>> Chuyện tuổi tác của Công Phượng gây xôn xao
>> “Đợi cơ quan chức năng xác minh tuổi Công Phượng"
Công Phượng (10) tập luyện cùng đồng đội - Ảnh: S.H |
Đại biểu Dương Trung Quốc nói: “Tôi không đồng ý việc chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV tung hê tất cả các thông tin cá nhân của Công Phượng lên sóng. Đây rõ ràng là vi phạm quyền riêng tư cá nhân, cái này Bộ Luật Dân sự hiện hành và sửa đổi đều quy định rõ. Tôi nghĩ trong vấn đề này báo chí đã bị yếu tố giật gân, câu khách tác động".
Ông cho rằng báo chí, nhất là truyền hình đang tạo áp lực xã hội rất lớn lên Công Phượng và cũng tạo ra những định hướng trong xã hội về nghi vấn gian lận tuổi của Công Phượng. “Mặc dù báo chí có quyền đi điều tra nhưng khó có quyền kết luận thay cơ quan chức năng” - Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Ông so sánh, ở nhiều nước khi một người phải ra tòa, đứng trước vành móng ngựa, người ta cũng tránh chụp ảnh mà dùng cách vẽ. Đó là nguyên tắc bởi chưa tuyên án thì chưa có tội.
“Báo chí tham gia điều tra thì nên điều tra đến nơi đến chốn, cung cấp thông tin cho cơ quan có trách nhiệm” - ông Dương Trung Quốc nói.
Theo ông, khi báo chí đã điều tra đến nơi đến chốn và vụ việc được cơ quan chức năng kết luận thì lúc đó “nói về đóng góp của mình” cũng chưa muộn.
Đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị báo chí nên dừng lại trong vụ việc của Công Phượng cho đến khi có kết luận chính thức, nếu Công Phượng có gian lận tuổi thì hãy phê phán.
“Chúng ta hãy vì sự phát triển của một tài năng mà kiềm chế. Nên đóng góp vào một chuẩn mực chung trong xã hội” - ông Dương Trung Quốc mong muốn.
Ông cũng cho rằng sự “thiếu kiềm chế” trong vụ việc này là vì pháp luật chưa có chế tài cho người nói sai, nên mới dung dưỡng tình trạng này. Việc phanh phui nghi vấn gian lận tuổi của Công Phượng có mặt tốt là sẽ nói được vấn đề sai trái. Nhưng nếu làm không khéo, không đúng sẽ dung dưỡng cho lòng đố kỵ, sự ghen ghét của một số người đối với Công Phượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận