29/12/2011 04:03 GMT+7

VPF đi hơi vội

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Super League 2012 sắp sửa khởi tranh, nhưng giờ đây câu chuyện truyền hình giải đấu này vẫn chưa biết đi đâu về đâu. Và chúng tôi tự hỏi chẳng biết vì sao Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) lại vội vã nhảy vào vụ này.

VPF phải tôn trọng hợp đồng VFF đã kýThử thách VPF

Mùa bóng sắp khởi tranh không phải là mùa đầu tiên AVG nắm bản quyền truyền hình. Mùa rồi, AVG đã chính thức vào cuộc và kết quả người hâm mộ chẳng bị ảnh hưởng gì trong chuyện theo dõi các giải như V-League, Cúp quốc gia qua màn ảnh nhỏ. Năm nay, AVG chẳng đòi hỏi gì thêm về tiền bạc từ các nhà đài. Thế nhưng các đài lớn như VTV, VTC đã theo sau VPF để gây sự căng thẳng với AVG.

Để lý giải câu chuyện căng thẳng không đáng có này cần phải quay lại từ đầu. Trước đây, khi Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình cho AVG trong 20 năm, dư luận đã bức xúc bởi một nhiệm kỳ của VFF chỉ có bốn năm nhưng lại bán đến 20 năm là đã bán đi cái không phải của mình. Nhưng hãy thông cảm cho VFF khi họ rơi vào thế không bán không được trước thế lực hùng mạnh của AVG (không chỉ VFF mà còn nhiều liên đoàn khác cũng phải bán như thế). Bên cạnh đó, cái giá của AVG trả cho VFF cũng không phải kém (6 tỉ đồng/mùa và sau mỗi năm tăng 10%). Nếu so với mùa 2009 trước khi bán cho AVG, VFF chỉ thu được khoảng 4 tỉ đồng/mùa từ truyền hình.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế: AVG chỉ từ lỗ đến lỗ khi mua bản quyền truyền hình bóng đá VN hiện nay và cả vài năm tới. Bằng chứng, dù chi 6 tỉ đồng nhưng nguồn thu lại của họ không bằng con số đó, qua cái giá rẻ như bèo thu từ các nhà đài. Có thể nói rằng phi vụ này chỉ là chiêu đánh bóng cho AVG hoặc là đầu tư cho tương lai.

Thế nhưng khi VPF ra đời, bầu Kiên đã đặt ngay vấn đề phải thương thảo lại với AVG. Theo đó, phải rút thời hạn từ 20 năm xuống còn ba năm như thông lệ quốc tế. Đồng thời cũng ra giá AVG phải chi mỗi năm 20 tỉ đồng chứ không phải 6 tỉ đồng. Lời bầu Kiên vừa đưa ra, một số nhà đài lớn hưởng ứng ngay tức thì!?

Thật lạ, nếu AVG chấp nhận, đương nhiên họ sẽ thu tiền các nhà đài nhiều hơn, nhưng tại sao các nhà đài lại thích? Không thể có cách lý giải nào khác hơn rằng đó là sự phản ứng cho cách chơi “trên đầu trên cổ” của AVG, thể hiện qua bản hợp đồng 20 năm. Đến giờ phút này thật khó để dự báo ai sẽ thắng, khi nhóm bầu Kiên cũng mạnh và AVG của ông Phạm Nhật Vũ cũng không yếu!

Riêng với VPF, chúng tôi cho rằng việc công ty này sớm nhảy vào vụ bản quyền truyền hình là hơi vội vã. Trong tình thế mới khai sinh, mọi chuyện còn ngổn ngang trước mắt, việc đầu tiên và cấp thiết nhất là tổ chức Super League 2012 sao cho thật sạch và hấp dẫn. Một khi có sản phẩm tốt (Super League, hạng nhất) sẽ thuận lợi hơn khi đàm phán lại với AVG.

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên