07/11/2017 11:12 GMT+7

Vớt được thần công, thà vùi cát, cưa ra bán đồng nát

THÁI LỘC - NHẬT LINH
THÁI LỘC - NHẬT LINH

TTO - Ngày 3-11, nhóm ngư dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế lại đến Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế và thất thểu ra về.

Vớt được thần công, thà vùi cát, cưa ra bán đồng nát - Ảnh 1.

Khẩu thần công tại Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế - Ảnh: N.LINH

1. Trước đó, vào giữa tháng 5-2017, sau khi trục vớt một khẩu thần công cổ bằng gang, nhóm ngư dân này đã thỏa thuận "nhượng" cho bảo tàng để nhận 20 triệu đồng. 

Bảo tàng lúc ấy đưa trước 10 triệu đồng và hẹn sẽ trả 10 triệu còn lại sau khi hoàn tất thủ tục. 

Đây là lần thứ... rất nhiều họ đến đòi tiền và đành phải ra về vì "chưa xong thủ tục" cùng nhiều lý do khác. 

Ngư dân bực dọc vì chờ đợi quá lâu, đi lại đòi tiền quá tốn kém, trong khi 10 triệu đồng là số tiền lớn trong giai đoạn biển động...

Khi vừa vớt được súng, họ báo ngay cho nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng (Huế). Ông Hoàng xác định súng thời Minh Mạng, có thể bán cả trăm triệu trên thị trường cổ vật. 

Nhưng hơn hết thảy là giá trị lịch sử văn hóa đối với Huế nên ông khuyên ngư dân nhượng lại cho bảo tàng. Họ không đồng ý. 

Ông Hoàng đứng ra "bảo lãnh", rằng "nếu bảo tàng không đưa tiền thì tôi đưa tiền", và "mình vừa không sai luật, vừa có tiền, lại được vinh danh vì phát hiện tài sản văn hóa cho tỉnh". 

Nhóm ngư dân gật gù dù lòng nghi ngại... Mà đâu chỉ riêng họ, cả người bảo lãnh cũng phân vân...

Theo luật, tất cả đều là tài sản nhà nước.

Nhưng lúc xuất lộ, ngoài "trời biết, đất biết" thì chỉ có người đào, người vớt mới biết.

Chính vì thế pháp luật về di sản văn hóa sau này mới có sự điều chỉnh, thưởng tiền xứng đáng cho người báo, người giao nộp để khuyến khích, để những hiện vật "chảy" về bảo tàng chứ không theo thương lái đến các bộ sưu tập tư nhân.

Những điều ấy, có được, chỉ có thể xuất phát từ lòng tin.

2. Thực ra, có lý do để nhóm ngư dân này "mắc mớ" với bảo tàng. 

10 năm trước, tháng 5-2007, một nhóm ngư dân trục vớt được chín khẩu thần công bằng đồng thời chúa Nguyễn tuyệt đẹp và vô cùng quý giá. 

Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế nhận tin nhưng không động tĩnh gì trong khi nhiều thương lái cổ vật miền Bắc hỏi mua. 

Hôm sau, ông Hoàng chở phó giám đốc bảo tàng lúc ấy về tận nơi xem. Bảo tàng cho biết sẽ đề xuất lên "Sở Văn hóa" để mua lại. Ngư dân chờ đợi. 

Rồi thì 5 "cụ" thần công tuyệt đẹp bị bán lên đường ra Bắc. Tình hình cấp thiết, ông Hoàng phải vay nóng "giật" 4 khẩu còn lại theo giá đồng "nát": 120 triệu/hơn 1 tấn đồng. 

Trên đường đưa súng về nhà, ông điện thoại báo cho các ngành chức năng, trung tâm di tích, báo chí và các nhà nghiên cứu đến xem, chụp ảnh, đo vẽ, khảo tả thoải mái...

Nhưng rồi cơ quan công an, thanh tra văn hóa ập đến, lập biên bản về việc... mua bán cổ vật trái phép. Súng bị thu hồi về bảo tàng. 

Trong nhiều ngày liền, ông Hoàng và nhóm trục vớt súng liên tục làm việc với ngành văn hóa và công an địa phương. 

Mãi đến nửa năm sau, khi báo chí và một số đơn vị văn hóa lên tiếng mạnh mẽ, ngành văn hóa - mà đại diện là Bảo tàng Lịch sử và cách mạng - mới làm thủ tục trả lại tiền cho ông Hoàng, nhưng vừa trả quá chậm, lại thấp hơn giá đồng nát khiến ông lỗ mấy chục triệu, chưa kể tiền lãi vay nóng... 

Đó cũng là lý do ngay sau sự việc nói trên, người dân tiếp tục trục vớt thần công nhưng họ buộc dưới đáy thuyền, chờ đến đêm khuân lên bờ vùi dưới cát, tổ chức cưa thành từng khúc để bán đồng nát...

3. Sau nhiều năm nguôi ngoai, ông Hoàng hợp tác trở lại với ngành văn hóa Thừa Thiên - Huế, tổ chức nhiều triển lãm cổ vật, trang phục cung đình và nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội khác. 

Đối với bảo tàng, ông vừa hợp tác triển lãm vừa hiến tặng cổ vật quý hiếm nên lòng tin cũng dần được củng cố. Ông truyền lòng tin đó với nhóm trục vớt súng, lấy uy tín và tiền bạc của mình ra đảm bảo với mong muốn cổ vật không thất thoát khỏi Huế.

Ở vùng đất văn hóa như Huế, việc phát hiện cổ vật trong lòng đất, dưới nước là chuyện thường diễn ra. Nhưng với sự việc nói trên, khi những tài sản văn hóa quý giá xuất lộ, liệu còn ai nghĩ đến chuyện hợp tác để đưa hiện vật đến với bảo tàng? 

Riêng ông Nguyễn Hữu Hoàng thì "tui ngán ngẩm với bảo tàng lắm luôn!". Hay với ngư dân trục vớt thần công Nguyễn Huấn: "Lần sau có vớt được cái chi tui cũng không làm theo kiểu này nữa!"...

THÁI LỘC - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên