt như đã nói (không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người xem)! Sở dĩ chúng tôi lo là bởi cách đây vài năm, khi xuất hiện VTC ai cũng mừng thầm là VTV đã có đối thủ. Nào ngờ VTC cũng chẳng khá hơn, người xem liên tục phải thay đầu thu...

NHƯ ĐAN (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

______________________

VTC tố VFF bội bạc

Ngày 12-12, ông Vũ Quang Huy, phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, chính thức có phát ngôn về việc VFF bán bản quyền truyền hình V-League cho AVG. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huy cho biết đến thời điểm này VTC vẫn chưa biết đây có phải là thông tin hoàn toàn chính xác hay chưa, bởi VTC vẫn chưa nhận được thông báo của VFF về việc họ không bán bản quyền truyền hình V-League cho VTC mà quay sang bán cho AVG.

Nếu đây là thông tin chính xác như Tuổi Trẻ đã đưa thì chỉ có thể nói VFF đã bội bạc với VTC.

Ông Huy bày tỏ: “Là đại diện của VTC, tôi thật sự ngạc nhiên về việc VFF đã bán bản quyền 20 năm của V-League cho AVG mà không hề gửi thông báo cho chúng tôi biết trước khi bán. Dù sao VTC và VTV cũng là một trong hai đài đầu tiên phát sóng V-League và đã theo giải đấu này mười năm qua. Năm 2006 khi tôi chuyển từ VTV về VTC, ngay lập tức chúng tôi đã mua bản quyền V-League và phát sóng trên VTC. Chúng tôi cũng là đài duy nhất có bình luận trước và sau trận đấu tại V-League. Mỗi năm VFF đều tăng giá bản quyền từ 5-10 triệu đồng và VTC luôn trả đúng số tiền. V-League đá giờ nào chúng tôi lên sóng giờ đó chứ chưa bao giờ ép các câu lạc bộ và VFF. Còn có thông tin cho rằng mời các đài đến phải chi tiền để lên sóng thì tôi không biết đài nào, chứ VTC không bao giờ có chuyện đó”.

Khẳng định việc VFF không hề thông tin chuyện bán bản quyền cho VTC, ông Huy nói: “Lẽ ra trước khi bán cho người khác, VFF phải hỏi những khách hàng truyền thống đã theo mình bao năm như VTC rằng có người khác hỏi mua chúng tôi với giá như thế này đấy, các ông có mua được giá cao hơn họ không. Nếu chúng tôi không đủ tiền mua với giá như AVG thì họ bán cho AVG cũng là điều dễ hiểu, đằng này khi họ bán cho AVG cũng không hề hỏi chúng tôi câu nào. Đây đúng là sự bội bạc của VFF. Tôi có thể đặt câu hỏi với VFF rằng các ông đã được lợi gì mà lại quay ngoắt không bán cho chúng tôi, đem bán cho người khác? Trong khi bán cho VTC, tôi đảm bảo rằng VFF không bao giờ phải chịu thiệt thòi. Trong một lần trao đổi với tôi, ông Trần Quốc Tuấn, tổng thư ký VFF, cho rằng VTC đang là đài truyền hình về V-League tốt nhất trong cả nước. Tôi ghi nhận điều đó nhưng vì lý do gì, quyền lợi nào mà VFF lại bội bạc VTC?”.

NGUYÊN LONG (trannguyenlong2004@...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên